Trước tình hình bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue bùng phát mạnh, Sở Y tế TP.HCM đã quyết định thành lập tổ chuyên gia về điều trị sốt xuất huyết và triển khai quy trình báo động đỏ.
Sở Y tế TP.HCM vừa ban hành Quyết định thành lập tổ chuyên gia về điều trị sốt xuất huyết Dengue gồm 33 người được chia thành 4 lĩnh vực: chuyên gia điều trị sốt xuất huyết trẻ em (15 người), chuyên gia điều trị sốt xuất huyết người lớn (13 người), chuyên gia nội soi tiêu hóa và ngoại tiêu hóa (4 người) và chuyên gia truyền máu huyết học (1 người).
Tổ chuyên gia trên sẽ trực tiếp tham gia cập nhật bổ sung hướng dẫn điều trị về sốt xuất huyết Dengue; xây dựng các đồng thuận trong điều trị trong khi chờ Bộ Y tế cập nhật hướng dẫn điều trị sốt xuất huyết Dengue; tham gia Hội đồng chuyên môn phân tích, rút kinh nghiệm các trường hợp sốt xuất huyết Dengue nặng và tử vong.
Đặc biệt, tổ chuyên gia này sẽ tham gia tập huấn, tư vấn từ xa, hội chẩn, xử trí bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue nặng; tham gia các quy trình báo động đỏ trong trường hợp cấp cứu bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue nặng.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng triển khai quy trình báo động đỏ đối với bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue cho các bệnh viện, trung tâm y tế, phòng y tế, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP.
Theo đó, các đơn vị y tế sẽ kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện, liên viện đối với bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue nặng khi có 1 trong những điều kiện: người bệnh sốt xuất huyết Dengue ngưng tim ngưng thở đột ngột; người bệnh sốt xuất huyết Dengue nặng có suy hô hấp, suy tuần hoàn nhưng không thể tiếp cận đường thở, mạch máu; người bệnh sốt xuất huyết Dengue nặng (sốc sốt xuất huyết Dengue, suy tạng nặng) không đáp ứng điều trị hồi sức tích cực hoặc vượt khả năng điều trị nhưng không thể chuyển viện an toàn; người bệnh sốt xuất huyết Dengue nặng có xuất huyết nặng (thường gặp xuất huyết tiêu hóa ồ ạt) trong tình trạng nguy kịch không đáp ứng điều trị nội khoa (truyền dịch, truyền máu và các chế phẩm máu), cần phải can thiệp cầm máu (nội soi, DSA, phẫu thuật) khẩn cấp nhưng ngoài khả năng của bệnh viện và có nguy cơ tử vong nếu chuyển viện.
Sở Y tế lưu các các đơn vị tế tùy tình huống và năng lực điều trị của bệnh viện để kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện hoặc liên viện hoặc cả 2 nhằm đảm bảo kịp thời cứu sống bệnh nhân.
Khi người bệnh sốt xuất huyết Dengue có đủ tiêu chuẩn báo động đỏ thì bệnh viện kích hoạt quy trình báo động đỏ theo 1 trong 3 tình huống gồm: tình huống 1, bệnh viện có đủ khả năng xử trí theo quy trình báo động đỏ nội viện, không cần sự hỗ trợ từ các chuyên khoa của các bệnh viện khác; tình huống 2, bệnh viện có khả năng xử trí lại chỗ nhưng cần sự hỗ trợ khẩn cấp tiếp theo từ các chuyên khoa của các bệnh viện khác; tình huống 3, bệnh viện không đủ khả năng xử trí tại chỗ và cần sự hỗ trợ khẩn cấp hoàn toàn từ các chuyên khoa của các bệnh viện khác.
Ở tình huống 1 là các bệnh viện tầng 3 có đủ điều kiện về nhân sự, chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, máu và chế phẩm máu có thể tự xử trí tình trạng nguy kịch của người bệnh mà không cần sự hỗ trợ từ bệnh viện khác.
Lúc này, bác sĩ điều dưỡng tiếp nhận người bệnh phải vừa hồi sức vừa phát lệnh báo động đỏ đến các khoa liên quan.
Tổ chuyên gia sốt xuất huyết Dengue của bệnh viện chịu trách nhiệm điều phối, hội chẩn các chuyên khoa liên quan để điều trị bệnh nhân thích hợp (đối với trường hợp xuất huyết tiêu hóa/sốt xuất huyết Dengue cần phải có ý kiến của chuyên gia nội soi, can thiệp mạch, ngoại khoa và huyết học lâm sàng trong biên bản hội chẩn).
Ngân hàng máu thực hiện cung cấp ngay lượng máu đăng ký trong vòng 20 phút từ khi nhận mẫu máu đăng ký theo quy trình cung ứng máu và chế phẩm máu khẩn cấp; chẩn đoán hình ảnh sẵn sàng để hỗ trợ khi cần.
Trong quá trình cấp cứu người bệnh, nếu có vấn đề phát sinh cần sự hỗ trợ từ bệnh viện khác, thực hiện các bước báo động đỏ liên viện như tình huống 2.
Tình huống 2 là các bệnh viện tầng 3 hoặc tầng 2 có đủ điều kiện về chuyên môn, nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, máu và chế phẩm máu để có thể thực hiện phẫu thuật, thủ thuật cấp cứu tại chỗ, tuy nhiên cần sự hỗ trợ của các chuyên gia từ các bệnh viện đầu ngành (chuyên gia sốt xuất huyết Dengue, hồi sức tích cực, nội soi tiêu hóa, can thiệp mạch máu, ngoại khoa, gây mê hồi sức...) thì thực hiện quy trình báo động đỏ nội viện, đồng thời kích hoạt quy trình báo động đỏ liên viện.
Tình huống 3 là các bệnh viện tầng 1 hoặc tầng 2 không có đủ điều kiện về chuyên môn, nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện hồi sức, phẫu thuật, thủ thuật cấp cứu tại chỗ cho người bệnh như tình huống 1 và 2.
Các bệnh viện khẩn trương tiếp nhận người bệnh và xử trí sơ cứu ban đầu như: đặt nội khí quản, chống sốc, cầm máu tạm thời...; hội chẩn tổ chuyên gia điều trị sốt xuất huyết Dengue thuộc Sở Y tế để được hướng dẫn xử trí ban đầu phù hợp; đối với trường hợp xuất huyết tiêu hóa/sốt xuất huyết Dengue, bệnh viện cần hội chẩn với các chuyên gia nội soi tiêu hóa và ngoại tiêu hóa của Sớ Y tế để có phương án chuyển viện phù hợp…
Sở Y tế cũng lưu ý các bệnh viện trong quá trình thực hiện báo động đỏ, đó là trước khi can thiệp phẫu thuật hoặc truyền máu khẩn cấp thì toàn bộ ê kíp cấp cứu, phẫu thuật, ngân hàng máu... tiến hành hội chẩn nhanh về chỉ định phẫu thuật, phương pháp phẫu thuật, chỉ định truyền máu và nhóm máu có thể sử dụng; nội dung hội chẩn phải được thể hiện lại bằng biên bản hội chẩn.
Nếu cần hỗ trợ các phương tiện điều trị cấp cứu (đối với tình huống 1 và 2) như thuốc, dụng cụ phẫu thuật đặc thù thì các bệnh viện chủ động liên hệ với chuyên gia được mời hỗ trợ; nếu cần hỗ trợ máu và chế phẩm thì các bệnh viện liên hệ với trực lãnh đạo Bệnh viện truyền máu huyết học và thực hiện theo quy trình cung ứng máu và chế phẩm máu khẩn cấp.