Trước vụ đô vật Lê Duy Hợi lao vào hành hung trọng tài, môn thể thao vốn là biểu tượng cho tinh thần thượng võ đã liên tục ê mặt với đủ loại sự cố.

Sự cố ê mặt ở môn đô vật: “Hành hạ học trò, đào ngũ, ăn chặn tiền!“

Một Thế Giới | 05/12/2014, 08:51

Trước vụ đô vật Lê Duy Hợi lao vào hành hung trọng tài, môn thể thao vốn là biểu tượng cho tinh thần thượng võ đã liên tục ê mặt với đủ loại sự cố.

HLV đi tù 15 tháng vì hành hạ dã man học trò
do vat
Phan Thanh Định 
Năm 2006, cả làng thể thao bàng hoàng với một câu chuyện HLV Phan Thanh Định của đội vật Thái Nguyên đã hành hạ một học trò đang ở tuổi vị thành niên một cách dã man. Chỉ vì đô vật tuyến năng khiếu 15 tuổi vi phạm nội quy do rất đơn giản mà Định đã có những hình thức xử phạt ngoài sức tưởng tượng: chỉ cho ăn suất cơm 2.500 đồng, viết 500 bản kiểm điểm và chạy 200 vòng quanh SVĐ.

Kinh hãi hơn vì sau khi không thể thực hiện nổi các hình phạt, cô bé còn bị ông thầy ném cả tập bản kiểm điểm vào mặt, và cho 9 bạn khác lần lượt vừa tát mạnh vào mặt vừa phải chửi: "Sao mày ngu thế?" HLV được đánh giá cao về chuyên môn này còn bị nhiều học trò tố cáo về hành vi quấy rối và xâm phạm tình dục.

Phải mất tới 1 năm, khi sự vụ đã rõ ràng, trước sự phẫn nộ của dư luận, "thầy" Định mới bị xử lý trong một phiên tòa đủ khiến cả ngành thể thao giật mình và tủi hổ, nhận mức án 15 tháng tù cho hưởng án treo, và cũng chỉ cho tội hành hạ trẻ em.
8 năm có 8 tuyển thủ Vật đào tẩu
Theo thống kê chưa đẩy đủ, chỉ tính từ năm 1996 đến nay, đã xảy ra 13 tuyển thủ trốn ở lại nước ngoài khi đang làm nhiệm vụ quốc gia, trong đó môn Vật đã chiếm tới 8 trường hợp. Đình đám nhất chính là 2 vụ đào tẩu ở lại Hàn Quốc với vô số chuyện bi hài.
Năm 2002, trong chuyến tập huấn ngay trước thềm ASIAD tại đây 2 tuyển thủ hay nhất của ĐTQG lúc đó -Tạ Đình Đức và Phí Hữu Sơn đã bỏ hộ chiếu, quần áo trốn ra ngoài, sống chui lủi và liên tục di chuyển rồi làm bốc vác kiếm tiền. Đình Đức mấy tháng sau đã bị cảnh sát xứ Hàn bắt và trục xuất về nước.
Năm 2007, ba tuyển thủ Doãn Dũng, Đình Nam, Văn Phọng đã chuẩn bị sẵn sàng để đào tẩu ở lại Hàn Quốc. Thậm chí, ở đây còn có cả sự hỗ trợ và đồng tình rõ ràng của gia đình, và giờ thì cả 3 cựu tuyển thủ mất tư cách đã kiếm được tiền tỷ. Cũng không có môn nào khốn khổ như Vật, bởi mỗi lần dự tranh giải quốc tế, Ban huấn luyện phải giữ hết các giấy tờ liên quan, canh học trò ngay cả lúc đi tập, lúc ngủ cho đến đi vệ sinh mà vẫn... lọt.
"Giữ hộ" tiền chế độ của học trò 2 năm
Trường hợp dưới đây vẫn được lưu truyền như một giai thoại trong ngành thể thao về vấn nạn ăn chặn tiền chế độ, thậm chí cả tiền công mà các VĐV phải "đổ mồ hôi sôi nước mắt" hàng ngày từng xảy ra ở một số môn. Một vị có trách nhiệm của bộ môn Vật (Tổng cục TDTT) sau khi dẫn quân đi tập huấn nước ngoài cách đây chục năm đã cố tình "ỉm" số tiền công 2.000 USD của các tuyển thủ. Các học trò sau một thời gian dài chờ đợi, qua vài lần đấu tranh nội bộ, cực chẳng đã phải khiếu nại lên thanh tra ngành.
Khi được gọi lên và mọi chuyện nhanh chóng sáng tỏ vì nó rành rành trong quy định, vị này vẫn cứ tỉnh bơ như không, rằng: "Tôi giữ hộ các cháu, nhiều việc quá nên quên mất". Khi bị tra vấn quyết liệt, ông lại "khai" mình đang sửa nhà, bí quá nên phải mượn tạm, chứ không có ý định ăn chặn. Sự vụ cũng chìm xuồng khi ông nộp lại khoản tiền để trả cho VĐV. 
"VĐV của tôi bị ông ép thua, nhưng thách ông vật thắng tôi". Lời thách đấu chỉ có ở môn Vật này là của ông Nghiêm Xuân Thái -Trưởnq bộ môn kỳ cựu của vật Quân đội đang được biệt phái cho Cần Thơ vừa bị cấm quyền chỉ đạo suốt giải do lỗi phản ứng với giám sát, trọng tài tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014.
Cách đây 2 năm, ở giải trẻ toàn quốc, quá uất ức vì cho rằng vận động viên Quân đội bị xử ép quá trắng trợn và lộ liễu theo kiểu "ép thua", ông Thái đã ra nói chuyện phải trái với ông Nguyễn Thế Long - trưởng bộ môn vật của ngành thể thao. Thậm chí, ông Thái còn  "thách" ông Long vào thảm đấu vật để biết thế nào là sự công bằng và giá trị chuyên môn đích thực. Rất may vì ông Long cũng là một cựu đô vật và HLV ĐTQG - đã không có phản ứng gì, ngoài mấy lời phân bua.

SEA Games... mùa kiện

Nhiều kỳ SEA Games trở lại đây không lần nào môn Vật không có kiện tụng ầm ĩ liên quan đến danh sách và cách thức tuyển chọn ĐTQG. Nhiều đô vật viết đơn gởi cả Bộ trưởng Bô VHTT&DL, lên tìm gặp Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, rồi vác đơn cầu cứu khắp nơi Điều đáng nói là hầu hết các vụ kiện đều có cơ sở, xuất phát từ sự thiếu minh bạch và sự cục bộ. Đỉnh điểm như trước SEA Games 2009, Bộ Quốc phòng còn cử cả đại diện sang làm việc với ngành thể thao xung quanh 3 đô vật của Quân đội bị loại thiếu minh bạch. Rốt cuộc, ngành thể thao đã phải đưa ra giải pháp tình thế, cử tất cả các trường hợp tranh cãi vào danh sách và giao quyền quyết định ai sẽ vào thảm đấu cho Ban huấn luyện.
Theo Hà Thảo (Thể Thao 24h)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sự cố ê mặt ở môn đô vật: “Hành hạ học trò, đào ngũ, ăn chặn tiền!“