Kể từ khi đề án tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam được đưa ra vào năm 2011, quá trình được xem là có vai trò trọng yếu cốt tử với tương lai đất nước đã đi vào thực hiện được 4 năm, nhưng kết quả của nó vẫn hết sức nghèo nàn.

Tái cơ cấu nền kinh tế 4 năm, người dân được cái gì?

Một Thế Giới | 22/12/2015, 10:25

Kể từ khi đề án tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam được đưa ra vào năm 2011, quá trình được xem là có vai trò trọng yếu cốt tử với tương lai đất nước đã đi vào thực hiện được 4 năm, nhưng kết quả của nó vẫn hết sức nghèo nàn.

Những ngày cuối cùng của năm 2015 đang mở ra khoảng thời gian được xem là nhiều cơ hội nhất cho nền kinh tế Việt Nam, với hai hiệp định quan trọng là khu vực kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhiều cơ hội nhất cũng đồng nghĩa với nhiều thách thức nhất. Những nguy cơ về việc nền kinh tế Việt Nam bị chìm nghỉm và đè bẹp bởi các nền kinh tế trong ASEAN, TPP hay thậm chí là bởi Trung Quốc đã không còn là những lời cảnh báo suông.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất ở đây là, trong khi những thách thức với nền kinh tế đến từ bên ngoài đang lớn hơn bao giờ hết, thì bản thân sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam đang bị đặt nhiều dấu hỏi hơn bao giờ hết. Một nền kinh tế chưa được định hình cũng giống như một căn nhà đang xây dở, sẽ dễ bị gió bão quật đổ hơn bao giờ hết. Ngôi nhà mang tên kinh tế Việt Nam cũng vậy, vẫn còn đang hết sức dở dang khi mà quá trình tái cơ cấu vẫn đang diễn ra chậm chạp và thiếu hiệu quả hơn bao giờ hết.

Kể từ khi đề án tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam lần đầu tiên được đưa ra vào năm 2011, tính đến thời điểm hiện tại, quá trình được xem là có vai trò trọng yếu cốt tử này với tương lai đất nước đã đi vào thực hiện được 4 năm, nhưng điều đáng buồn là những kết quả của nó vẫn hết sức nghèo nàn. Cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế mà Việt Nam phải hứng chịu năm 2007, cộng với tác động kép từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 khiến cho Việt Nam trên thực tế là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Cơ cấu nền kinh tế Việt Nam sau thời điểm năm 2009 bị suy yếu nghiêm trọng, lạm phát tăng vọt, các doanh nghiệp đua nhau phá sản, thị trường chứng khoán suy sụp, khả năng sản xuất bị đình đốn. Cuộc khủng hoảng cho thấy rõ rằng cơ cấu nền kinh tế Việt Nam đang có quá nhiều vấn đề, mô hình tăng trưởng kinh tế cũng vậy. Ngôi nhà kinh tế Việt Nam đang lung lay hơn bao giờ hết, và cần phải sửa chữa lại nó một cách hệ thống và toàn diện.

Tuy nhiên, sau 4 năm, quá trình sửa chữa lại ngôi nhà kinh tế đã lung lay ấy vẫn đang diễn ra hết sức chậm chạp. Nhìn lại nguyên trạng nền kinh tế ở thời điểm hiện tại so với cách đây 4 năm, thì dường như chẳng có thay đổi nào đáng kể. Các vấn đề quan trọng nhất cần sửa chữa và tái cơ cấu của nền kinh tế vẫn y nguyên, từ việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cho đến cải cách hệ thống ngân hàng, giảm đầu tư công lãng phí và thiếu hiệu quả hay chuyển đổi mô hình tăng trưởng. 
Tất cả vẫn y như cũ, những thay đổi có chăng chỉ rất nhỏ. Nói cách khác, Việt Nam đã lãng phí mất 4 năm để chẳng đạt được bước tiến nào đáng kể trong việc sửa chữa lại ngôi nhà kinh tế của mình, và sau 4 năm thì ngôi nhà ấy vẫn ọp ẹp như xưa.
Những vấn đề quan trọng nhất trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế dường như đang bị bỏ bê, điển hình là việc cổ phần hóa các DNNN – bộ phận nghịch lý nhất trong nền kinh tế Việt Nam. Cuộc khủng hoảng kép giai đoạn 2007 – 2009 đã chỉ ra một thực tế rằng hệ thống các tập đoàn và DNNN đang thực sự là những con nghiện của nền kinh tế Việt Nam, và người dân Việt Nam đang phải còng lưng ra nuôi những con nghiện khổng lồ này. 
Là bộ phận của nền kinh tế nhận được nhiều ưu đãi nhất từ phía chính phủ, nắm tới gần 70% nguồn vốn tài chính, được quyền tiếp cận 100% tài nguyên, nhưng khối quốc doanh chỉ đóng góp được hơn 30% GDP cho nền kinh tế và giải quyết được công ăn việc làm cho khoảng 20% lao động.

