Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã có buổi làm việc với một số doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu lớn nhất của tỉnh, qua đó tìm hướng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp ...
Theo thông tin, trong 7 tháng đầu năm 2021, dù còn nhiều khó khăn, tromg đó ảnh hưởng không nhỏ do dịch bệnh COVID-19 kéo dài, Sóc Trăng vẫn cố gắng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế dương (trên 3,7%).
Một số chỉ tiêu quan trọng khác như tổng sản lượng thủy hải sản đạt 147.230 tấn, tăng 6,54%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 16.481 tỉ đồng, bằng 57,83% kế hoạch và tăng 15,68% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu đạt 750 triệu USD, bằng 75% kế hoạch và tăng 27,3% so cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản lần đầu tiên vượt qua Cà Mau và đứng đầu cả nước với mức tăng 36,3% (cả nước tăng 14%); gạo xuất khẩu cũng tăng 62,36% so với cùng kỳ.
Nhưng tác động của dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh lâm vào tình trạng khó khăn. Trong 7 tháng qua, toàn tỉnh có 110 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh hoặc giải thể, gây ảnh hưởng đến hàng chục nghìn lao động.
Các doanh nghiệp nông nghiệp đang chịu tác động mạnh bởi dịch bệnh, gây khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Ngoài ra, những biện pháp hạn chế đi lại, lưu thông cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo áp lực tài chính lớn cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải duy trì hoạt động thu mua, chế biến để đảm bảo việc làm cho công nhân, tiêu thụ nguyên liệu cho nông dân, không làm ảnh hưởng đến nhu cầu lương thực, thực phẩm người dân cũng như đảm bảo an ninh lương thực về lâu dài.
Theo các doanh nghiệp, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, việc đi lại của công nhân gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều phương tiện không được chở công nhân “vượt chốt”, có khi buộc phải cho công nhân xuống tại điểm chốt dù đường về nhà của họ còn 5 - 7km. Như vậy là áp dụng quá cứng nhắc khiến công nhân đi lại khó khăn và đề nghị các ngành, địa phương xem xét, tạo điều kiện cho người dân sản xuất, nuôi trồng thủy sản lưu thông.
Đồng thời tỉnh cần có chính sách hỗ trợ xúc tiến xây dựng nhà ở cho công nhân cũng là tạo điều kiện có thể thực hiện "3 tại chỗ" trong tình hình dịch bệnh như hiện nay. Bởi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh do phải duy trì sản xuất “3 tại chỗ” và phần lớn các cơ sở sản xuất, công nhân lao động chưa tiêm vắc xin, nguy cơ rủi ro trở thành ổ dịch khi có ca nhiễm. Các doanh nghiệp không bố trí được phương án “3 tại chỗ” thì việc bố trí đưa đón công nhân cũng gặp khó khăn bởi họ không ở tập trung và phải đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch…
Theo ông Nguyễn Thanh Trong, Trưởng Ban Quản lý các khu Công nghiệp tỉnh Sóc Trăng, hiện khu Công nghiệp An Nghiệp Sóc Trăng có 15 công ty, doanh nghiệp hoạt động với khoảng 8.000 lao động. Trước khi dịch xảy ra có tới trên 40 doanh nghiệp với trên 22.000 lao động hoạt động trong khu công nghiệp. Dịch bệnh xảy ra khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tổ chức sản xuất, lưu thông nên nhiều doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” để đảm bảo hoạt động sản xuất an toàn và yêu cầu về tiến độ.
Ban quản lý thường xuyên tuyên truyền để các doanh nghiệp thực hiện đúng yêu cầu phòng chống dịch, thực hiện nghiêm thông điệp 5K vì nếu có người mắc dịch sẽ lây lan và ảnh hưởng nghiêm trọng tới cả công ty và khu công nghiệp.
Theo lãnh đạo Sở KH-ĐT tỉnh Sóc Trăng, để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, bên cạnh việc triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, tỉnh Sóc Trăng cũng đã thực hiện nhiều giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp trong mùa dịch. Có thể kể như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính qua mạng điện tử, nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích...
UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành và địa phương rà soát, cập nhật tình hình khó khăn của doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ và đã tháo gỡ hơn 20 khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - Trần Văn Lâu đánh giá cao đóng góp của các doanh nghiệp trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian qua. Tỉnh đã tích hợp 3 Chỉ thị 15, 16, 19 của Thủ tướng để áp dụng vào tình hình thực tế của địa phương, thay vì áp dụng tiếp Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ như các tỉnh, thành phố khác trong khu vực.
Việc phân vùng theo mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, từ vùng đỏ, cam, vàng đến xanh sẽ đem lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, người nông dân, tạo thuận lợi cho công nhân, người dân đi lại. Quản lý chặt ở vùng đỏ, nới lỏng dần ở vùng xanh, nhất là ở nông thôn cho người dân sản xuất, thu hoạch nông sản, lưu thông hàng hóa…
Với doanh nghiệp, ông Trần Văn Lâu cho rằng phải thực hiện nghiêm “3 tại chỗ” bởi đây là biện pháp tình thế, không khuyến khích lâu dài. Đồng thời, quản lý chặt công nhân vì nếu có 1 công nhân mắc bệnh sẽ bùng phát và gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp và khu công nghiệp.
Trong việc đi lại, chở hàng, thu mua nông sản, kiểm tra vùng nguyên liệu, doanh nghiệp phải đề nghị và tỉnh xem xét có thể cho mỗi doanh nghiệp 1 xe đi qua lại các chốt khi cần thiết. Với các doanh nghiệp đưa đón công nhân, nếu có thông báo trước với các chốt, cơ quan chức năng có thể cho xe đi qua vùng đỏ, vùng phong tỏa và đảm bảo phương án khử khuẩn, không dừng đỗ ở vùng nguy cơ cao…
Theo lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, tỉnh sẽ tạo điều kiện cho các chuyên gia, người nước ngoài về tỉnh theo yêu cầu của các doanh nghiệp để hỗ trợ trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng các dự án… với điều kiện phải cách ly 7 ngày với những người đã tiêm 2 mũi vắc xin và 14 ngày với người đã tiêm 1 mũi.
Quan điểm của Sóc Trăng tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhưng cũng tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra.
Hiện nay, Sóc Trăng đã kiểm soát, bao vây, ngăn chặn... dịch bệnh khá tốt trong thời gian qua và cần phát huy để việc sản xuất phải an toàn và an toàn để sản xuất tốt, giữ vững sao cho mỗi doanh nghiệp như một pháo đài chống dịch, mỗi công nhân, người lao động như một chiến sĩ trong phòng, chống dịch.