Vừa qua nam tài tử Hollywood Chadwick Boseman qua đời ở tuổi 43 sau hơn 4 năm chiến đấu với bệnh ung thư đại trực tràng. Nếu trước đây bệnh này thường có ở người sau 50 tuổi thì nay nó ngày càng gặp nhiều ở người trẻ. Vì sao như thế?

Tại sao ngày càng nhiều người trẻ bị ung thư đại trực tràng?

31/08/2020, 16:41

Vừa qua nam tài tử Hollywood Chadwick Boseman qua đời ở tuổi 43 sau hơn 4 năm chiến đấu với bệnh ung thư đại trực tràng. Nếu trước đây bệnh này thường có ở người sau 50 tuổi thì nay nó ngày càng gặp nhiều ở người trẻ. Vì sao như thế?

Nam diễn viên Chadwick Boseman ra đi để lại tiếc thương cho nhiều người - Ảnh: Deadline

Theo GLOBOCAN, năm 2018 toàn thế giới có thêm 1,8 triệu ca mắc mới và gần 900.000 ca tử vong vì ung thư đại trực tràng. Ở Việt Nam, có gần 15.000 ca mắc mới và gần 8.000 ca tử vong. Nếu tính 5 loại ung thư mắc nhiều nhất, ung thư đại trực tràng xếp thứ 4 ở nam giới (8,4% ca ung thư) và thứ 2 ở nữ giới (9,6%).

Tại những bệnh viện ung bướu, các chuyên gia đều ghi nhận sự gia tăng người trẻ mắc ung thư đại trực tràng. Thậm chí trong năm 2018 và 2019, ở bệnh viện K từng có bệnh nhân mới 10 tuổi và 12 tuổi mắc bệnh này.

Khó có được một khảo sát về tình hình trẻ hóa ung thư đại trực tràng ở nước ta, vì làm điều này mất rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc. Nhưng ở Mỹ, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Cancer hồi năm qua đã xác nhận điều này. Cụ thể vào năm 2004 chỉ 10% người dưới 50 tuổi được chẩn đoán ung thư đại trực tràng, vậy mà đến năm 2015 con số lên tới 12%.

Ở 20 nước châu Âu tình hình cũng tương tự. Từ năm 2004 đến 2016, tỷ lệ ung thư đại trực tràng tăng gần 8% mỗi năm ở người trong độ tuổi 20, có 5% ở người trong độ tuổi 30 và 1,6% ở người trong độ tuổi 40.

Theo giới chuyên môn, nhiều yếu tố góp phần làm tăng trẻ hóa ung thư đại trực tràng. Khoảng 5% bệnh nhân có liên quan đến di truyền, 20% liên quan đến gia đình. Đặc biệt 75% do nhiều yếu tố khác nhau, từ môi trường, ăn uống đến lối sống, và theo giới chuyên môn đây mới là nguyên nhân khiến bệnh ngày càng trẻ hóa.

Chẳng hạn một nghiên cứu đăng trên JNCI Cancer Spectrum năm 2018 đã phát hiện mối liên quan giữa việc ngồi xem TV nhiều với nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng ở giới trẻ Mỹ. Tình trạng hút thuốc lá và uống rượu bia phổ biến ở người trẻ cũng là yếu tố nguy cơ đáng nói.

Mộr số nghiên cứu khác còn phát hiện xu hướng ăn nhiều thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn và ít chất xơ trong vài thập niên qua góp phần gây ra ung thư đại trực tràng. Darren Brenner, nhà dịch tễ học ung thư phân tử của Đại học Calgary (Mỹ) từng nhận định trên tờ The Scientist: “Người trẻ ngày nay ăn ít chất xơ nhưng lại nhiều thực phẩm chế biến sẵn hơn thế hệ trước đây”.

