Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mà Bộ GD-ĐT đang trình Chính phủ có một số đề xuất điều chỉnh về thời gian đào tạo ĐH và sau ĐH.

Tại sao đào tạo đại học rút xuống 3 năm?

Một Thế Giới | 20/01/2016, 05:02

Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mà Bộ GD-ĐT đang trình Chính phủ có một số đề xuất điều chỉnh về thời gian đào tạo ĐH và sau ĐH.

Bộ GD-ĐT đề xuất đào tạo trình độ đại học 3 - 4 năm, khác với quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Giáo dục quy định từ 4 - 6 năm; Trình độ tiến sĩ được đề xuất 3 - 4 năm, khác với quy định tại khoản 4 Điều 38 Luật Giáo dục quy định từ 2 - 4 năm.
GS.TS Trần Công Phong, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã trao đổi về những điều chỉnh này.
Trường sẽ tự xây dựng lộ trình
Tại sao lại rút ngắn thời gian tối thiểu đào tạo đại học xuống còn 3 năm, thưa ông?
- Một trong những nhiệm vụ của việc điều chỉnh cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân lần này là tiệm cận dần các trình độ đào tạo của nước ta với các nước trong khu vực và thế giới.
Khi xây dựng Khung cơ cấu hệ thống, Bộ GD-ĐT cũng đã tham khảo thực tiễn tổ chức hệ thống giáo dục của các nước ở châu Âu, Bắc Mỹ, Úc và nhiều nước khác.
Trên thế giới hệ thống giáo dục rất đa dạng. Các nước trong Cộng đồng Châu Âu cũng như các nước ngoài Cộng đồng này hiện đang điều chỉnh cơ cấu hệ thống của nước mình tương thích với tiến trình Pologna. Theo đó kể từ khi học sinh tốt nghiệp THPT (tú tài) thì thời gian đào tạo để đạt trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ theo thứ tự là 3 năm, 5 năm và 8 năm.
Thực tế ở Việt Nam đã có một số trường đào tạo và cấp bằng cử nhân trong 3 năm như Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam, Trường RMIT Việt Nam. Trường ĐH Việt Đức và Trường ĐH Khoa học và công nghệ Hà Nội (USTH) hiện đang thực hiện đào tạo theo khung châu Âu (tương thích tiến trình Pologna)...
Đề xuất thời gian đào tạo đại học trong cơ cấu hệ thống lần này là định hướng để điều chỉnh khung thời gian đào tạo đại học. Việc thực hiện đương nhiên phải có lộ trình. Ngay cả những nước trong Cộng đồng Châu Âu đến nay cũng không phải tất cả đều theo khung của tiến trình Pologna.
hoc dai hoc 3 nam, cu nhan, chat luong, khung co cau he thong giao duc quoc dan, tien trinh Pologna
Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân
Vậy thì lộ trình thực hiện rút ngắn thời gian đào tạo là như thế nào, thưa ông? Bộ đã chuẩn bị ra sao? Các trường có phải thay đổi, sắp xếp lại toàn bộ chương trình đào tạo hiện nay không?
- Không phải khi Khung cơ cấu hệ thống được ban hành là tất cả các chương trình đào tạo sẽ được chuyển ngay thành chương trình 3 năm.
Ví dụ ở Châu Âu theo tiến trình Pologna, thời gian đào tạo ĐH cũng là 3 năm nhưng sau nhiều năm thực hiện, các nước vẫn đang điều chỉnh dần theo khung này. Tất cả phải có lộ trình phù hợp.
Khung cơ cấu hệ thống này là định hướng để theo đó, các chương trình đào tạo sẽ dần phải điều chỉnh để tương đối thống nhất trong nước và hội nhập quốc tế. Những chương trình mới sẽ cố gắng xây dựng một cách tinh túy, thiết thực để rút ngắn thời gian trong 3 năm, những chương trình cũ 4 năm sẽ điều chỉnh dần.
Việc xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình và lộ trình thực hiện thời gian đào tạo theo Khung cơ cấu hệ thống sau khi được ban hành là quyền tự chủ của cơ sở đạo tạo. Các trường sẽ phải căn cứ vào yêu cầu của ngành đào tạo và các quy định của pháp luật để xác định thời gian đào tạo và lộ trình phù hợp để giảm tải chương trình đào tạo còn từ 3 đến 4 năm.
Để chuẩn bị cho việc này, Bộ GD-ĐT đã và đang xây dựng khung pháp luật là Khung trình độ quốc gia; Quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo; Chuẩn đầu ra theo chuẩn năng lực nghề nghiệp và các điều kiện thực hiện chương trình… để điều chỉnh vấn đề đó, làm cơ sở cho các trường thống nhất thực hiện.
Chất lượng không đánh đồng với thời lượng
