Trong danh sách 10 bức tranh đắt giá nhất thế giới năm 2016, bức “Dos desnudos en el bosque” (Hai người khỏa thân trong rừng) của Kahlo đứng ở vị trí thứ 9 với mức giá là 8 triệu USD.

Tác giả 1 trong 10 bức tranh đắt nhất thế giới 'Hai người khỏa thân trong rừng': Người vẽ nỗi đau

bai cao | 17/07/2017, 07:43

Trong danh sách 10 bức tranh đắt giá nhất thế giới năm 2016, bức “Dos desnudos en el bosque” (Hai người khỏa thân trong rừng) của Kahlo đứng ở vị trí thứ 9 với mức giá là 8 triệu USD.

Đây là bức tranh Kahlo vẽ năm 1939 dành tặng nữ diễn viên Dolores del Río. Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia đã mượn bức tranh này để trưng bày trong triển lãm về chủ nghĩa hiện đại Mexico giai đoạn 1910-1950.

Chưa hết, bức tranh sơn dầu Girl with Necklace, vẽ năm 1929, từng “biến mất” bí ẩn suốt 60 năm qua, vừa được bán đấu giá lên tới 1,81 triệu USD trong một cuộc đấu giá tác phẩm nghệ thuật Mỹ Latin tại New York (Mỹ) do nhà đấu giá Sothebys tổ chức hồi tháng 11-2016.

                
Bức “The broken column” khắc họa nỗi đau thể xác của tác giả.

Sự cân bằng giữa những nỗi đau và niềm hi vọng là một trong những chìa khóa để phân tích hình tượng người nghệ sĩ này. Nguồn cảm hứng vô tận vượt trên các nỗi đau, cả về thể xác lẫn tâm hồn, đã tạo ra một huyền thoại. “Không có gì là màu đen, thực sự không có gì”, Frida Kahlo viết như vậy trong nhật ký của mình.

Magdalena Carmen Frida Kahlo Calderón sinh ngày 6-7-1907 tại Casa Azul (Ngôi nhà xanh) thuộc khu dân cư Coyoacán, Mexico. Đây cũng là nơi bà bị sát hại năm 1954, để lại sau lưng hai trăm tác phẩm, một cuộc tình nồng nàn với Diego Rivera và dấu ấn của một tính cách nổi loạn đã phá vỡ những lệ thường.

Casa Azul có kiến trúc tuyệt đẹp, với phong cách thuộc địa Tây Ban Nha mà nay trở thành một bảo tàng quan trọng, thu hút đông đảo du khách khi đến với thủ đô Mexico (khoảng 25.000 người mỗi tháng). Bảo tàng trưng bày một bộ sưu tập nghệ thuật của Kahlo, các sản phẩm dân gian của người da đỏ bản xứ, thư từ và hình ảnh của nữ nghệ sĩ cùng nhiều tranh của chính bà, của Diego Rivera - chồng bà, một họa sĩ tranh tường vĩ đại, có cả tranh của Paul Klee, họa sĩ người Đức nổi tiếng...

                
Kahlo chụp tại Coyoacán.

Ngay từ khi còn bé, Kahlo đã phải chiến đấu với căn bệnh bại liệt. Bà mô tả bầu không khí trong gia đình lúc thời thơ ấu là “rất, rất buồn”. Cả cha và mẹ đều luôn đau ốm và cuộc hôn nhân của họ không có tình yêu. Mối quan hệ giữa mẹ bà và các con gái cũng rất căng thẳng. Kohla miêu tả mẹ mình là một người "tử tế, năng động và thông minh, nhưng cũng tính toán, độc đoán và cuồng tín tôn giáo".

Hơn nữa, ngành kinh doanh nhiếp ảnh của cha cô cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc cách mạng Mexico 1910-1920. Khi Kohla 6 tuổi, bà mắc bệnh viêm tủy xám, khiến bà bị cô lập khỏi các bạn cùng trang lứa trong nhiều tháng. Nhưng cũng chính điều này đã làm cho hai cha con bà gần gũi nhau hơn. Kahlo công nhận cha mình đã làm cho tuổi thơ của bà "tuyệt vời" hơn.

"Ông là một biểu tượng về sự dịu dàng, con người của công việc và hơn hết là hiểu tất cả các vấn đề của tôi", bà kể lại, "Ông đã dạy tôi văn học, thiên nhiên, triết học và khuyến khích tôi chơi thể thao để lấy lại sức khỏe, mặc dù thực tế là hầu hết các bài tập thể dục được coi là không thích hợp với các cô gái. Ông cũng dạy tôi về nhiếp ảnh, và tôi bắt đầu giúp ông sửa lại, phát triển và chỉnh màu sắc cho những bức ảnh".

