Các học viện bóng đá với các tập đoàn kinh tế, tổ chức doanh nghiệp đứng sau hiểu rằng các cầu thủ ảnh hưởng rất nhiều đến thương hiệu của họ.

Sự lễ độ của các cầu thủ Việt Nam không từ trên trời rơi xuống

Đặng Hoàng | 20/05/2023, 14:00

Các học viện bóng đá với các tập đoàn kinh tế, tổ chức doanh nghiệp đứng sau hiểu rằng các cầu thủ ảnh hưởng rất nhiều đến thương hiệu của họ.

Trong bài viết "Nhìn từ trận chung kết SEA Games 32 đầy bạo lực, càng thấy sự lễ độ của U.22 Việt Nam" thì điểm cộng lớn nhất của tuyển U.22 Việt Nam tại SEA Games 32 chính là đạo đức của các cầu thủ, khi mà trước đó, bóng đá Việt Nam (BĐVN) từng xấu hổ về việc cầu thủ có hành động phi thể thao trên đấu trường quốc tế.

Tại bán kết lượt về AFF Cup 2016, người hâm mộ không chỉ buồn vì đội nhà bị loại mà còn vì tình huống thủ môn Trần Nguyên Mạnh đánh nguội với cầu thủ đối phương nên nhận thẻ đỏ trực tiếp, dẫn đến đội tuyển Việt Nam thiếu người và chịu thua Indonesia.

Từ hình ảnh xấu xí này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện khi ấy đã phân tích rằng, còn lâu lắm bóng đá Việt mới chuyên nghiệp được. Ông Thiện cho rằng dù BĐVN đã có HLV kỹ thuật, HLV thể lực nhưng thiếu HLV văn hóa, tư tưởng, đó là lỗ hổng.

Ông Thiện nói: “Là cầu thủ chuyên nghiệp tại sao lại để bị đuổi ra sân vì những lỗi vô lý đến vậy. Các cầu thủ phải hành xử thế nào để dù thắng, thua sau trận đều được đánh giá cao. Tôi đề nghị văn hóa ứng xử trên sân cỏ phải chuyển biến, thành tích có chưa cao cũng chấp nhận”.

Ông Thiện cũng căn dặn những người có trách nhiệm với thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá nói riêng phải giáo dục để các cầu thủ trở thành một người tốt, một công dân tốt trước khi trở thành cầu thủ giỏi. “Tài năng là quan trọng nhưng chỉ như thế là chưa đủ vì nếu không có đức thì cũng sẽ chẳng làm được việc gì có ích cả”, ông Thiện nói.

Sau lần đó, BĐVN đã có thay đổi với thế hệ Công Phượng, Quang Hải… Chúng ta không chỉ có thành tích mà còn thể hiện tinh thần fair-play. Các trận đấu của Việt Nam tại SEA Games, AFF Cup hầu như không phải đá thiếu người vì thẻ đỏ và những cái đầu tỉnh táo giúp trận đấu đi đúng hướng.

Nhưng tác phong đạo đức, tinh thần fair-play không phải chỉ nhờ nhắc nhở của Bộ trưởng Thiện mà còn là thành quả của sự đào tạo, dạy dỗ từ các học viện bóng đá.

Học viện bóng đá HAGL là mô hình học viện đầu tiên đào tạo ra những cầu thủ giỏi chuyên môn, có trình độ học vấn và ứng xử văn hóa tốt từ trong sân đến ngoài sân. Những cầu thủ như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… là những sản phẩm đời đầu của học viện, đưa HAGL trở thành mô hình để các lò đào tạo, học viện bóng đá trên khắp tỉnh thành Việt Nam noi theo.

BĐVN từng có thời kỳ mà bóng đá trẻ bị vấy bẩn bởi tiếng xấu của các anh. Thời điểm đầu thế kỷ 21, khi bóng đá mới bắt đầu chuyển sang chuyên nghiệp, các lò đào tạo bóng đá trẻ theo mô hình cũ chỉ quan tâm nhiều đến thành tích chuyên môn mà lơ là công tác tu dưỡng tinh thần của các cầu thủ. Thậm chí người lớn còn làm hư những cầu thủ trẻ ngây thơ như tờ giấy trắng khi chủ động gian lận tuổi ở những giải trẻ vì bệnh thành tích. Đó là lý do khi Học viện bóng đá HAGL thành lập từ năm 2007, bầu Đức đã gây ấn tượng khi tuyên bố chú trọng đào tạo đạo đức hơn cả chuyên môn.