Các tập đoàn và DNNN nhận được nhiều ưu đãi như vậy, nhưng lại không hướng ra cạnh tranh ở thị trường nước ngoài, mà lại cạnh tranh và chèn ép với chính các doanh nghiệp trong nước, đẩy các doanh nghiệp trong nước đến chỗ phá sản. Chính việc tập trung nguồn vốn tài chính quá lớn trong tay các tập đoàn và DNNN là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc vỡ bong bóng trên thị trường chứng khoán và những khối nợ xấu chồng chất của khối quốc doanh ở thời điểm đó.

Việc tái cơ cấu nền kinh tế vì thế có nội dung trọng tâm ở việc cổ phần hóa các DNNN, bộ phận lớn nhất của nền kinh tế nhưng lại thiếu hiệu quả nhất. Chỉ số ICOR của khối quốc doanh trong giai đoạn 2010 – 2012 lên tới 8,58 tức là gấp rưỡi chỉ số chung của cả nước là khoảng 5,3. Không những vậy, những báo cáo mới nhất về tổng số nợ của các DNNN mới cho thấy quy mô thực sự của vấn đề. Báo cáo tài chính và kết quả kinh doanh năm 2014 cho thấy, nợ phải trả của 119 tập đoàn, các tổng công ty và các công ty mẹ trong khối quốc doanh đã lên tới 1.567.063 tỷ đồng (tăng 8% so với năm 2013).

Ngoài ra, 662 DNNN là các công ty TNHH một thành viên độc lập có tổng số nợ phải trả cũng lên tới 173.312 tỷ đồng (tăng 74% so với năm 2013). Như vậy, tổng nợ phải trả của 781 doanh nghiệp mà Nhà nước năm 100% vốn điều lệ đã lên tới 1.740.375 tỷ đồng (tăng 12,2% so với năm 2013). Để dễ hình dung về con số nợ khổng lồ của khối quốc doanh, thì tổng số nợ 1.740.375 tỷ đồng này tương đương 44,2% GDP. Ngoài ra, tổng số nợ phải trả của khối quốc doanh đang gấp 9,3 lần lợi nhuận trước thuế của các công ty này.

Với quy mô vấn đề trầm trọng như vậy, lẽ ra các DNNN phải là đối tượng phải tái cơ cấu mạnh mẽ nhất trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng điều đáng ngạc nhiên là Nhà nước lại chọn cách tiếp tục cung phụng những đứa con cưng nghiện ngập này, bằng cách bơm thêm tiền để giúp duy trì sự tồn tại một cách bất hợp lý, thay vì buộc các con nghiện cỡ bự này phải cắt cơn. Tính đến cuối năm 2015, tức 4 năm sau đề án tái cơ cấu nền kinh tế được thực hiện, thì lượng cổ phần hóa của khối quốc doanh chỉ chiếm chưa đầy 10%, tức là các DNNN vẫn đang giữ tới hơn 90% cổ phần. Nói cách khác, mọi chuyện gần như chẳng có gì thay đổi so với cách đây 4 năm cả.

Việc thiếu quyết liệt trong việc cổ phần hóa các DNNN dẫn đến việc chậm trễ trong việc tái cơ cấu nền kinh tế đang dẫn tới những hệ lụy nghiêm trọng. Một trong số đó là việc kinh tế Việt Nam ngày càng thiếu tự chủ. Tính đến quý 3 năm 2015, 72% hàng xuất khẩu của Việt Nam là từ khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) trong khi trước đó vài năm con số này chỉ mới hơn 58%, cùng với đó là việc con số nhập siêu từ Trung Quốc ngày càng lớn. Nó đồng nghĩa với việc kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các nền kinh tế bên ngoài.

Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là việc trong khi nền kinh tế Việt Nam đang rối bòng bong như vậy thì chính phủ lại đẩy mạnh việc ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và các hiệp định khu vực thương mại mà TPP là một điển hình. Khi tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm chạp và chưa được định hình, các doanh nghiệp còn đang trong tình trạng sức khỏe kém, thì việc mở rộng cửa hơn bao giờ hết cho các doanh nghiệp nước ngoài thông qua các hiệp định thương mại chẳng khác gì việc gián tiếp bóp chết các doanh nghiệp trong nước.

Một khi chưa thể tái cơ cấu nền kinh tế thành công và vững chắc một cách căn bản, khi đó Việt Nam còn hứng chịu những bất lợi lớn từ các hiệp định thương mại với bên ngoài. Tái cơ cấu nền kinh tế giờ đây vì thế không còn là một yêu cầu cấp bách nữa, mà là một yêu cầu có tính chất sống còn, nếu như không muốn trong tương lai gần nền kinh tế Việt Nam bị chìm nghỉm và bóp nghẹt bởi các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới.

Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng các thông tin từ The Saigon Times, Vneconomy)

Bài liên quan
Một số tồn tại, vi phạm trong tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp tại Bộ Giao thông vận tải
Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011 - 2021 tại Bộ Giao thông vận tải.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tái cơ cấu nền kinh tế 4 năm, người dân được cái gì?