Vì căn bệnh quái ác nên Kahlo đi học cấp 1 muộn hơn các bạn cùng tuổi, cùng em gái Cristina. Lên cấp 2, Kahlo ghi danh vào một trường học của người Đức theo nguyện vọng của cha mình nhưng sớm bị đuổi học vì không vâng lời và được gửi đến một trường dạy nghề. Bà cũng sớm rời ngôi trường này sau khi bị một nữ giáo viên lạm dụng tình dục.

Năm 1922, Kahlo được nhận vào trường Trung học ưu tú quốc gia, khi ngôi trường này mới bắt đầu tuyển học sinh nữ. Chỉ có 9 học sinh nữ trên tổng số 2.000 học sinh. Bà đã tập trung vào khoa học tự nhiên với mục đích trở thành một bác sĩ. Bà học rất giỏi, đọc rất nhiều, và "đắm chìm sâu trong nền văn hóa Mexico, các hoạt động chính trị và các vấn đề về công bằng xã hội".

Trong khoảng thời gian này, những người gây ảnh hưởng đặc biệt tới Kahlo chính là 9 người bạn học của bà. Họ đã tự thành lập một nhóm mang tên "Cachucas". Nhiều thành viên trong nhóm sau này đã trở thành những nhân vật hàng đầu của giới tinh hoa Mexico.

Và khi bước vào tuổi 18, cuộc sống của bà đã hoàn toàn thay đổi sau 1 vụ tai nạn giao thông khi chiếc xe buýt chở bà va chạm mạnh với một chiếc tàu điện. Vụ tai nạn đã khiến Kahlo bị gãy nhiều xương và ảnh hưởng nghiêm trọng tới cột sống, khiến bà phải nằm trên giường bệnh trong nhiều tháng trời. Kahlo đã phải trải qua hơn 30 cuộc phẫu thuật để điều trị những tổn thương.

Cuối cùng, các bác sĩ sử dụng một bộ khung thạch cao luôn phải mang theo để cố định các bộ phận cơ thể của nữ họa sĩ tài năng. Trong suốt thời gian chiến đấu với bệnh tật, để thoát khỏi sự buồn chán trên giường bệnh, bà bắt đầu vẽ, đặt sang một bên ý tưởng trở thành một nhà nghiên cứu y học.

                
Bức “Dos desnudos en el bosque” trị giá 8 triệu USD.

Nỗi đau thể xác được thể hiện rất rõ trong bức chân dung tự họa mang tên "The broken column", trong khi sự chịu đựng về mặt tâm lý cũng đã “nở hoa” và được thể hiện trong nhiều tác phẩm như "Henry Ford Hospital", bức tranh miêu tả một trong những vụ phá thai ở Detroit (Mỹ). Việc không thể có con là mọt trong những nỗi thất vọng lớn nhất của bà.

Bên cạnh hội họa, Kahlo cũng quan tâm tới chính trị. và vào năm 1927 bà gia nhập đảng Cộng sản Mexico. Một năm sau, bà gặp rồi kết hôn với họa sĩ vẽ tranh tường (mural) người Mexico gốc Tây Ban Nha Diego Rivera và chịu nhiều hưởng về phong cách của họa sĩ này.

Do cả hai đều có những mối quan hệ ngoài hôn nhân nên họ đã ly hôn vào năm 1940, nhưng chỉ một năm sau lại tái hôn. Kahlo đã dành khoảng thời gian cuối những năm 20 đầu 30 để đi du lịch khắp Mexico và Mỹ cùng chồng. Trong khoảng thời gian này, nữ nghệ sĩ trẻ đã phát triển phong cách riêng của mình, lấy cảm hứng từ nền văn hóa dân gian Mexico và chủ yếu vẽ những bức chân dung nhỏ.

Mặc dù luôn bị che khuất bởi “cái bóng” của người chồng, nhưng tranh của Kahlo đã thu hút được sự quan tâm của họa sĩ theo trường phái siêu thực André Breton, người đã sắp xếp và tổ chức buổi triển lãm cá nhân đầu tiên cho bà tại Julien Levy Gallery ở New York vào năm 1938. Buổi triển lãm đã thành công tốt đẹp và được tổ chức lần thứ hai tại Paris vào năm 1939.

Mặc dù cuộc triển lãm tại Pháp không đạt thành công như mong đợi nhưng Louvre - viện bảo tàng nghệ thuật và lịch sử - đã mua một bức tranh của Kahlo, khiến bà trở thành họa sĩ Mexico đầu tiên có tác phẩm xuất hiện trong bộ sưu tập của họ.

Trong suốt thập niên 1940, Kahlo tiếp tục tham gia các cuộc triển lãm tại Mexico và Mỹ. Bà cũng bắt đầu giảng dạy tại Trường Hội họa, điêu khắc và trạm trổ quốc gia La Esmeralda (Escuela Nacional de Pintura, Escultura y Grabado "La Esmeralda") và trở thành thành viên sáng lập của Viện Seminario de Cultura Mexicana chuyên nghiên cứu về văn hóa Mexico.

