Báo Nikkei Asian Review ngày 5.2 đưa tin một nữ danh ca Trung Quốc bị thất sủng, qua đó hé lộ về hậu trường chính trị nước này.

Sự thất sủng của một 'diva' hé lộ về hậu trường chính trị Trung Quốc

07/02/2018, 13:35

Báo Nikkei Asian Review ngày 5.2 đưa tin một nữ danh ca Trung Quốc bị thất sủng, qua đó hé lộ về hậu trường chính trị nước này.

Diva quân đội Tống Tú Ánh biểu diễn ở Hồng Kông năm 2012 - Ảnh: Reuters

Theo trang báo Nhật nói trên, bà Tống Tú Anh không có tên trong danh sách thành viên Ủy ban toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp) khóa 13 vốn được công bố cuối tháng 1. Ủy ban nói trên sẽ họp vào tháng 3 tới. Ngược lại, ngôi sao điện ảnh Thành Long (người Hồng Kông, ủng hộ Trung Quốc) vẫn có tên.

Diva của quân đội từng thân cận ông Giang Trạch Dân

Từ nhiều năm qua, bà Tống Tú Anh được phong là Diva, thường tham gia các chương trình biểu diễn ca nhạc mừng Tết Nguyên đán, do Đài truyền hình trung ương Trung Quốc phát sóng trực tiếp.

Vào mỗi mùa xuân, Chính hiệp họp tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh, cùng với phiên họp của Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc (Quốc hội). Trong quá khứ, bà Tống Tú Anh thường dự họp, tươi cười khi được đề nghị chụp ảnh kỷ niệm.

Nhưng việc bà Tống Tú Anh không có tên trong Ủy ban toàn quốc Chính hiệp khiến nhiều người dân Trung Quốc bị bất ngờ lớn. Vì bà là một thượng tướng của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và ở tuổi 51, bà chưa đủ tuổi nghỉ hưu.

Một số công dân đồn thổi: “Cái ngày ấy rồi cũng đến. Một sự kiện bất ngờ”, và họ thắc mắc liệu bà Tống Tú Anh đã vi phạm kỷ luật quân đội?

Tân Hoa Xã đã dẫn “sự thanh bạch” là một tiêu chí đạo đức để chọn các thành viên mới cho Ủy ban toàn quốc Chính hiệp. Vì thế, những người không được chọn lần này đều sẽ bị nghi ngờ, theo Nikkei Asian Review và báo này nêu các ca sĩ, vũ công thường giữ vai trò quan trọng trong PLA, giúp quân nhân giải trí và tham gia hoạt động tuyên truyền.

Hồi tháng 5.2016, bà Tống Tú Anh thăm Bãi Đá Chữ Thập trên Biển Đông, dẫn đầu đoàn văn công của Cục chính trị của hải quân PLA. Tại đây, đoàn biểu diễn văn nghệ, giao lưu với các quân nhân tham gia cuộc cải tạo đất Bãi Đá Chữ Thập của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm trái phép.

Cùng lúc, quân đội Mỹ tiến hành tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải để phản ứng với Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo xây trái phép trên Biển Đông.

Ông Giang Trach Dân và bà Tống Tú Anh - Ảnh: Nikkei Asian Review

Trang báo Nhật khẳng định nữ Diva quân đội Tống Tú Anh (dân tộc Miêu) là người thân cận cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân, 91 tuổi. Và các ca sĩ thuộc PLA cần có những vị “đỡ đầu” nếu họ muốn trở thành ngôi sao.

Ông Giang Trạch Dân, 91 tuổi, trở thành lãnh đạo Trung Quốc hồi năm 1997, sau khi ông Đặng Tiểu Bình qua đời. Khi ông củng cố quyền lực và tầm ảnh hưởng, đã có nhiều người vây quanh ông, trong nhóm được gọi là “Phái Thượng Hải”.

