Giá trị của một chiếc logo nhãn hiệu sẽ không là gì so với lòng tự tôn dân tộc của người Việt, và ý thức chủ quyền mới là điều quý giá hơn tất thảy mọi trang sức, áo quần.
Chanel, Louis Vuitton, YSL, Gucci, Burberry, Saint Laurent... là những thương hiệu đang gây phẫn nộ trong dư luận vì có in hình "đường lưỡi bò" phi pháp của Trung Quốc, xâm phạm chủ quyền vùng biển lãnh hải của Việt Nam và một số nước ASEAN, vi phạm trắng trợn chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).
Trước đó, một thương hiệu khác là H&M cũng dính đến nghi vấn bị Trung Quốc ép sửa chữa đưa bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp vào website của hãng này tại Trung Quốc.
Với quy mô tiêu dùng trên 1 tỷ dân, dễ hiểu về chỗ đứng của thị trường Trung Quốc trong chiến lược phát triển của các thương hiệu lớn trên thế giới. Song, "chiều lòng" chính quyền và người dùng Trung Quốc bằng cách ủng hộ, công nhận "đường lưỡi bò" phi pháp, tôi không cho đây là bước đi khôn ngoan và văn minh với vị thế của các thương hiệu lớn nói trên.
Bởi rằng, những thương hiệu lớn và uy tín không thể đi ngược với luật pháp quốc tế, không thể tùy ý "đổi trắng thay đen", đi ngược lại với chân lý, với sự thật. Chẳng lẽ, các thương hiệu này đang thể hiện sự coi thường của họ với những người tiêu dùng chân chính ở Việt Nam cũng như trên thế giới - những người phản đối sự phi lý, tham lam trắng trợn của "đường lưỡi bò".
TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu, Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) đánh giá: "Các thương hiệu quốc tế đang đứng ở lựa chọn khó khăn nhưng họ cần được biết thị trường Việt đang là thị trường tiêu thụ khá lớn cùng với ASEAN, chúng ta lại được nhiều nước khác ủng hộ".
Báo cáo Thịnh vượng của Knight Frank công bố mới đây cho thấy số người giàu ở Việt Nam đã và đang tăng lên đáng kể dù con số này được cho là vẫn chưa phản ánh hết số lượng người giàu ở nước ta, vì dữ liệu về giá trị bất động sản cũng như một số tài sản khác chưa được bao quát hết. Tóm lại, con số người giàu ở Việt Nam có thể lớn hơn nhiều so với thống kê của Knight Frank, và dự báo sẽ còn tăng mạnh trong 5 năm tới.
Phân khúc khách hàng này đưa Việt Nam trở thành một điểm đến đầy hứa hẹn và tiềm năng đối với những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng xa xỉ. Không quá khó để chúng ta bắt gặp những nam thanh, nữ tú diện cả "cây" hàng hiệu từ đầu tới chân, giá trị tới hàng trăm triệu, thậm chí cả tỉ đồng. Trên đường, cũng không hề thiếu những chiếc xe siêu sang, siêu xa xỉ.
Điều này để thấy rằng, người tiêu dùng Việt Nam cũng có vị thế riêng. Họ có một thứ quyền lực rất lớn, đó là "không dùng sản phẩm" của bất cứ thương hiệu nào công nhận "đường lưỡi bò", xâm phạm trái phép chủ quyền của Việt Nam.
Giá trị của một chiếc logo nhãn hiệu sẽ không là gì so với lòng tự tôn dân tộc của người Việt, và ý thức chủ quyền mới là điều quý giá hơn tất thảy mọi trang sức, áo quần.
Đành rằng có thông tin cho hay, các thương hiệu trên bị tố đăng tải bản đồ "đường lưỡi bò" của Trung Quốc là do họ sử dụng các bản đồ Baidu, hoặc hệ điều hành riêng của Trung Quốc và bị chính quyền nước này cài cắm. Các hãng, thương hiệu bắt buộc sử dụng phần mềm này mới được bán hàng trên các sàn thương mại điện tử dùng hệ điều hành riêng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, dù là với hoàn cảnh nào, doanh nghiệp cũng cần thể hiện sự ngay thẳng, chính nghĩa, bày tỏ rõ ràng quan điểm về vấn đề này và đặc biệt là không thể phát tán bản đồ phi pháp kia.
Nên nhớ rằng, Volkswagen Touareg, Zotye, Hanteng đã từng bị tịch thu sản phẩm, xung công quỹ, tiêu hủy phần mềm độc hại khi cho nhập xe vào Việt Nam. Và chắc chắn các cơ quan Việt Nam cũng sẽ không khoan nhượng với những trường hợp tương tự.
Đừng để chiều lòng một thị trường mà đánh mất sự tôn nghiêm và những thị trường rộng lớn khác!