Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải so sánh tham nhũng vặt giống như “những ổ mối ăn mòn các công trình lớn”, nếu không có sự quan tâm và có thái đội quyết liệt xử lý thì sẽ ảnh hưởng đến tình hình xã hội, đạo đức con người, đời sống người dân.
Tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo phòng, chống tham nhũng của Chính phủ cho biết năm 2018, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 3.141 cuộc kiểm tra, phát hiện 377 người vi phạm, kiến nghị xử lý kỷ luật 85 người, kiến nghị thu hồi và bồi thường 87,4 tỉ đồng.
Số người đã kê khai, công khai tài sản, thu nhập đạt tỷ lệ 99,8%; có 44 người được xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện 6 trường hợp vi phạm. Đã có 29 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 5 người bị xử lý hình sự, 21 người đã bị xử lý kỷ luật, 3 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật
Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 18.496 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt tỉ lệ trên 79,6%. Thông qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, khôi phục quyền lợi cho công dân 118 tỉ đồng, 102 ha đất, kiến nghị xử lý hành chính 261 cá nhân có vi phạm
Tuy nhiên, công tác phòng chống tham nhũng còn một số hạn chế là công tác tuyên truyền, giáo dục và phòng chống tham nhũng hiệu quả chưa cao; các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa phát huy toàn diện, một số biện pháp hiệu quả thấp.
Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc (tham nhũng vặt) chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Hoạt động thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm kinh tế, nhưng việc phát hiện tham nhũng để chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định pháp luật vẫn còn ít, chậm trễ.
Số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng, nhất là công tác phát hiện, xử lý ở địa phương. Chất lượng và tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng, kinh tế chưa đạt yêu cầu; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ đáng kể nhưng còn thấp hơn nhiều giá trị tài sản bị chiếm đoạt, gây thiệt hại.
Trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2018, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, Ủy ban Tư pháp nhận thấy năm 2018, công tác phòng chống tham nhũng đã đạt được những kết quả tích cực, đã thể hiện nhất quán quan điểm “nói đi đôi với làm”, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”.
Tuy nhiên, thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa có đánh giá về tình hình tham nhũng năm 2018 và chưa đưa ra dự báo về tình hình năm 2019, đề nghị Chính phủ bổ sung nội dung này làm cơ sở đánh giá hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng và đề ra giải pháp hiệu quả trong thời gian tới.
Ủy ban Tư pháp cho rằng, công tác phòng chống tham nhũng ở một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chưa kiểm soát được thực chất tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải bày tỏ băn khoăn khi tham nhũng vặt chưa được ngăn chặn hiệu quả. Điều mà cử tri, nhân dân cả nước gặp phải hàng ngày là các giao dịch với các cơ quan nhà nước, gặp phải nhiều khó khăn với thái độ nhũng nhiễu phiền hà.
Theo bà Hải, hiện nay tham những vặt rất tinh vi, rất khó phát hiện, qua phương tiện thông tin đại chúng, một số vụ việc tham nhũng vặt bị phát hiện. Cử tri đặt vấn đề tại sao người dân phát hiện được tham nhũng mà nội bộ cơ quan lại không phát hiện được?
Cử tri cũng nêu công tác đấu tranh nội bộ của các cơ quan hiện nay được thực hiện như thế nào, liệu những vụ việc tương tự những vụ việc bị báo chí phản ánh có còn nhiều không?
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải so sánh tham nhũng vặt giống như “những ổ mối ăn mòn các công trình lớn” nếu không có sự quan tâm và có thái đội quyết liệt xử lý thì sẽ ảnh hưởng đến tình hình xã hội, đạo đức con người, đời sống người dân. Vì vậy đề nghị các cơ quan liên quan nên đẩy mạnh phát hiện đấu tranh phòng chống tham nhũng trong nội bộ các cơ quan.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanhchia sẻ, qua tiếp xử cử tri, cử tri và nhân dân cả nước dù rất buồn khi phát hiện những vụ việc tham nhũng lớn nhưng cũng rất tin tưởng vào việc xử lý của các cơ quan chức năng.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, trong các văn bản của Đảng đã đề cập rõ phải loại bỏ những cán bộ tham nhũng khỏi bộ máy cơ quan công quyền. Tuy nhiên, trong báo cáo của Chính phủ lại chưa đề cập rõ đến tình hình tham nhũng vặt hiện nay, trong khi đây là vấn đề ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư, môi trường sống của người dân.
Lam Thanh