Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy cho biết bộ sẽ đề xuất bổ sung nguyên tắc chấp nhận rủi ro, độ trễ hoặc thất bại trong nghiên cứu khoa học - phát triển công nghệ.
Nhịp đập khoa học

Sửa toàn diện Luật KH-CN để thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Lam Thanh 01/08/2024 17:34

Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy cho biết bộ sẽ đề xuất bổ sung nguyên tắc chấp nhận rủi ro, độ trễ hoặc thất bại trong nghiên cứu khoa học - phát triển công nghệ.

Chú trọng sự đổi mới sáng tạo trong luật mới

Từ khi Luật Khoa học và công nghệ (KH-CN) được ban hành năm 2013, đến nay tình hình trong nước và quốc tế đã nhiều thay đổi, nhất là sự bùng nổ của công nghệ số.

Theo đó, khái niệm "nghiên cứu, phát triển" đã dần được thay thế bằng "nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo". Tuy vậy, tại Việt Nam, nội hàm đầy đủ của đổi mới sáng tạo (ĐMST) cùng các thành tố liên quan vẫn chưa được quy định rõ ràng. Bối cảnh này đòi hỏi Luật KH-CN 2013 cần được sửa đổi để thể chế hóa các chủ trương của Đảng về phát triển KH-CN và ĐMST; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn…

Theo đó, vấn đề ĐMST như thế nào và liệu có một chính sách riêng biệt về ĐMST trong luật mới hay không là vấn đề đang rất được quan tâm.

duy-2.jpg
Đổi mới sáng tạo đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng ĐMST có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Việt Nam và dần trở thành động lực tăng trưởng mới.

"Trong bối cảnh mới, phát triển kinh tế không thể dựa vào tài nguyên thiên nhiên và thâm dụng lao động được nữa. Muốn phát triển theo hướng xanh, bền vững thì ĐMST là tất yếu. Muốn vậy, hành lang pháp lý hỗ trợ vấn đề này có vai trò quan trọng", ông Thịnh nói.

Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy cho biết ngoài việc ứng dụng công nghệ, ĐMST còn yêu cầu phải thay đổi quy trình quản lý, sản phẩm, dịch vụ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

“Chỉ việc mua sắm dây chuyền máy móc công nghệ mới mà không thay đổi các yếu tố khác sẽ không tạo ra giá trị gia tăng đáng kể. Hoạt động ĐMST cần phải gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu phát triển và sản xuất kinh doanh”, ông Duy nói.

Theo ông Duy, trên thế giới, đã hình thành một phong trào về ĐMST, dẫn đến việc phát triển các khái niệm như hệ thống ĐMST quốc gia, hệ thống ĐMST ngành và các mô hình kết nối khác.

Ông Duy cho rằng Việt Nam cũng đang chuyển mình theo xu hướng toàn cầu này, chuyển sang mô hình phát triển hệ thống ĐMST quốc gia, trong đó DN đóng vai trò trung tâm và viện nghiên cứu, trường đại học là các chủ thể nghiên cứu chính. Bên cạnh việc ứng dụng KH-CN, hoạt động ĐMST còn tập trung vào việc cải tiến quy trình sản xuất.

Luật KH-CN lần này dự kiến sẽ thiết lập các hành lang pháp lý đầy đủ để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống ĐMST quốc gia, đồng thời khuyến khích hoạt động ĐMST trong DN, cộng đồng và trong các cơ quan quản lý nhà nước.

Thúc đẩy đầu tư xã hội vào KH-CN

Theo ông Bùi Thế Duy, luật mới cần có chính sách nhằm thúc đẩy đầu tư từ xã hội, DN và khu vực tư nhân vào KH-CN, ví dụ xây dựng các trung tâm nghiên cứu phát triển, hình thành các đội ngũ nghiên cứu và phát triển trong các DN…

Theo đó, Nhà nước sẽ triển khai các chương trình hỗ trợ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao kết quả nghiên cứu và kết nối các trường đại học với DN. Sau đó, phải thiết lập các cơ chế khuyến khích (ưu đãi thuế, giảm tiền thuê đất…) cho các DN.

duy-1.jpg
Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy

Ngoài ra, theo ông Duy, các trường đại học đang dần trở thành những chủ thể nghiên cứu mạnh, tương đương với các viện nghiên cứu. Do đó, cần kinh phí đầu tư cho các trường đại học, xây dựng các trung tâm xuất sắc về KH-CN, kết nối chặt chẽ giữa nghiên cứu và đào tạo.