hagl.jpg
Bầu Đức muốn các cầu thủ trẻ phải biết học lễ phép

Bầu Đức xác định phải răn dạy các cầu thủ ngay từ nhỏ. Thế nên trước khi lo rèn về kỹ năng chơi bóng, những mầm non sẽ được học về cách ứng xử. Các học viên ở HAGL được dạy tiên học lễ, hậu mới học banh. Và bài học đầu tiên về “lễ” là chuyện các cầu thủ phải cúi chào người lớn một cách lễ phép. Nhiều bậc phụ huynh sau khi tham quan học viện đều yên tâm cho con em mình học tập. Tại sao? Tâm lý chung của phụ huynh là sợ con sa ngã khi xa gia đình, nhưng khi được tận mắt chứng kiến con của mình được đào tạo, nuôi dưỡng trong môi trường giàu văn hóa của HAGL, thì mọi âu lo của họ đều tan biến.

Mười năm trước, năm 2013, Phó chủ tịch LĐBĐ Việt Nam Lê Hùng Dũng khi ấy thẳng thắn thừa nhận: “Các lò đào tạo trẻ của Việt Nam thời gian qua cũng hoạt động khá hiệu quả. Nhưng phải nói rằng có nơi nổi tiếng về đào tạo trẻ thì lại chỉ chú trọng dạy chuyên môn mà không chú trọng việc dạy đạo đức nên cầu thủ của họ thi đấu thường có những hành vi bạo lực, vào bóng kiểu triệt hạ đối phương. Trong khi đó sau 7 năm, Học viện HAGL - Arsenal JMG đã cho ra đời lứa cầu thủ trẻ không chỉ thành công về chuyên môn mà còn ở mặt đạo đức. Họ thành công như thế thì chúng tôi tìm mô hình kiểu mẫu gì nữa mà không chịu học theo”.

pvf.jpg
Học viện PVF chú trọng đào tạo văn hóa

Ra đời sau một năm, PVF cũng là một mô hình kiểu mẫu như thế. PVF cho ra những sản phẩm tốt ngay sau thế hệ Công Phượng, Quang Hải. Trong 21 tên tuổi đem về chiếc HCV đầu tiên cho BĐVN tại SEA Games 30, lò PVF đóng góp 6 cầu thủ: Thanh Thịnh, Ngọc Bảo, Thái Quý, Tiến Dụng, Đức Chinh và Văn Biểu. Các cầu thủ từ lò của PVF ngày ấy cũng như bây giờ như Huỳnh Công Đến, Nguyễn Thanh Nhàn, Đức Phú, Lê Văn Đô, Võ Nguyên Hoàng… chưa khiến ai phải phàn nàn về đạo đức, cách ứng xử. Đó là do các học viên PVF được chăm lo toàn diện về chuyên môn, đời sống tinh thần. Sau khi được tuyển chọn, các tài năng trẻ được học tại Vinschool nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng đầy đủ về học vấn, văn hóa trên con đường trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.

Các học viên cũng sẽ được huấn luyện bởi đội ngũ HLV hàng đầu trong nước và quốc tế, chăm sóc cả về thể chất lẫn tinh thần trong môi trường khoa học, hiện đại và nhân văn; học tập toàn diện về văn hóa, tiếng Anh và kỹ năng mềm để trở thành những cầu thủ không chỉ giỏi chuyên môn, có thể hình, thể lực, sức khỏe vượt trội mà còn có kỷ luật, đạo đức, văn hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của bóng đá nhà nghề thế giới.

Hay như trong Dự án xây dựng học viện, NutiFood cam kết gắn bó lâu dài với BĐVN thông qua việc phát hiện và đào tạo trẻ, để có được những lứa cầu thủ tài năng, đạo đức, giàu thể lực cho tương lai tươi sáng của bóng đá nước nhà.

Các học viện bóng đá với các tập đoàn kinh tế, tổ chức doanh nghiệp đứng sau hiểu rằng các cầu thủ ảnh hưởng rất nhiều đến thương hiệu của họ. Do vậy, họ đều chú trọng các cầu thủ ra lò đều phải đảm bảo cả yếu tố tài và đức.

Tinh thần của HAGL, PVF đã lan tỏa ra các học viện bóng đá khác. Việc một cầu thủ trẻ của HAGL biết cúi chào HLV đối phương giờ đã trở thành động tác phổ biến ở các giải trẻ như U.19 hay U.21 quốc gia. Và giờ thì tác phong ấy trở thành biểu tượng cho bóng đá fair-play đáng tự hào của BĐVN tại SEA Games 32.

Chúng ta cần tiếp tục phát huy điều này vì phong độ thắng thua 1 trận chỉ là nhất thời nhưng đẳng cấp văn hóa mới là mãi mãi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sự lễ độ của các cầu thủ Việt Nam không từ trên trời rơi xuống