Tỉnh An Giang đang triển khai thực hiện mô hình “Hệ sinh thái nông nghiệp” để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh dịch COVID-19.

Sử dụng ‘Hệ sinh thái nông nghiệp’ để tháo gỡ tiêu thụ lúa

Tô Văn | 04/08/2021, 17:20

Tỉnh An Giang đang triển khai thực hiện mô hình “Hệ sinh thái nông nghiệp” để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh dịch COVID-19.

Theo Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, tính đến ngày 3.8, toàn tỉnh đã thu hoạch lúa được 120.319ha/228.479ha, đạt 52,7% diện tích xuống giống.

Giá thu mua lúa hiện nay đang có xu hướng giảm, các giống lúa OM 9582, OM 5451, OM 18 giá dao động từ 4.200 - 5.000 đ/kg, IR50404 từ 3.800 - 4.200 đồng/kg, nếp từ 4.000 - 4.600 đồng/kg. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 12 doanh nghiệp, công ty thực hiện thu mua lúa với diện tích là 15.654ha, trong đó Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời thực hiện liên kết là 11.920ha, các doanh nghiệp đang tiếp tục thực hiện liên kết và thu mua lúa.

Dự kiến đến đến hết tháng 8.2021, tỉnh An Giang thu hoạch cơ bản dứt điểm vụ hè thu 2021 với diện tích còn lại 121.712 ha (ước khoảng 620.000 tấn, trong đó có 14.942ha nếp, tương đương 86.663 tấn) tập trung ở các huyện Thoại Sơn, Tri Tôn, Châu Phú, Phú Tân và TX.Tân Châu.

1-lua-cp.jpg
Giá lúa vụ hè thu giảm, nông dân lo lắng - Ảnh: Tô Văn

Sáng 4.8, trao đổi điện thoại với PV Một Thế Giới, chị Trương Thị Nga (46 tuổi, ngụ ấp Tân Vọng, xã Vọng Thê, H.Thoại Sơn) cho biết sau khi báo chí phản ánh về việc thương lái bỏ cọc, ép giá rồi biến mất, chính quyền xã Vọng Thê đã liên hệ với gia đình chị.

“Khoảng trưa 2.8, UBND xã Vọng Thê có điện thoại cho ông xã tôi và những hộ dân lân cận hỏi về tình hình lúa hiện giờ ra sao. Sau đó, họ yêu cầu ông xã và những hộ này ghi thông tin đang canh tác bao nhiêu công đất để sắp tới Chính phủ hỗ trợ”, chị Nga nói.

Còn anh Phan Tấn Khanh (ấp Tân Bình, xã Tân Tuyến, H.Tri Tôn) chia sẻ: “Hiện tại chưa thấy ai điện thoại hay hỏi thăm tình hình của nông dân. Hiện bà con tới ngày thu hoạch lúa, do cần tiền trả chi phí sinh hoạt nên nhiều người bán “thí đại”. Giá lúa OM 5451 thời điểm này được lái kêu mua 4.800 đồng/kg. Hôm qua, lái vô đặt cọc cũng nhiều”, anh Khanh cho hay.

1-chi-nga.jpg
Tỉnh An Giang tạo điều kiện thuận lợi cho thương lái thu mua lúa - Ảnh: Tô Văn

Ông Cao Quang Liêm - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND H.Tri Tôn cho biết thời điểm này địa phương thực hiện việc kiểm tra y tế chặt chẽ các thương lái nhưng vẫn tạo điều kiện tối đa cho họ vào thu mua lúa của nông dân.

“Địa phương đang phối hợp với những “cò lúa”để nắm chặt chẽ thương lái nào có ghe vào thu mua để cán bộ đứng đón, sau đó giúp thương lái test y tế nhanh để việc thu múa lúa nhanh chóng, thuận lợi. Hiện H.Tri Tôn còn 14.000ha (riêng xã Tân Tuyến hơn 4.000ha, số còn lại của các xã khác) và cố gắng trong 20 ngày tới sẽ thu mua dứt điểm. Địa phương không quyết định được giá lúa nhưng ngày 3.8, địa phương có họp trực tuyến với UBND tỉnh thì biết giá lúa nhích lên được 500 đồng”, ông Liêm nói.

Thầy Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng danh dự Trường đại học Nam Cần Thơ (P.Cần Thơ) cho rằng giá lúa giảm trong tình hình hiện nay là do gạo của Ấn Độ xuất khẩu với giá rất thấp, Thái Lan sợ không tìm đầu ra nên cũng giảm theo.  Vì vậy, giá lúa sụt giảm trong bối cảnh này là điều không tránh khỏi.

“Theo tôi nắm thông tin thì hiện nay kho an ninh lương thực của Ấn Độ đang thay “áo”. Vì vậy, gạo cũ trong kho được bán ra thị trường Philippines giá rất rẻ. Do đó, Việt Nam bán giá cao hơn thì khó lòng cạnh tranh. Theo phương án tốt nhất để nông dân khỏi thiệt thòi trong tình trạng giá lúa gạo đang giảm thì địa phương nên giao cho hợp tác xã tại mỗi nơi đến thu mua lúa của nông dân. Nếu hợp tác xã không có kho bãi... để chứa thì có thể nhờ dân cho tạm trữ ở nhà, khi bán chỉ việc đến lấy thôi”, thầy Xuân gợi ý.