Trong khi đó, theo chuyên gia nội tiết học Marcus Goncalves của trường y khoa Weill Cornell (Mỹ), người chuyên nghiên cứu mối liên quan giữa ăn uống và ung thư, thì ung thư đại trực tràng là một trong những bệnh ung thư nhạy cảm nhất với chế độ ăn.

Nạn béo phì gia tăng ở người trẻ thời nay cũng góp phần gây ra vấn đề. Theo ông Goncalves, lượng mỡ gia tăng trong người, đặc biệt gần khối u, đã cung cấp “chất liệu” cho tế bào ung thư phát triển. Chưa kể chế độ ăn của người béo phì cũng khác người bình thường, làm xáo trộn hệ vi khuẩn trong ruột, ảnh hưởng lên sự tăng trưởng của khối u.

Goncalves cũng cảnh báo tình trạng sử dụng nhiều đường của con người thời nay. Ông nói: “Khối u có thể lấy trực tiếp đường mà bạn ăn vào. Đó là điều chỉ xảy ra ở ung thư đại trực tràng”. Thực tế ông và đồng nghiệp đã thực hiện một nghiên cứu trên chuột có sẵn gien bị ung thư đại trực tràng bằng cách cho chúng ăn si rô bắp có đường fructose. Kết quả những con chuột ăn đường sẽ phát triển khối u lớn hơn và nguy hiểm hơn chuột không ăn đường. Ông giải thích: “Những con chuột này không bị béo phì, như thể bạn có thể cho rằng đường là yếu tố độc lập”.

Tại Mỹ người ta thấy ung thư đại trực tràng ở người trẻ thường được phát hiện ở giai đoạn muộn. Trong một khảo sát trên mạng vào năm 2018 của tổ chức Liên minh ung thư đại trực tràng, gần 51% số người 40 – 50 tuổi nói họ phát hiện bệnh ở giai đoạn 3 hay 4.

Tình hình ở Việt Nam cũng tương tự, phần lớn người trẻ phát hiện ung thư đại trực tràng khá trễ bất chấp sự thật là bệnh càng được phát hiện sớm thì khả năng chữa lành sẽ càng cao. Theo các chuyên gia bệnh viện K, tỷ lệ chữa khỏi ung thư đại trực tràng lên tới 90% nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Nhiều người đã sống khỏe mạnh hơn 20 năm sau khi phát hiện bệnh.

Vậy làm thế nào nhận diện sớm và phòng tránh bệnh này hiệu quả?

Các dấu hiệu phải lưu ý là rối loạn tiêu hóa kéo dài: Hơi thở hôi, hay ợ hơi, ợ chua, đau tức vùng bụng trước hoặc sau khi ăn; đau quặn bụng, đau râm ran; chán ăn, khó tiêu, đầy trướng bụng trên vùng rốn, ăn không ngon.

Người bệnh có thể đi ngoài nhiều lần trong ngày giống với triệu chứng bệnh lị; có rối loạn liên quan bài tiết phân, táo bón hoặc tiêu lỏng thất thường kéo dài; người bệnh đau quặn, mót rặn, khó chịu khi đi ngoài. Khi đi đại tiện, người bệnh thường đau quặn, mót rặn, phân nhày mũi máu và nát, phân hình lá lúa (do phân phải đi qua khối u), đi xong vẫn muốn rặn tiếp, có thể có tình trạng máu trong phân. Ngoài ra bệnh nhân bị mệt mỏi, suy nhược, sụt cân bất thường mà không phải do tập luyện hay ăn kiêng.

Để tầm soát ung thư đại trực tràng, vào năm 2018 Hội Ung thư Mỹ cập nhật khuyến cáo, theo đó cần thực hiện nội soi đại tràng bắt đầu từ tuổi 45 cho người có nguy cơ trung bình (không có cha mẹ hay anh chị em ruột bị ung thư đại trực tràng, bản thân không bị bệnh viêm đường ruột… ) thay vì 50 tuổi như trước đây.

Bình Yên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tại sao ngày càng nhiều người trẻ bị ung thư đại trực tràng?