ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu cho biết một người thân trong gia đình bị đột quỵ phải lên thành phố chữa bệnh là tất cả tiền dự trữ trong nhà “đội nón ra đi”. Ra viện về nhà mà tàn phế lại là một gánh nặng cho gia đình.

Tái nghèo vì đau ốm: Một người bị đột quỵ là tất cả tiền bạc 'đội nón ra đi'

Lam Thanh | 30/10/2023, 12:45

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu cho biết một người thân trong gia đình bị đột quỵ phải lên thành phố chữa bệnh là tất cả tiền dự trữ trong nhà “đội nón ra đi”. Ra viện về nhà mà tàn phế lại là một gánh nặng cho gia đình.

Ngày 30.10, Quốc hội thảo luận về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia.

"Tái nghèo" do gia đình có người ốm

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, các chương trình mục tiêu quốc gia ở giai đoạn trước đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thực hiện, các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, thiếu vững chắc, làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các mục tiêu của chương trình cũng như các mục tiêu kinh tế - xã hội và làm giảm đi giá trị, thành công của các giai đoạn trước.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, việc tái nghèo một phần có nguyên nhân từ thiết kế các chương trình giảm nghèo, trong đó có 7 dự án nhưng chưa có dự án cụ thể nhấn mạnh nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc sức khỏe người dân trong các địa bàn khó khăn.

Theo ông Hiếu, có một nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tái nghèo là gia đình có người ốm. Những bệnh phổ biến như tiểu đường, cao huyết áp… cần được quản lý và điều trị thường xuyên. Tuy nhiên, do không có thuốc tốt để điều trị thường xuyên, kiểm soát các biến chứng cũng như sơ cứu ban đầu nên tỷ lệ người bị biến chứng rất cao tại các địa phương nghèo.

hieu.jpeg
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu phát biểu

“Một người thân trong gia đình bị đột quỵ phải lên thành phố chữa bệnh là tất cả tiền dự trữ trong nhà "đội nón ra đi". Chưa kể, họ phải vay mượn khắp nơi. Ra viện về nhà kèm theo tàn phế không còn khả năng lao động lại là một gánh nặng để gia đình phải chăm sóc…”, ông Hiếu nói.

Đại biểu Hiếu cho rằng, giảm nghèo nhưng chưa được nâng cao chất lượng cuộc sống, Quốc hội cần đặc biệt lưu ý vấn đề này.

Bộ Y tế và các địa phương cần tập trung vào dự án chẩn đoán và điều trị bệnh lý không lây nhiễm phổ biến có tỷ lệ tử vong cao như: huyết áp, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tâm thần; tuyên truyền không mang thai ở vị tuổi thành niên; hỗ trợ chăm sóc những trường hợp trẻ đẻ non di tật bẩm sinh, đặc biệt chú ý đến tiêm chủng và dinh dưỡng, phát triển chuyên ngành lão khoa tại địa phương…

Nhiều người không muốn thoát nghèo để hưởng trợ cấp

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) nêu quan điểm, giảm nghèo bền vững là một thách thức rất lớn. Một gia đình có thể nghèo đi rất nhanh chóng khi một thành viên lâm bệnh nan y.

Tuy vậy, ông Nghĩa cho rằng điều quan trọng là ý chí vươn lên, tự lực cánh sinh để thoát nghèo, ứng phó với nghịch cảnh. Sự hỗ trợ của cộng đồng, các chương trình, các chính sách của nhà nước chỉ có ý nghĩa khi các chủ thể có ý thức vươn lên.

“Thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp chỉ mong được tiếp tục trong diện hộ nghèo để được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ, ưu tiên giảm nghèo. Cần có sự thay đổi cơ bản về nhận thức để có được chuyển biến thực chất trong vấn đề này”, ông Nghĩa nêu.

nghia.jpeg
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên)

Đại biểu này phản ánh, việc giải ngân cho công tác giảm nghèo được thực hiện ồ ạt, tuy nhiên hiệu quả thì chưa đảm bảo, nguồn lực chưa chắc đến được đúng đối tượng và khó để đo đếm hiệu quả của việc triển khai nguồn lực.

Tổng kết kinh nghiệm phát triển nông thôn tại Hàn Quốc, ông Nghĩa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi nhận thức của các chủ thể tham gia là chính những người dân. Ngoài ra, cần việc giao quyền tự chủ cho chính người dân trong việc quyết định cách thức triển khai của từng chương trình, dự án cụ thể tại địa phương.

Đại biểu Trần Nhật Minh (Nghệ An) phản ánh hiện tượng các xã miền núi không đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025. Lý do là các xã miền núi cao thuộc vùng đặc biệt khó khăn, khi đạt chuẩn nông thôn mới sẽ không còn được hưởng các chế độ an sinh xã hội như: bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức.

Đại biểu cho rằng đây là vấn đề đáng lo ngại, cần được quan tâm xử lý sớm. Bất cập này đã được đề cập trong báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 5.

minh.jpeg
Đại biểu Trần Nhật Minh (Nghệ An)

Theo ông Minh, một số bộ, ngành chưa kịp thời có giải pháp khắc phục hạn chế tác động của các quyết định công nhận xã thôn khu vực 1, 2, 3 vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Điều này đã làm ảnh hưởng đến việc thụ hưởng chính sách của các đối tượng đang sinh sống, học tập, công tác tại các thôn xã đặc biệt khó khăn nay trở thành thôn, xã nông thôn mới.

Dân chưa yên tâm khi thoát nghèo nên "nghèo lại hoàn nghèo"

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) cho rằng, nhiều văn bản hướng dẫn còn chung chung, khó hiểu, khó thực hiện, không phù hợp thực tế. Việc dẫn chiếu quá nhiều trong một văn bản dẫn đến khó khăn, lúng túng cho cán bộ và người dân. Vì vậy, các văn bản chỉ đạo hướng dẫn theo hướng chi tiết rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng, hạn chế tối đa việc dẫn chiếu quá nhiều các văn bản.

Ông Luận cũng đề nghị Chính phủ xem xét giao chung vốn sự nghiệp thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia hằng năm trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí định mức phân bổ vốn đã được ban hành; không thực hiện giao theo lĩnh vực dự án hay tiểu dự án như hiện nay. Điều này nhằm tạo sự chủ động linh hoạt cho các địa phương trong việc xem xét kinh phí thực hiện cho cấp huyện.

luan-1.jpeg
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận

Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn ngân sách trung ương năm 2023 của 3 chương trình chưa được giải ngân hết chuyển sang tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31.12.2024.

Mặc dù đánh giá cao 3 chương trình trong thời gian qua, tuy nhiên đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng, nguyên nhân căn cơ mà người dân chưa muốn thoát nghèo là cách làm và chất lượng của các chương trình chưa có sự bền vững và tính bền vững chưa cao, do đó, người dân cảm thấy chưa yên tâm khi thoát nghèo. Khi hết chương trình, hết dự án thì người “nghèo lại hoàn nghèo”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bước tiến mới cho Internet Việt Nam - Bứt phá với DC, Cloud, 5G và AI
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Hội thảo, Triển lãm Internet Day 2024 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Bước tiến mới cho Internet Việt Nam - Bứt phá với DC, Cloud, 5G và AI”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tái nghèo vì đau ốm: Một người bị đột quỵ là tất cả tiền bạc 'đội nón ra đi'