Cũng theo thầy Xuân, khi có sự phối hợp nhịp nhàng giữa hợp tác xã và nông dân thì sẽ bớt tình trạng “cò lúa” và thương lái ép giá, không còn cảnh nông dân “la làng” hay gặp khó khăn.

Sử dụng “Hệ sinh thái nông nghiệp” để tháo gỡ việc tiêu thụ lúa

Ông Trần Anh Thư - Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, UBND tỉnh đã tổ chức họp trực tuyến với 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và các doanh nghiệp thu mua lúa trên địa bàn nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ nông sản, không để chuỗi sản xuất và cung ứng nông sản bị đứt gãy trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

“Trong cuộc họp này, tôi đã tích cực kết nối với các doanh nghiệp lớn để liên kết, hỗ trợ thu mua nông sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời là đơn vị trung tâm, giúp tỉnh An Giang kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản khác trong và ngoài tỉnh.

Sáng 4.8, tôi đã làm việc một doanh nghiệp lớn trên TP.HCM về xuất khẩu và doanh nghiệp này hiện cần mua 300.000 tấn gạo. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang gặp khó khăn về hệ thống hạ tầng. Vì vậy, doanh nghiệp sẽ ký ủy thác cho Tập đoàn Lộc Trời (có đầy đủ logistics) làm đầu vào cho doanh nghiệp và sau đó chuyển về hệ thống nhà máy của doanh nghiệp này để đóng bao xuất khẩu”, ông Thư thông tin.

1-danh-lua.jpg
Tỉnh An Giang sẽ sử dụng Hệ sinh thái nông nghiệp để tiêu thụ lúa - Ảnh: Tô Văn

Ông Thư cho biết thêm, với việc ủy thác, doanh nghiệp phải tạm ứng tiền cho Tập đoàn Lộc Trời thu mua. Trong quá trình hợp tác, nguồn vốn có từ hai bên và tỉnh là người giám sát. Nếu thấy phát sinh thêm thì tỉnh sẽ điều động thêm vốn từ ngân hàng. Khi doanh nghiệp bắt tay hợp tác với nhau, tỉnh sẽ yêu cầu Tập đoàn Lộc Trời xây dựng sàn giao dịch, sau đó thực hiện mô hình hệ sinh thái nông nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho nông dân.

Việc thực hiện hệ sinh thái nông nghiệp, ông Thư giải thích thêm: “Hiện nay tỉnh đã đưa 500 hợp tác xã địa phương vào hệ sinh thái nông nghiệp để từ dưới sẽ gắn kết với nông dân, ở trên sẽ gắn kết doanh nghiệp, hai bên cạnh gắn kết với kỹ thuật viên nông nghiệp. Mô hình hệ sinh thái nông nghiệp giống như viên kim cương có các mối liên kết chặt. Ví dụ nông dân có đất canh tác chỉ cần đăng ký với Tập đoàn Lộc Trời để khoán năng suất bình quân cánh đồng là 5 tấn/hecta, Tập đoàn Lộc Trời sẽ có nhiệm vụ phun xịt thuốc bằng máy bay không người lái, bón phân theo công nghệ cao để lúa đạt năng suất cao” Khi thu hoạch nếu năng suất cao 7 tấn, khi bán số lãi sẽ chia đều cho nông dân và tập đoàn. Đặc biệt, trong quá trình sản xuất khi gặp thiên tai, thì phía bảo hiểm sẽ chi trả vì Tập đoàn Lộc Trời đã mua bảo hiểm”.

Cũng theo ông Thư, trước mắt tỉnh An Giang sẽ tiêu thụ nửa triệu tấn lúa hè thu, hiện nay một số doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp có đơn hàng nhỏ lẻ cũng đặt vấn đề, nên tỉnh sẽ kết nối sớm với Tập đoàn Lộc Trời .

Khi PV Một Thế Giới đặt vấn đề tại sao không tận dụng các hợp tác xã địa phương để tiện lợi hơn việc liên kết với nông dân mà lại thực hiện theo hệ sinh thái nông nghiệp theo cách làm mới, ông Thư cho rằng hợp tác xã của các địa phương lâu nay bị đánh giá rất yếu về tài chính, tính pháp nhân để vay vốn ngân hàng cũng yếu, lại không có tài sản thế chấp, ít kinh nghiệm, năng lực quản trị, ít lòng tin của nông dân và doanh nghiệp...

“Chính vì những cái yếu đó, tỉnh An Giang đang kéo hợp tác xã địa phương vào hệ sinh thái nông nghiệp để phối hợp nhịp nhàng với nông dân. Khi hình thành, hợp tác xã nông nghiệp sẽ đưa cán bộ nguồn (từ Tập đoàn Lộc Trời) vào làm giám đốc, ngành nông nghiệp sẽ hỗ trợ thêm 1 cán bộ kỹ thuật nông nghiệp và 1 người của doanh nghiệp liên kết. Số còn lại đại diện nông dân sẽ có 1 người giám sát và 1 người là chủ tịch HĐQT của hợp tác xã nông nghiệp. Khi đó, tình trạng nông dân gặp khó, thương lái ép giá không thể xảy ra nữa.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sử dụng ‘Hệ sinh thái nông nghiệp’ để tháo gỡ tiêu thụ lúa