Vắt kiệt sức sáng tạo hay các thương hiệu trẻ phải trả tiền để xuất hiện trên Vogue là những góc khuất hiếm khi được chia sẻ trên mặt báo.

Sự thật về Tuần lễ thời trang Milan, Paris: 20.000 USD mua danh?

26/02/2020, 10:45

Vắt kiệt sức sáng tạo hay các thương hiệu trẻ phải trả tiền để xuất hiện trên Vogue là những góc khuất hiếm khi được chia sẻ trên mặt báo.

Fashion Week tại 4 kinh đô lớn trên thế giới luôn hấp dẫn những ai yêu thời trang. Các bộ sưu tập xa hoa, xu hướng mới đều được lăng xê dưới bàn tay thiên tài của nhà thiết kế hàng đầu.

Tuy nhiên, sự hào nhoáng được chia sẻ trên phương tiện truyền thông ẩn chứa những góc khuất mà người trong ngành thuộc nằm lòng mỗi khi nhắc đến cụm từ "Fashion Week".

Một suất lên Vogue đáng giá 20.000 USD

Năm 2019, tờ BOF đăng tải bài viết dành riêng cho tạp chí Vogue về việc đặt nặng vấn đề tiền bạc và quảng cáo. Cụ thể, các thương hiệu không có tên tuổi sẽ phải trả mức phí lên đến con số 20.000 USD cho 2 bài viết/năm để được các biên tập viên thời trang nhận xét bằng vài dòng giới thiệu hay cho lời phê bình mang tính "khen ngợi".

Việc chi trả số tiền lớn giúp các thương hiệu dễ dàng vượt qua ải kiểm duyệt từ những chuyên gia thời trang. Trước đây, bất cứ bộ sưu tập nào muốn đưa lên Vogue phải qua sự lựa chọn rất kỹ từ biên tập viên thời trang và thông qua người kiểm duyệt cuối cùng là bà Anna Wintour. Bây giờ, việc này chỉ là cách để hợp thức hóa nguyên tắc được đặt ra.

Các nhãn hàng mới muốn xuất hiện trên Vogue phải trả 20.000 USD để nhận lời bình luận từ biên tập viên của tạp chí. Ảnh: Vogue.

Nguyên nhân lý giải cho việc này được BOF giải thích rằng Vogue và Condé Nast đang tìm kiếm con đường mới để tăng doanh thu, bù lỗ vào phần thiệt hại nặng nề trong năm 2017.

Ngoài ra, các chuyên gia hay thương hiệu lớn thường sử dụng hình ảnh chuẩn từ trang như Getty Images, Imaxtree, đặc biệt là Vogue. Do đó, việc những nhà mốt trẻ mong muốn và phải chi trả để xuất hiện trên tạp chí này là điều dễ hiểu.

Nhiều người chỉ trích Vogue đang đi ngược lại tôn chỉ của tạp chí từ những ngày đầu trong việc chọn lọc bộ sưu tập chất lượng chia sẻ đến độc giả. Họ cho rằng thương hiệu này đang mất dần uy tín của tạp chí thời trang hàng đầu và mọi thứ đều được quy đổi bằng tiền.

Instagram Diet Prada cũng đưa ra bình luận về việc thu mức phí quảng cáo quá đắt từ các thương hiệu thời trang mới ra đời. Blogger này cho biết một số nhà mốt tên tuổi cũng phải chi hàng trăm nghìn USD cho chiến dịch quảng cáo trên tạp chí thời trang mỗi năm.

Cộng với việc Vogue thu tiền thêm từ những thương hiệu nhỏ, vậy nhận xét có còn chính xác hay không? Ngòi bút của các biên tập viên liệu có bị đồng tiền chi phối?

Hình ảnh show diễn của những nhà mốt mới được xếp cạnh thương hiệu hàng đầu thế giới đều được quy đổi bằng tiền. Ảnh: Vogue.

Cạn kiệt ý tưởng sáng tạo đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng trên sàn diễn

Từ năm 2015 đến nay, ngành thời trang chứng kiến nhiều cuộc chia ly của các thương hiệu với giám đốc sáng tạo làm việc lâu năm. Họ rời khỏi đỉnh cao trên chiếc ghế quyền lực để xây dựng đế chế mang tên chính mình.

Nhiều người cho rằng bản thân không tìm được tiếng nói chung với các thương hiệu, nhưng đâu đó người trong ngành vẫn ngầm hiểu quy luật đằng sau đến từ áp lực doanh số giết chết sáng tạo hay sự cạn kiệt ý tưởng không tìm thấy lối thoát cho bản thân.

Đằng sau vẻ ngoài xa hoa của các bộ sưu tập lộng lẫy trên sàn diễn là sự gắng gượng về ý tưởng của giám đốc sáng tạo. Ảnh: Vogue.

Với những người làm trong ngành, việc ép phải lên ý tưởng cho các thiết kế chỉ để thỏa mãn nhu cầu của người khác là điều không thể tránh khỏi.

John Galliano - người tiền nhiệm của Raf Simons tại nhà mốt Dior - từng là "nạn nhân" trong guồng quay của sự đổi mới sáng tạo nhằm thu hút đối tượng khách hàng trẻ hơn.

Hiếm ai biết được rằng John Galliano đã trải qua những ngày tháng gồng mình trong chính sự sáng tạo của bản thân. Áp lực doanh số luôn khiến nhà thiết kế phải gắng gượng để tạo ra 12 bộ sưu tập trong một năm. Việc phải vào trại cai nghiện rượu và dùng thuốc kích thích mỗi ngày để xoa dịu tinh thần trở thành minh chứng rõ rệt nhất cho sự kiệt sức của John Galliano đằng sau vẻ ngoài xa hoa trên sàn diễn thời trang.

