Trong ngày họp thứ 2 (11.7) Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh Sóc Trăng khóa X, kỳ họp thứ 22 đã thông qua nhiều nội dung quan trọng. Trong đó vấn đề nước sạch, vệ sinh môi trường, sạt lở bờ sông…  trở thành vấn đề nổi bật tại kỳ họp.
Bảo vệ môi trường

Sóc Trăng: Vấn đề môi trường lại nổi bật tại kỳ họp HĐND tỉnh

V.K.K - Lương Xuân Cao 18:12 11/07/2024

Trong ngày họp thứ 2 (11.7) Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh Sóc Trăng khóa X, kỳ họp thứ 22 đã thông qua nhiều nội dung quan trọng. Trong đó vấn đề nước sạch, vệ sinh môi trường, sạt lở bờ sông… trở thành vấn đề nổi bật tại kỳ họp.

soc-hop.jpg
Quang cảnh kỳ họp HĐND tỉnh Sóc Trăng - Ảnh: Lương Xuân Cao

Theo đại biểu Trần Khắc Tâm (đơn vị TP.Sóc Trăng), trong những năm gần đây, đô thị liên tục được quy hoạch mở rộng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó nhu cầu sử dụng nước sạch cho sinh hoạt, sản xuất cũng không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, việc khai thác, phân phối, sử dụng nước sạch đang trở thành vấn đề có nhiều tồn tại, thách thức, trở thành mối quan tâm của người dân. Qua các đợt tiếp xúc cử tri, đa số người dân phản ánh rất nhiều về nước sạch, hiện nay nước chảy rất yếu, có nhiều cặn, đục, vào giờ cao điểm một số địa bàn không có nước để sinh hoạt, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt.

Do đó, đại biểu này kiến nghị Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng tiếp tục thông tin, tuyên truyền việc sử dụng nước tiết kiệm, có kế hoạch dự trữ nước và sử dụng nước vào thời gian thấp điểm, khắc phục các sự cố rò rỉ nhằm tránh thất thoát nước; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quy trình xử lý nước, công tác vệ sinh, súc rửa mạng lưới ống chuyển tải nhằm kiểm soát các tiêu chí về chất lượng nước sạch; có giải pháp nâng sản lượng nước cung cấp và áp lực nước tại các vị trí lưu lượng yếu, thường xuyên thiếu nước, đồng thời cần đưa ra các giải pháp cung cấp nước sạch đảm bảo vệ sinh, an toàn cho người dân trong thời gian sớm nhất.

khac-tam.jpg
Đại biểu Trần Khắc Tâm (đơn vị TP.Sóc Trăng) - Ảnh: L.X.C

Về vấn đề vệ sinh môi trường, các đại biểu cũng đề cập đến thực trạng vệ sinh môi trường đô thị, nhất là ở TP.Sóc Trăng. Tỉnh ủy Sóc Trăng cũng đã có chỉ đạo về vấn đề này, song các giải pháp thực hiện cần sớm thực hiện để tạo ra môi trường xanh , sạch, đẹp cho TP.Sóc Trăng và các huyện thị.

Đại biểu huyện Kế Sách đề nghị có cơ chế đặc thù trong việc đầu tư xử lý khẩn cấp các đoạn sạt lở, nguy cơ sạt lở đối với hệ thống đê cồn. Hiện nay tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện Kế Sách liên tục diễn ra, nhất là tình hình sạt lở đê cồn xảy ra nghiêm trọng. Từ năm 2019 đến năm 2023 đã xử lý sạt lở đê cồn tổng số 130 đoạn, chiều dài 5.673 mét, kinh phí khắc phục sạt lở 21,5 tỉ đồng. Từ đầu năm 2024 đến nay sạt lở đê cồn có 12 đoạn, chiều dài 269 mét, trong đó có 4 đoạn sạt lở nghiêm trọng, chiều dài 86 mét, huyện đã bồi trúc, gia cố 1 đoạn chiều dài 10 mét và đang gia cố tạm 2 đoạn chiều dài 70 mét. Tuy nhiên, để khắc phục những đoạn sạt lở tại các đê cồn và một số nơi trên đất liền thì địa phương gặp nhiều khó khăn như thực hiện theo Luật Đấu thầu và còn một số cơ chế chính sách chưa sát với thực tế.

