Phiên đấu giá tranh kỹ thuật số của nhà Sotheby’s khiến cho nhiều người sốc vì giá của mỗi bức tranh lên đến hàng trăm ngàn bảng Anh.
Vào ngày 1.7 tới đây, nhà đấu giá Sotheby’s London sẽ chào bán 4 bức tranh kỹ thuật số tại phiên đấu giá trực tuyến có tên Sealed Cryptopunks: Five Punks on Paper. Điều làm nhiều người ngạc nhiên là mỗi tác phẩm này đều có giá khởi điểm trên 100 ngàn bảng Anh.
Tác giả của tranh sắp được bán đấu giá trên Sotheby’s được giới thiệu là Larva Labs (tạm dịch Phòng thí nghiệm Larva). Tranh ở dạng độc bản. Loạt tranh này đều đặt tên chung là CryptoPunk (tạm dịch là Tiền điện tử rách) kèm theo đó mỗi bức tranh sẽ có dãy số đặt sau ký hiệu # (ví dụ #2380)…
Sau khi đấu giá thành công, người mua sẽ được cấp một phong bì niêm phong trong đó chưa mã số sở hữu quyền truy cập vào NFT và Meebit tương ứng.
Chủ sử hữu của chùm tranh nói trên là một người Đức có tên Kate Vass Galerie, mua lại của một nhà sưu tập vào năm 2018.
Việc các tác phẩm kỹ thuật số bất ngờ có giá cao ngất ngưởng trên sàn đấu giá Sotheby’s đang là sự kiện gây chú ý và tạo ra vô số tranh cãi cho giới hội họa trong nước và quốc tế.
Theo giải thích của nhà nghiên cứu mỹ thuật và sưu tập tranh Lý Đợi, việc tranh kỹ thuật số được rao bán với giá hàng trăm ngàn bảng Anh là điều không quá bất ngờ.
Thứ nhất các bức tranh đó là độc bản; thứ hai, dù là dạng kỹ thuật số nhưng mỗi bức tranh đều là một vật phẩm (hiện vật). Đặc biệt giá trị của các bức tranh này có thể thay thế cho đồng tiền.
“Các cuộc phỏng vấn giới sưu tập nhiều tiền trên thế giới cho thấy việc giữ tiền mặt cũng tạo nên nhiều phiền phức như việc quản lý lưu giữ. Nếu có tác phẩm, vật có giá trị tương đương với tiền thì sẽ rất tiện lợi. Hơn nữa các tác phẩm tại phiên đấu giá này có kích thước tính luôn khung tranh chỉ là 41cm x 41cm, nặng dưới 2kg, nên mang đi đâu cũng khá thuận tiện, dễ dàng. Đối với một số người, việc mang vài trăm ngàn USD đi ra khỏi quốc gia của họ rất là khó khăn, bất tiện. Vì vậy nên có “vật thay thế” như các bức tranh số hóa thì mọi thứ sẽ thuận lợi hơn nhiều”, nhà sưu tập tranh Lý Đợi giải thích thêm.
Khác với các tác phẩm hội họa truyền thống, tranh kỹ thuật số được con người dùng máy tính để tạo ra. Do đặc trưng của nghệ thuật đa phương tiện, tranh kỹ thuật số có thể tồn tại ở nhiều hình thức khác nhau như in kỹ thuật số; hoặc được kết hợp với các chất liệu khác (trong nghệ thuật tradigital); hoặc được hiển thị dạng kỹ thuật số trên các màn hình, thuận tiện cho việc truyền thông tác phẩm trên các phương tiện như truyền hình, internet…