John Galliano phải dùng chất kích thích mỗi ngày để khơi gợi sự sáng tạo khi thiết kế cho Dior. Ảnh: John Galliano.

Người mẫu thuê nhà giá cắt cổ , trở về nước vì quá áp lực

Người mẫu phải thuê nhà giá cao, thậm chí ở phòng kém chất lượng là một vài câu chuyện hậu trường thời trang từng được Chà Mi - người từng có thời gian làm việc tại kinh đô Milan, Italy - tiết lộ trên trang cá nhân.

9X cho biết nhóm người mẫu sẽ ở chung trong căn hộ do công ty quản lý cung cấp nhưng phải trả tiền. Để có một chỗ ở trong ngôi nhà chung lộn xộn, mỗi chân dài cần bỏ ra khoản tiền không nhỏ. Cô gọi đó là cái giá "cắt cổ", cao gấp 2-3 lần bên ngoài thị trường.

Lý giải việc đa số người mẫu chấp nhận thuê nhà giá cao, Chà Mi bật mí họ phải lấy lòng công ty quản lý nếu muốn có việc. Kể thêm trong một tháng ở nhà chung, cô chứng kiến không ít đồng nghiệp phải trở về nước vì không trụ nổi.

Theo 9X, nhằm kiếm được việc ở thị trường nước ngoài, bên cạnh gương mặt đẹp, vóc dáng chuẩn, đôi lúc bạn cần dùng mưu mẹo để khách hàng chú ý đến mình. Chà Mi tiết lộ cát xê nhận được cho mỗi hợp đồng khoảng 1.200 USD nhưng phải chia cho công ty đại diện 38%.

Người mẫu phải chấp nhận mức giá thuê nhà cao, sự canh tranh nhằm lấy lòng các công ty quản lý để nhận một suất trình diễn tại Fashion Week. Ảnh: Fashionista.

Ngoài ra, sự cạnh tranh của người mẫu trong các buổi casting, cám dỗ khó lòng từ chối, bê bối mang tên model party, hay cả quán ăn miễn phí đều là góc khuất đằng sau vẻ ngoài đầy ánh hào quang của cái gọi là "Fashion Week".

Năm 2017, làng mốt xôn xao khi James Scully - chuyên gia tuyển chọn người mẫu - tiết lộ việc 150 chân dài bị bỏ đói ở hậu trường Paris Fashion Week. Balenciaga liên quan đến show diễn sau đó gửi lời xin lỗi bằng văn bản đến hơn 100 người mẫu bị ngược đãi.

Không ít người mẫu phải trở về nước vì áp lực của sự cạnh tranh đằng sau ánh đèn sân khấu. Ảnh: Victor Boyko.

Ảo ảnh đằng sau cuộc chiến váy áo tại Fashion Week

Mục đích chính tổ chức các tuần lễ thời trang là để thương hiệu ra mắt bộ sưu tập mới nhất. Tất nhiên, tinh thần của Fashion Week cũng không thể thiếu sự kiện bên lề mà dân trong nghề gọi là street style. Thậm chí, nhiều tờ báo còn dành chuyên trang chỉ để phân tích về xu hướng của dàn fashionista, fashion blogger.

Đây còn là dịp các tín đồ thể hiện phong cách, khả năng mix&match nhằm gây ấn tượng với truyền thông thế giới. Công cuộc đầu tư sinh lời và xuất hiện trên Vogue, ELLE hay Harper s Bazaar đồng nghĩa với việc họ có thể xây dựng hình ảnh cá nhân, đồng thời quảng bá về "bộ mặt thời trang" của đất nước mình.

Ngoài thương trường, những đối thủ cạnh tranh nhau bằng con số thì tại nơi sang trọng thế này có phần tinh tế hơn bằng chính cái gọi là "quần áo". Bạn mặc đẹp hay trang phục gì cũng được, miễn biết cách làm người khác chú ý đến mình.

Thời trang là ngành rất dễ bị đào thải và luôn có một "cuộc chiến" khốc liệt. Hôm nay, bạn được nhiều người biết đến nhưng chưa chắc sau này cũng sẽ vậy. Ảnh: Fashionista.

Đối với người ngoài chỉ là ánh "hào quang" chớp nhoáng nhưng với người trong cuộc, có lẽ đây là tuần lễ dài nhất trong năm. Từ sàn diễn, hậu trường đến cả ngoài phố đều là những cuộc cạnh tranh khốc liệt mang tên "toả sáng".

Người mẫu, nhiếp ảnh, fashion blogger... đâu đó mỗi góc phố đều là "cuộc chiến" thầm lặng. Sự bề thế của Fashion Week lôi cuốn hàng nghìn nhiếp ảnh gia, phóng viên và hàng loạt ngôi sao hàng đầu thế giới tham gia sự kiện. Có giá trị truyền thông nào hiệu quả bằng khi chỉ trong một tuần, thương hiệu cá nhân của bạn đến gần hơn với thế giới.

Hy vọng là thứ rất dễ gây nghiện. Nó đủ mạnh để khiến người ta đầu tư cả ê-kíp hay hàng tá quần áo, đồ đạc chỉ để chuẩn bị cho sự xuất hiện ngắn ngủi ở các tuần lễ thời trang.

Theo Thiên Minh - Zing

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sự thật về Tuần lễ thời trang Milan, Paris: 20.000 USD mua danh?