Trước thông tin chính phủ mới ở Sri Lanka muốn hủy hợp đồng cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota suốt 99 năm, quay lại cách trả nợ hàng tỉ USD mà Sri Lanka từng vay của Trung Quốc, đã có nhận định rằng Sri Lanka khó có thể đạt ý muốn.
Nhận định trên của Giáo sư Bhrama Chellaney, chuyên nghiên cứu các chiến lược ở Trung tâm Nghiên cứu chính sách (Ấn Độ). Ông nói: “Sri Lanka sẽ phải đề xuất món gì đó ngang bằng, thậm chí cao hơn nữa, nghe hấp dẫn về mặt tài chính thì Bắc Kinh mới có thể đồng ý hủy hợp đồng thuê cảng này. Với dòng họ Rajapaksa quay lại nắm quyền lực ở Colombo, Trung Quốc hy vọng sẽ mở rộng dấu ấn của mình tại Sri Lanka”.
Món nợ 6 tỉ USD của đương kim Thủ tướng, anh của Tổng thống
Ông Chellaney nói về việc chính phủ mới của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đang muốn hủy hợp đồng mà chính phủ tiền nhiệm từng ký năm 2017, qua đó Sri Lanka bán 70% cổ phần của cảng Hambatota cho công ty Cảng biển thương mại Trung Quốc (CMPort) với giá 1,12 tỉ USD. Hợp đồng có điều khoản MCPort có quyền điều hành cảng này suốt 99 năm.
Vào năm 2017, Thủ tướng Sri Lanka là ông Ranil Wickremesinghe nói sẽ rất khó trả khoản nợ vay từ Trung Quốc để xây cảng. Qua năm sau, ông nói khoản tiền nêu trên giúp giảm gánh nợ vay 6 tỉ USD từ Bắc Kinh.
Khoản nợ này diễn ra thời ông Mahinda Rajapaksa làm Tổng thống Sri Lanka (từ năm 2005 đến 2015), vào lúc nước này vừa thoát cuộc nội chiến nên phải dựa nhiều vào tiền vay của Trung Quốc để phát triển cơ sở hạ tầng, từ sân bay, cảng biển, đường cao tốc cho đến nhà máy năng lượng. Cảng Hambatota ở đông nam Sri Lanka là nơi chào đời của ông Mahinda, nên cảng còn có tên là cảng Mahinda Rajapaksa.
Hiện vị cựu tổng thống giữ chức Thủ tướng, trong chính phủ do em trai ruột của ông là ông Gotabaya làm Tổng thống. Mới đây, cố vấn kinh tế Ajith Nivard Cabraal của vị Thủ tướng trả lời phỏng vấn, nói: “Chúng tôi muốn quay lại thỏa thuận cũ. Hoàn cảnh lý tưởng nhất là trở lại nguyên trạng. Chúng tôi sẽ trả nợ vay theo đúng thỏa thuận gốc mà không hề gây xáo trộn”.
Ông cũng nói: “các thỏa thuận song phương sau khi đã ký đều là những thỏa thuận nghiêm túc. Cùng lúc, chúng tôi phải chú ý đến các quyền lợi quốc gia. Và nếu một chính quyền tính sai, thì một chính quyền mới cần tìm ra các cách và các giải pháp để thực hiện thỏa thuận trong tình hữu nghị”.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Smruti Pattanaik ở Viện Nghiên cứu quốc phòng và phân tích (Ấn Độ) nói: “Đây là một thỏa thuận chính thức, và sẽ không thể có chuyện hủy bỏ hoặc sửa đổi. Phía Trung Quốc có thể xét lại vài điều khoản, nếu họ đánh giá đấy là điều cần thiết cho chế độ của anh em nhà Rajapaksa”.
Thủ tướng Mahinda (trái) và em trai Gotabaya Rajapaksa làm Tổng thống - Ảnh: Getty Images
Tân tổng thống Sri Lanka và quyết tâm bảo vệ an ninh quốc gia
Theo Bloomberg, nỗ lực chỉnh sửa hợp đồng cho thuê sẽ giúp chính phủ của anh em Rajapaksa chứng tỏ họ muốn “khắc phục hậu quả” của việc chính phủ tiền nhiệm ký hợp đồng cho thuê cảng từng khiến xảy ra làn sóng phản đối mạnh mẽ, người dân xuống đường biểu tình vì sợ mất đất vào tay Trung Quốc, quân đội Trung Quốc có thể sử dụng cảng này làm điểm tiếp tế nhiên liệu trên một tuyến đường biển quan trọng kết nối châu Á với châu Âu.
Đảng đối lập cũng cho rằng tốc độ chuyển giao đất cho Trung Quốc cũng đe dọa an ninh quốc gia, một ý tưởng tranh cửchính của đương kim Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, người từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng. Tuy nhiên, chính phủ tiền nhiệm từng trấn an rằng Bắc Kinh chỉ khai thác hoạt động thương mại ở cảng Hambantota, và chính phủ chịu trách nhiệm kiểm soát an ninh cho cảng.
Mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Quan hệ hợp tác Trung Quốc-Sri Lanka, gồm dự án cảng Hambantota, được xây dựng dựa trên sự bình đẳng và tư vấn. Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Sri Lanka, để chuyển Hambantota thành một cảng đón tàu mới ở Ấn Độ Dương và phát triển kinh tế địa phương”.
Việc Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng ở Sri Lanka là một phần của dự án trọng điểm Một Vành Đai Một Con Đường (BRI) do Chủ tịch Tập Cận Bình thúc đẩy. Nhưng cảng Hambantota cũng bị xem là sự tượng trưng cho cuộc tranh cãi bám quanh BRI, gồm những cáo buộc Trung Quốc dùng tiền để “lùa” các nước nghèo vào chuyện mắc nợ Trung Quốc đến độ khó trả, phải “hiến đất” để cấn trừ nợ.
Các hoạt động của Trung Quốc ở Sri Lanka cũng khiến Ấn Độ lo ngại đáng kể: đối thủ địa- chính trị của họ có thể dùng cảng Hambantota vào các mục đích chiến lược hoặc quân sự. Bắc Kinh đã bác bỏ mối quan ngại này, nói dự án cảng có lợi cho kinh tế Sri Lanka và có lợi cho cả nước này lẫn Trung Quốc.
Mỹ Trinh (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)