sat-moi.jpg
Sạt lở bờ sông, bờ biển đang là vấn nạn ở ĐBSCL - Ảnh: L.X.C

Trong khi đó việc gia cố, khắc phục sạt lở đê cồn đòi hỏi phải thực hiện khẩn cấp, càng sớm càng tốt vì khi xảy ra sạt lở, vỡ đê cồn thì thiệt hại sẽ xảy ra trên diện rộng và nghiêm trọng hơn so với sạt lở trong đất liền; chi phí khắc phục cũng tăng lên gấp nhiều lần.

nuoc-1.jpg
Sóc Trăng đối mặt với thiếu nước vào mùa khô hạn - Ảnh: L.X.C

Đối với vấn đề nước sạch nông thôn, nhiều đại biểu HĐND tỉnh cho biết cử tri rất bức xúc, nhất là tình trạng thiếu nước sinh hoạt và chất lượng nước đôi lúc không đảm bảo vệ sinh. Cử tri kiến nghị Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh nâng cấp công suất các trạm cấp nước hiện có để đảm bảo đủ nước sử dụng; có kế hoạch đầu tư, kéo mới các tuyến ống nước nơi đông dân cư và vùng nông thôn đảm bảo đủ cung cấp nước cho người dân trong sinh hoạt, sản xuất. Đồng thời, kiểm tra thường xuyên chất lượng nước vì có nơi nước bị nhiễm phèn, không đảm bảo chất lượng.

moi.jpg
Vệ sinh môi trường đô thị cũng là vấn đề cấp bách ở TP.Sóc Trăng - Ảnh: L.X.C

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết hiện nay Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đang quản lý, vận hành 141 công trình cấp nước tập trung nông thôn, với tổng lưu lượng được cấp phép 114.708m3/ngày đêm, tổng chiều dài mạng tuyến công cấp nước đang quản lý hơn 3.541km, phục vụ cấp nước cho hơn 144.000 hộ dân nông thôn trên địa bàn các huyện, thị xã. Đến nay tỉ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 63%, cao hơn so với bình quân chung cả nước. Nhu cầu mở mạng cung cấp nước sạch nông thôn hiện nay khá lớn nhưng dựa vào nguồn lực Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh thì chưa đủ, mỗi năm đơn vị đầu tư mở rộng khoảng 50.000m đường ống, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân.

nuoc.jpg
Biến đổi khi hậu đang ảnh hưởng các tỉnh trong vùng ĐBSCL - Ảnh: L.X.C

Theo ông Nhã, tình hình nắng nóng gay gắt, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài thời gian qua làm nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt lưu lượng khai thác tại một số trạm cấp nước nông thôn trên địa bàn tỉnh. Qua rà soát, có tổng cộng 39 trạm cấp nước tại các huyện Mỹ Tú, Trần Đề, Kế Sách, Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên, thị xã Vĩnh Châu, thị xã Ngã Năm xảy ra tình trạng thiếu hụt lưu lượng khai thác. Để ứng phó với tình huống trên, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh khẩn truơng hoàn thiện các thủ tục xin phép tăng lưu lượng khai thác cho 39 trạm cấp nước (trong đó xin phép điều chỉnh lưu lượng khai thác 13 trạm; khoan thêm giếng tại 13 trạm; xin phép khai thác 13 trạm cấp nước đã được cấp phép khoan thăm dò nước dưới đất).

lau-1.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu phát biểu tại kỳ họp - Ảnh: L.X.C

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết việc cung ứng nước sinh hoạt, vấn đề vệ sinh môi trường, vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển là vấn đề hệ trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. UBND tỉnh đã yêu cầu các sở ngành liên quan tập trung ưu tiên, sớm khắc phục những hạn chế, đảm bảo tốt nhất nước sinh hoạt cho người dân.

Để giải quyết tình trạng này, người đứng đầu chính quyền tỉnh Sóc Trăng đưa ra các giải pháp như ưu tiên nâng công suất nhà máy cấp nước. Thường xuyên giám sát, kiểm tra chất lượng nước sinh hoạt, xử lý nghiêm nếu chất lượng nước sinh hoạt không đảm bảo. Tỉnh cũng chỉ đạo việc kết nối, chia sẻ giữa trung tâm, công ty cấp nước của tỉnh để khắc phục tình trạng thiếu nước cục bộ tại một số khu vực. Lập đề án cấp nước đô thị, làm cơ sở đầu tư, kêu gọi đầu tư các nhà máy nước giai đoạn tới. Tăng cường các biện pháp chống sạt lở và vệ sinh môi trường đô thị, nông thôn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sóc Trăng: Vấn đề môi trường lại nổi bật tại kỳ họp HĐND tỉnh