Cũng trong khoảng thời gian này, sức khỏe của Kahlo ngày càng giảm sút. Bà tổ chức cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên ở Mexico năm 1953. Cũng trong năm này, Kahlo bị hoại tử và bị cắt cụt từ gối trở xuống và một năm sau, mùa hè năm 1954, bà đã qua đời ở tuổi 47.

Trước ngày từ giã cõi trần, bà viết trong nhật ký rằng: “Tôi hy vọng chuyến đi này đầy niềm vui, và tôi hy vọng sẽ không bao giờ trở lại”. Thế nhưng, bà lại “trở lại trần gian” theo một cách khác.

                
Frida Kahlo cùng chồng năm 1932.

Ngoài Casa Azul, còn một hệ thống bảo tàng công cộng trên đường phố của Mexico City và nhiều thành phố khác chỉ thể hiện chân dung Frida Kahlo; nhiều bức cực lớn và đầy màu sắc tươi vui, cho thấy nữ họa sĩ được yêu mến và tôn kính như thế nào, cũng như ảnh hưởng rộng lớn của bà đến các thế hệ họa sĩ đương đại.

Cho tới hôm nay, hơn 6 thập niên đã qua từ ngày Kahlo ra đi, bà vẫn truyền cảm hứng sáng tạo cho lớp trẻ. Trong số những tranh tường vẽ chân dung Kahlo được biết đến nhiều nhất, có một bức kích thước 9x7m, được vẽ trên tường ở thành phố Buenos Aires (Argentina).

Ba họa sĩ đường phố Julián Campos Segovia, Jean Paul Jesses và Juan Carlos Campos đã bỏ ra ba tuần để vẽ bức tranh khổng lồ này. Tại Mỹ, các học sinh Trường Trung học Green Bay Area ở bang Wisconsin đã dành thời gian nghỉ hè năm ngoái để cùng nhau thực hiện tranh chân dung Frida Kahlo trên một bức tường của nhà trường.

Tại San Francisco, hai nữ nghệ sĩ Marina Perez-Wong và Elaine Chu đã vẽ chân dung Frida Kahlo với chú khỉ nhện thân yêu của bà và những bông thược dược - loài hoa biểu trưng của thành phố San Francisco, đồng thời là quốc hoa của Mexico.

Trong khi đó tại London (Anh), họa sĩ đường phố nổi tiếng người Pháp là Zabou phối hợp với Villana - nghệ sĩ tạo hình Mexico đã thực hiện một tranh tường khổ 3x6m bằng sơn xịt và giấy bìa cũng để tưởng niệm một tài danh lớn của nhân loại. Còn tại thành phố Perth của Úc, họa sĩ Fieldey cũng đã vẽ bức chân dung Frida Kahlo thật sinh động trong phòng ăn của một nhà hàng Mexico.

Cũng trong một phòng ăn khác của nhà hàng đó, Fieldey còn vẽ một chân dung của Diego Rivera mà theo tác giả là để tưởng nhớ tình yêu và mối quan hệ phức tạp của đôi vợ chồng nghệ sĩ.

Lấy cảm hứng từ nền văn hóa bản địa Mexico, Kahlo sử dụng một phong cách nghệ thuật “ngây thơ” để khám phá các “câu hỏi” về nhận dạng, chủ nghĩa hậu thực dân, giới, giai cấp và chủng tộc trong xã hội Mexico. Tuy nhiên, các tác phẩm hội họa của Kahlo không chỉ bị ảnh hưởng đậm nét bởi văn hóa bản địa Mexico mà còn chịu những ảnh hưởng của châu Âu.

Rất nhiều tác phẩm của Kahlo là dạng chân dung trong đó biểu hiện nỗi đau của chính bản thân tác giả. Eli Bartra, nhà triết học người Mexico, nhân vật tiên phong trong nghiên cứu về phụ nữ và nghệ thuật dân gian, nói rằng, trong những tác phẩm của Kahlo, đôi khi nỗi đau của người nghệ sĩ đã bị khai thác một cách quá mức nhưng lại có nhiều người “đắm mình” trong nỗi đau này.

Ở bên ngoài Mexico, câu chuyện về “một người phụ nữ khốn khổ của thể giới thứ ba, bất chấp mọi đau đớn để trở một nghệ sĩ lớn” đã thực sự gây được nhiều chú ý. Trong khi đó, Josefina García, một nhà quản lý tại Viện Bảo tàng Dolores Olmedo, nơi lưu giữ một trong những bộ sưu tập quan trọng nhất của Kahlo, nói rằng, chiều hướng nghệ thuật và thương mại đã tạo nên sự "giàu có" cho Kahlo.

Theo García, Kahlo giành được sự ngưỡng mộ của nhiều du khách vì bà đã trở thành một phần trong các tác phẩm của mình. Kahlo đã trở thành người phụ nữ Mexico đầu tiên được in trên tem Mỹ.

Khổng Hà
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tác giả 1 trong 10 bức tranh đắt nhất thế giới 'Hai người khỏa thân trong rừng': Người vẽ nỗi đau