Bộ Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp phải đăng ký lại giá sữa vào ngày 15.4 nhưng sát "giờ G", các doanh nghiệp bỗng tăng giá sữa.

Sữa ‘dở trò’ tăng giá trước giờ G?

Một Thế Giới | 07/04/2015, 06:00

Bộ Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp phải đăng ký lại giá sữa vào ngày 15.4 nhưng sát "giờ G", các doanh nghiệp bỗng tăng giá sữa.

Sau khi rà soát, tiết giảm các chi phí, đặc biệt là chi phí quảng cáo, Bộ Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp (DN) phải đăng ký lại giá sữa vào ngày 15.4. Tuy nhiên, sát ngày đăng ký lại, giá sữa có dấu hiệu tăng.

Theo khảo sát của Báo Giao Thông ngày 6.4, nhiều khách hàng quen thuộc của các đại lý, cửa hàng sữa đã nhận được tin về việc một số loại sữa có thể tăng giá, như: sữa Abbott sắp tăng khoảng 8%, hay "Dutch Lady bản Gold mới đắt hơn nhiều”…

Theo một số đại lý sữa, Abbott cũng đang chuẩn bị ra mắt một số mẫu sản phẩm mới và theo thông lệ “mỗi khi có sản phẩm mới, giá sẽ tăng thêm”, chủ một đại lý bánh kẹo, rượu bia, sữa trên đường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) cho hay.

Thực tế, đây là một chiêu trò có cơ sở. Các mẫu sản phẩm mới dòng Dutch Lady của Friesland Campina chưa hiện diện trên thị trường, nhưng theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), hãng này đã đăng ký từ 1.4, sẽ ra mắt 9 mẫu sữa mới, gồm: Dutch Baby Gold Mau lớn, Tập đi, Tò mò, Khám phá, Sáng tạo… trọng lượng 400-1.500 gr, có giá bán cao hơn hẳn các sản phẩm Dutch Baby cũ cùng tên nhưng không “gold” từ vài chục đến cả trăm nghìn đồng/hộp; và cao hơn cả sản phẩm Dutch Lady Gold 123 hiện nay.

Các bà mẹ có con dưới hai tuổi trước đây mua Enfagrow số 3 loại 900gr (từ 12-36 tháng tuổi) giá 355 nghìn đồng, thì hiện được tư vấn đổi sang Enfamil số 3 loại 900gr (từ 12 - 24 tháng tuổi) giá tận 450 nghìn đồng/hộp. Với trẻ trên hai tuổi, trước đây có thể uống Enfagrow số 3, nay phải đổi thành Enfagrow số 4 mẫu mới giá cao hơn loại số 3 trước đây 20 nghìn đồng/hộp.

Trước đó, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đã ra văn bản nhắc nhở, đôn thúc các đơn vị sở Tài chính địa phương phải tăng cường kiểm tra giá sữa.

Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng quy định, đối với mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 2 tuổi, các Sở Tài chính phải yêu cầu các doanh nghiệp loại chi phí quảng cáo trong cơ cấu giá và giảm giá tương ứng với mức chi phí quảng cáo đã loại trừ, đồng thời kê khai giá lại trước ngày 15.4 tới.

Yêu cầu này được đưa ra bởi kể từ 1.3, Nghị định số 100/2014/NĐ-CP ngày 6.11.2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo có hiệu lực đã có hiệu lực, với điều khoản “Nghiêm cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi, thức ăn bổ sung cho trẻ em dưới 06 tuổi…”

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phải rà soát, tiết giảm các khoản chi phí nói chung để kịp thời giảm giá bán sữa.

Đây không phải là lần đầu tiên, Bộ Tài chính có những văn bản nhắc nhở, đôn thúc, với mục đích yêu cầu doanh nghiệp giảm giá sữa như vậy. Tuy nhiên, hiệu năng quản lý Nhà nước ở các chỉ đạo này rất thấp.

Tuyết Nhung

Bài liên quan
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sữa ‘dở trò’ tăng giá trước giờ G?