Cùng lúc, bà Tống Tú Anh là ca sĩ được ông Giang Trạch Dân ưng ý nhất, và bà được bầu vào Ủy ban toàn quốc Chính hiệp Trung Quốc, với sự ủng hộ hoàn toàn của ông Giang Trạch Dân. Khi ông Hồ Cẩm Đào kế thừa chức Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) và chức Chủ tịch Trung Quốc từ ông Giang Trạch Dân, bà Tống Tú Anh vẫn có chân trong Chính hiệp.

Bài học từ “Bè lũ 4 tên” xúi giục Cách mạng văn hóa

Trước đây không lâu, dân Bắc Kinh còn gọi bà Tống Tú Anh là “bà mẹ của dân tộc”, xem bà là một thành viên của cơ cấu chính trị Trung Quốc, có quyền vào ra Trung Nam Hải, trung tâm thần kinh chính trị của Bắc Kinh.

Nhưng tình hình thay đổi từ mùa thu 2012, khi ông Tập Cận Bình trở thành Tổng bí thư CPC. Trong 5 năm qua, ông tiến hành chiến dịch bài trừ tham nhũng, được cho là để gạt bỏ các đối thủ chính trị như hơn 30 sĩ quan cấp cao PLA đã bị buộc tội tham ô.

Trong nhiều năm qua, nhiều tướng lĩnh và cán bộ chính trị PLA cũng bị tước quyền lực, vì họ “quan hệ bất chính” với các nữ nghệ sĩ trong quân đội. Nay, những mối quan hệ này đều bị xét là tham nhũng, và giới nghệ sĩ Trung Quốc cần dè chừng: lưới chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình sẽ trùm xuống đầu họ.

Theo Nikkei Asian Review, nếu làn gió chính trị Trung Quốc đổi chiều, các nghệ sĩ sẽ khó thể thoát khỏi vô hại. Bằng chứng là việc bà Tống Tú Anh không có tên trong danh sách Ủy ban toàn quốc Chính hiệp.

Không may cho bà Tống Tú Anh, là nữ danh ca PLA Bành Lệ Viên trở thành Đệ nhất phu nhân Trung Quốc. Phu nhân ông Tập Cận Bình hiện là phó chủ tịch Liên hiệp văn học nghệ thuật Trung Quốc, một cơ quan chỉ đạo ngành giải trí Trung Quốc.

Trang báo Nhật nêu, về quyền lực chính trị bà Tống Tú Anh không ngang bằng bà Bành Lệ Viên. Nhưng một số lãnh đạo lão thành gồm những người trong “Phái Thượng Hải” của ông Giang Trạch Dân đã phản đối việc cơ cấu bà Bành Lệ Viên làm phó chủ tịch Liên hiệp văn học nghệ thuật Trung Quốc. Họ nói phải rút bài học từ việc bà Giang Thanh đã “xúi giục” Cách mạng Văn hóa.

Bà Giang Thanh là vợ ông Mao Trạch Đông, từng là diễn viên sân khấu điện ảnh. Bà là một thành viên trong “Bè lũ 4 tên” dẫn đến cuộc Cách mạng văn hóa đẫm máu ở Trung Quốc từ năm 1966 đến 1976.

Sau cái chết của Mao Trạch Đông năm 1976, “Bè lũ 4 tên” bị hạ bệ, ban đầu bà Giang Thanh bị tuyên án tử hình, sau đó bà tự tử, theo Nikkei Asian Review.

Bà Bành Lệ Viên, Đệ nhất phu nhân Trung Quốc - Ảnh: Reuters

“Hoàng hậu” ngành điện Trung Quốc cũng bị thất sủng

Theo Nikkei Asian Review, còn có một phụ nữ nổi tiếng khác không có tên trong danh sách Chính hiệp: bà Lý Tiểu Lâm, 56 tuổi, con gái cựu Thủ tướng Lý Bằng (nay 89 tuổi).

Theo Nikkei Asian Review, gia đình Lý Bằng thống trị ngành điện và năng lượng Trung Quốc, thậm chí bà Lý Tiểu Lâm được phong là “Hoàng hậu” của ngành điện. Điều này cho phép bà lập được quan hệ thân cận với nhiều người.