Như phản ánh rất nhiều trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt từ phía nhà tuyển dụng, chất lượng cử nhân đại học hiện nay có rất nhiều vấn đề. Vậy nếu rút ngắn thêm nữa thời gian đào tạo, theo ông, sẽ tác động như thế nào đến chất lượng đầu ra của các trường?
- Sinh viên ra trường có nhiều vấn đề, không đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, không hoàn toàn chỉ do thời lượng của chương trình đào tạo.
Rút ngắn thời gian đào tạo không đồng nghĩa với cắt giảm khối lượng kiến thức cần thiết hay giảm chất lượng đào tạo. Thời lượng chỉ là một trong nhiều điều kiện để tạo ra chất lượng nên chất lượng không thể đánh đồng với thời lượng.
hoc dai hoc 3 nam, cu nhan, chat luong, khung co cau he thong giao duc quoc dan, tien trinh Pologna
Nếu chương trình đào tạo được xây dựng chọn lọc tinh túy, bám sát yêu cầu của thị trường lao động, cùng với đó là phương pháp đào tạo đổi mới, gắn với quy trình sử dụng lao động, đảm bảo chuẩn đầu ra theo chuẩn năng lực nghề nghiệp, người học có động cơ, thái độ học tập đúng đắn và giảng viên làm việc nghiêm túc… thì rút ngắn thời gian đào tạo không những vẫn đảm bảo chất lượng mà còn tiết kiệm cho xác hội thời gian, chi phí của một năm học.
Khi rút ngắn thời gian như vậy, thì sự khác biệt với cao đẳng (3 năm), trung cấp (2 năm) như thế nào? Bộ GD-ĐT có lường tới việc thay đổi này sẽ càng gây ra tình trạng phụ huynh và thí sinh cố để vào đại học thay vì vào cao đẳng, trung cấp không?
- Sự khác biệt giữa các bậc học phụ thuộc rất ít vào thời gian đào tạo.
Trình độ cao đẳng hay trung cấp thường hướng đến việc đào tạo ra những người lao động có khả năng thực hành thành thạo sau tốt nghiệp trong khi mục tiêu đào tạo đại học hướng nhiều hơn đến việc hình thành tư duy và tạo ra tri thức nên thời gian không phải là yếu tố quyết định.
Tôi thấy rằng tiếc thay, tập trung vào đại học, thích làm thầy hơn làm thợ lại là trào lưu chính của Việt Nam hiện nay. Để có giải quyết tình trạng này giải pháp then chốt là thực hiện sớm công tác hướng nghiệp, phân luồng từ trong giáo dục phổ thông.
Nếu các chương trình đào tạo cao đẳng và trung cấp gắn với thực tiễn nghề nghiệp, cung cấp các kỹ năng làm việc thực sự giúp người tốt nghiệp khả năng kiếm việc làm tốt hơn thì sẽ hạn chế được tình trạng học sinh phổ thông chỉ đổ xô đăng ký vào đại học
Liên thông (mở các cơ hội kết nối) sẽ là một trong những chìa khóa để lái dòng học sinh trong hệ thống giáo dục. Khi có cơ hội học đại học, người học sẽ được miễn trừ/ công nhận các kiến thức đã học được trong các bậc học/ chương trình đào tạo trước đó, sẽ giúp họ thoải mái hơn khi lựa chọn giáo dục nghề nghiệp.
Tuy nhiên, để phân luồng thành công cần nhiều điều kiện, nhiều chủ thể phải cùng phải tham gia thực hiện đồng bộ nhiều vấn đề… Thời gian đào tạo không phải là yếu tố quyết định việc phân luồng.
Xin cảm ơn ông.
Tại sao lại tăng thời gian tối thiểu đào tạo tiến sĩ thêm 1 năm, thưa ông?
- Tiến sĩ là trình độ đào tạo cao nhất của hệ thống, trong đó chú trọng hoạt động nghiên cứu độc lập của nghiên cứu sinh nên để đáp ứng được yêu cầu khoa học, đảm bảo chất lượng của kết quả nghiên cứu thì kéo dài thời gian đào tạo tối thiểu thành 3 năm là hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần thực hiện việc công nhận văn bằng giữa các nước.
Thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, hầu hết các chương trình đào tạo tiến sĩ đều được xây dựng với thời lượng 3 năm. Hầu hết các nghiên cứu sinh cũng cần 3 năm hoặc nhiều hơn để hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ.
Một số quốc gia có số năm tối thiểu để hoàn thành tiến sĩ (sau khi có bằng thạc sĩ) là 3 năm có thể kể đến Ấn Độ, Australia, các quốc gia Châu Âu, Hoa Kỳ, Canada Liên hiệp Anh, Phillippines, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Ngân Anh - Vietnamnet
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tại sao đào tạo đại học rút xuống 3 năm?