Gần đây, tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã bàn luận về vấn đề: “Tại sao bất bình đẳng thu nhập lại kìm hãm tăng trưởng kinh tế”.
Theo số liệu của OECD chỉ ra rằng, hiện nay, Mỹ đang ở mức bất bình đẳng cao hơn Canada. Từ năm 1983 đến 2012, bất bình đẳng trong thu nhập của Mỹ đã tăng 5 điểm Gini.
Trên thực tế, việc giảm bất bình đẳng trong thu nhập là một vấn đề lớn đối với Mỹ, nơi mà tỷ lệ bất bình đẳng luôn ở mức cao và đang tăng nhanh theo tiêu chuẩn của OECD. Theo như OECD, nếu Mỹ có thể giảm bất bình đẳng trong thu nhập xuống bằng với Canada, thì GDP của Mỹ sẽ tăng khoảng 0,9% điểm/năm. Tốc độ tăng trưởng GDP thực tế sẽ đạt 2,7 nghìn tỷ vào năm 2050 và 17,3 nghìn tỷ vào năm 2075.
OECD cho rằng sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục là yếu tố quan trọng nhất phía sau sự kết hợp giữa bất bình đẳng và tăng trưởng.
Theo OECD, yếu tố quan trọng khiến bất bình đẳng có ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế là hạ thấp các cơ hội đầu tư (đặc biệt là trong giáo dục) ở những khu vực có dân số nghèo. Điều này được chứng minh thông qua việc những đứa trẻ ở gia đình có thu nhập thấp thì sẽ có trình độ học vấn thấp hơn những đứa trẻ ở gia đình có thu nhập cao. Theo đó những đứa trẻ ở gia đình nghèo thì càng nghèo vì không có trình độ học vấn, còn những đứa trẻ ở gia đình giàu thì càng giàu vì chúng có trình độ học vấn cao.
Mặt khác, khoảng cách về thu nhập trong lĩnh vực giáo dục giữa người giàu và người nghèo cũng tương đối lớn khi bất bình đẳng ngày càng cao.
Theo OECD, một chính sách tái phân phối được thiết kế tốt có thể giải quyết được vấn đề này mà không gây thiệt hại đối với tăng trưởng, chẳng hạn những thay đổi về thuế đối với các cá nhân thu nhập cao và lợi nhuận từ đầu tư của các hộ gia đình giàu có.
Tuy nhiên, giải quyết vấn đề nghèo đói trước mắt vẫn chưa đủ và chính phủ cần cải thiện các chính sách liên quan đến dịch vụ công như y tế và giáo dục.
OECD cho rằng vấn đề quan trọng nhất là khoảng cách giữa các hộ gia đình có thu nhập thấp và phần còn lại của dân số. Bất bình đẳng về thu nhập khiến các cá nhân có hoàn cảnh khó khăn mất cơ hội tiếp cận giáo dục tốt hơn, kìm hãm tiến bộ xã hội và cản trở sự phát triển nguồn nhân lực của nền kinh tế.
Tuyết Nhung (Theo World Economic Forum)