Việc bà Lý Tiểu Lâm không có tên trong danh sách Chính hiệp cũng gây xôn xao. Một nguồn tin Trung Quốc nói với trang báo Nhật: “Thậm chí tương lai của các thái tử đảng cũng không được bảo đảm trong thời đại mới của ông Tập Cận Bình”.

“Thái tử đảng” là con cái của những đảng viên lão thành và có ảnh hưởng. Tại Đại hội Đảng khóa 19 hồi tháng 10.2017, ông Tập Cận Bình đã đưa học thuyết của ông vào điều lệ đảng, và tuyên bố sự khởi đầu của chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Hoa trong thời đại mới.

Các “thái tử đảng” không có tên trong sách dự kiến Chính hiệp gồm con và cháu của các ông Mao Trạch Đông, Lý Tiên Niệm, Đặng Tiểu Bình, Chu Dung Cơ và Chu Đức.

Cũng không có tên của bà Giang Trạch Tuệ, 79 tuổi. Bà là em gái của ông Giang Trạch Dân, và là một nhà nghiên cứu về rừng.

Trong khi đó, khoảng 2.000 người trong danh sách Chính hiệp được chính thức công nhận là những nhân vật nặng ký trong cơ cấu quyền lực của Trung Quốc. Nhưng nhiều người nổi tiếng cũng không có tên trong danh sách dự kiến mới nhất.

Bà Lý Tiểu Lâm, con gái cựu Thủ tướng Lý Bằng - Ảnh: Reuters

“Nhóm múa cổ vũ” quan hệ thân cận với quân đội Triều Tiên?

Theo Nikkei Asian Review, mối quan hệ giữa giới chính khách và nghệ sĩ Trung Quốc tương tự mối quan hệ giữa ngành giải trí với Quân đội nhân dân Triều Tiên (KPA).

Lãnh đạo CPC cùng lãnh đạo đảng Lao động Triều Tiên có quan hệ thân cận với giới nghệ sĩ chịu sự kiểm soát trực tiếp của chính quyền. Ví dụ bà Ri Sol-ju, vợ lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, từng là văn công KPA. Bà được cho là có công lập đoàn văn công nữ Moranbong.

Trưởng đoàn Moranbong là cô Hyon Song-wol, gần đây tham dự đàm phán liên Triều, dẫn đến kết quả là đoàn văn nghệ - thể thao Triều Tiên tham dự Olympic mùa đông 2018 ở Pyeongchang (Hàn Quốc).

Thủ lĩnh đoàn văn công Triều Tiên Hyon Song-won đến Hàn Quốc - Ảnh: Kyodo

Cuối tháng 1.2018, đoàn đại biểu Triều Tiên do cô Hyon dẫn đầu, đã qua Hàn Quốc kiểm tra nơi biểu diễn của đoàn văn công Triều Tiên.

Hồi cuối tháng 12.2015, đoàn Moranbong gây sự cố ngoại giao ở Bắc Kinh, đột ngột hủy một buổi diễn ở thủ đô Trung Quốc vào phút chót và về nước.

Theo Nikkei Asian Review, tại một buổi diễn tập, các quan chức Trung Quốc ghi nhận một video chiếu cảnh một quả bom nhiệt hạch (bom H) biến thủ đô Washington của Mỹ trở thành biển lửa. Trung Quốc yêu cầu cuộc diễn không chiếu video này. Nhưng đoàn Moranbong không chấp nhận và về nước. Quan hệ Trung-Triều xuống cấp từ sau sự kiện này.

Vẫn theo trang báo Nhật, Triều Tiên nói cử “nhóm múa cổ vũ” đến Olympic 2018, và đặt câu hỏi “liệu tấn kịch tương tự sẽ lại xảy ra?”.

Tờ báo nói “nhóm múa cổ vũ” có quan hệ thân cận với KPA và các đoàn nghệ thuật Triều Tiên.

Trung Trực (theo Nikkei Asian Review)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sự thất sủng của một 'diva' hé lộ về hậu trường chính trị Trung Quốc