Ví dụ, cần có những chương trình đào tạo nghiên cứu sinh bằng nguồn kinh phí từ KH-CN hoặc các chương trình hỗ trợ sau khi nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình học. Điều này giúp họ có thể tiếp tục tự chủ trong việc triển khai các hoạt động nghiên cứu.

Ông Duy cũng đề xuất tách biệt đội ngũ nghiên cứu của các viện nghiên cứu và trường đại học khỏi quan niệm coi họ như cán bộ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, giảng viên và nghiên cứu viên được khuyến khích tham gia điều hành các DN do viện nghiên cứu và trường đại học thành lập, dựa trên kết quả nghiên cứu và sở hữu trí tuệ của họ. Điều này giúp đưa hoạt động ĐMST từ DN đến gần hơn với trường đại học, thậm chí ngay trong trường đại học.

Ngoài ra, cần khuyến khích thành lập các DN khởi nguồn (spin-off) trong trường đại học. Những DN này không chỉ tạo nguồn thu cho trường đại học mà còn giúp thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.

Hiện nay, ông Duy cho rằng một vấn đề đáng quan tâm là vẫn còn thiếu sự đồng bộ giữa pháp luật về KH-CN và pháp luật về tài chính. Theo đó, cần khắc phục vấn đề này.

Tiếp theo, khi đã có đầu tư và nguồn lực, cần phải sử dụng một cách hiệu quả, thông thoáng và nhanh chóng bằng việc sửa các quy định về nhiệm vụ, đề tài, dự án, quy định về mua sắm và đấu thầu khi sử dụng kinh phí đầu tư cho công nghệ…, thậm chí mua các kết quả nghiên cứu và sáng chế từ nước ngoài, sau đó chuyển giao cho DN để họ có thể sử dụng và phát triển.

Một vấn đề quan trọng khác theo ông Duy là nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của DN thông qua tập huấn, đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ, đưa các nhà khoa học vào DN để hỗ trợ và nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ.

Chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu

Hiện nay, việc tìm tiếng nói chung giữa các nhà quản lý, nhà đầu như tư tài chính và nhà khoa học đang gặp nhiều khó khăn.

duy-3.jpg
Chấp nhận rủi ro, độ trễ, thậm chí thất bại trong nghiên cứu khoa học

Các nhà quản lý thường yêu cầu chi tiêu và quản lý ngân sách phải được thực hiện rất chặt chẽ, với việc thu chi và báo cáo thường xuyên. Trong khi đó, các nhà khoa học cho rằng lĩnh vực KH-CN thường có nhiều rủi ro, độ trễ và tính mạo hiểm, không phải lúc nào cũng cho kết quả ngay lập tức.

Theo ông Bùi Thế Duy, cần tìm cách cân bằng giữa hoạt động KH-CN với những yêu cầu này. Ví dụ về vấn đề quản lý tài sản công, cần chia sẻ quan điểm rằng kinh phí nhà nước đầu tư cho kết quả KH-CN nên được xem là nguồn đầu tư lâu dài. Thay vì yêu cầu thanh toán ngay, nên giao kinh phí cho các đơn vị chủ trì và đơn vị sản xuất để họ có thể đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh.

Khi các đơn vị này tạo ra việc làm và đóng thuế cho Nhà nước, thì sẽ thu hồi nguồn vốn qua thuế và tái đầu tư cho hoạt động KH-CN. Để đạt được điều này, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan KH-CN và cơ quan tài chính để hiểu nhau và phối hợp hiệu quả.

“Chúng tôi sẽ đề xuất bổ sung trong luật quy định về nguyên tắc chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; quy định về miễn trách nhiệm dân sự cho tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH-CN đã thực hiện đầy đủ quy định nhưng không đi đến các kết quả đã định trước hay cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro, thất bại trong nghiên cứu…”, ông Duy nói.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo xây dựng dự án Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi) mới đây, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh quan điểm là luật mới phải giải quyết được tất cả những vướng mắc để thúc đẩy phát triển KH - CN và ĐMST theo đúng tinh thần các nghị quyết của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Từ cách tiếp cận đó, tất cả những điều khoản không hợp lý cho việc thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các luật hiện hành đều có thể được đề cập và sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Bài liên quan
Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành thủy sản
Ngày 22.11, tại Cần Thơ, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ phối hợp với Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội thảo khởi động dự án “Cải thiện hệ thống tuần hoàn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản bền vững và Tham vấn các giải pháp đổi mới sáng tạo ngành tôm Việt Nam nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn” (viết tắt là Dự án).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
11 phút trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sửa toàn diện Luật KH-CN để thúc đẩy đổi mới sáng tạo