Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp Hội đồng cấp tỉnh đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ (đợt 6) đối với 2 công trình.

Sóc Trăng: Hai công trình về lúa và sách được đề nghị giải thưởng lớn

Vũ Phong | 13/03/2021, 16:45

Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp Hội đồng cấp tỉnh đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ (đợt 6) đối với 2 công trình.

Đó là công trình Nghiên cứu, chọn tạo và phát triển giống lúa thơm Sóc Trăng ST24 và ST25, giai đoạn 2008 - 2016 của kỹ sư Hồ Quang Cua và cộng sự (đồng tác giả) là tiến sĩ Trần Tấn Phương, thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương. Công trình thứ 2 là bộ sách giáo khoa tiếng Khơme của Nhà giáo Nhân dân Lâm Es.

cua.jpg
Kỹ sư Hồ Quang Cua đi thăm đồng - Ảnh: Vũ Phong

Theo bà Ngọc, các thành viên hội đồng thống nhất đề xuất khen thưởng 2 công trình nói trên. Công trình nhân giống lúa ST24 và ST25 đã nâng tầm gạo Việt, được thế giới công nhận, đặc biệt là nâng cao giá trị sản phẩm để giúp nông dân trồng lúa có thu nhập cao hơn, điều đó mới là ý nghĩa thật sự. Công trình Bộ sách giáo khoa tiếng Khơme có ý nghĩa quan trọng trong phục vụ giảng dạy, không chỉ cho đồng bào Khơme ở Sóc Trăng mà cho cả khu vực Nam Bộ. Bên cạnh đó, bộ sách còn được sử dụng để bồi dưỡng tiếng Khơme cho cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh theo đề án của Tỉnh ủy.

Những người nâng tầm thương hiệu gạo Việt

Những năm qua, người tiêu dùng trong nước rất ấn tượng với thương hiệu gạo thơm Sóc Trăng (ST) của kỹ sư Hồ Quang Cua cùng các cộng sự. Đặc biệt hơn, gạo mang thương hiệu ST của ông đã chinh phục đỉnh cao trong làng gạo ngon thế giới. Năm 1978, tốt nghiệp kỹ sư ngành trồng trọt, ông Hồ Quang Cua về Sóc Trăng và công tác tại Phòng Nông nghiệp H.Mỹ Xuyên. Sau đó ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng cho đến lúc nghỉ hưu.

Từ năm 1991, ông tham gia nhóm nghiên cứu của Viện Lúa ĐBSCL và Trường đại học Cần Thơ, sưu tập, thử nghiệm các giống lúa thơm cổ truyền của Việt Nam, Thái Lan và Đài Loan. Cũng trong thời gian này, ông đã có ý tưởng làm lúa thơm cao cấp cho Việt Nam, mà trước hết là cho quê hương Sóc Trăng của mình. Năm 1996, trong một lần xuống đồng, ông phát hiện có những cây lúa lạ, gốc màu tím, hạt thon dài rất đẹp. Vốn là người mê cây lúa, đang ôm ấp ước mơ nâng tầm cây lúa Sóc Trăng và là người có tư duy nhạy bén, khi thấy những cây lúa “không giống ai” đó, ông như người trúng số đặc biệt.

cua-1.jpg
Nhóm tác giả cùng khách tham quan và sản phẩm lúa ST - Ảnh: Vũ Phong

Từ sự tình cờ đó, công trình lai tạo, nhân giống với hàng loạt giống lúa thơm mang tên ST được ra đời. Có khoảng 1.050 cá thể đột biến ban đầu được ông cùng các cộng sự thu thập và sau đó tiến hành trồng thử nghiệm, rồi cho lai tạo theo nhiều cách khác nhau để chọn những cá thể vượt trội nhất đưa vào sản xuất. Năm 2017, tại Hội nghị Quốc tế lần 9 về mua bán gạo do tổ chức The Rice Trader (Tổ chức Thương mại gạo) tổ chức tại Ma Cao, trước các chuyên gia ẩm thực nổi tiếng của thế giới, gạo ST24 có những phẩm chất vượt trội như ngắn ngày, hạt gạo dài, trắng trong, dẻo cơm, thơm thoảng hương lá dứa... đã được chọn và vinh danh là một trong 3 loại gạo ngon nhất theo tiêu chuẩn gạo ngon thế giới, và đoạt giải Nhất gạo ST24 hữu cơ tại Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ 3 tổ chức tại Long An năm 2018.

Năm 2019, cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới (World's Best Rice do The Rice Trader) tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tại Manila (Philippines) từ ngày 10 - 13.11, có sự tham gia của hơn 20 doanh nghiệp kinh doanh gạo quốc tế, Việt Nam cùng hàng trăm nhà xuất nhập khẩu gạo lớn trên thế giới quy tụ về đây tranh tài. Kết quả, gạo ST25 của doanh nghiệp Hồ Quang (Sóc Trăng) đã xuất sắc vượt qua gạo Thái Lan, giành giải Nhất cuộc thi gạo ngon nhất thế giới 2019. Năm 2020, ST25 lại đoạt giải Nhì tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới tổ chức tại Mỹ.

Theo kỹ sư Hồ Quang Cua, gạo thơm ST25 được nghiên cứu lai tạo từ năm 2008. Năm 2016, ST25 bắt đầu nổi tiếng tại các thị trường tiêu thụ gạo mạnh như chợ gạo Tân Trụ (tỉnh Long An), chợ gạo Bà Đắc (tỉnh Tiền Giang). Gạo ST25 được bình chọn là gạo đạt chuẩn hạt dài, trắng trong, không bạc bụng, khi nấu cơm dẻo thơm, khi để nguội cơm vẫn ngon, không bị cứng. Người tiêu dùng đánh giá gạo ST25 là loại gạo thuộc nhóm hảo hạng trong thị trường gạo hiện nay. Đặc biệt, loại gạo này có hàm lượng đạm cao nên phù hợp với người mắc bệnh đái tháo đường, cả người già và trẻ em. Đây cũng là loại đặc sản nổi tiếng ở Sóc Trăng, được người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Về đặc tính, ST25 là giống lúa cứng và cao cây (110 - 115cm), lá xanh bền, lâu tàn nên nuôi hạt tốt, thân cứng nếu bón phân cân đối, không đổ ngã. Giống lúa này không nhiễm bệnh sọc trong, đạo ôn lá và khoan cổ bông... Trong điều kiện thời tiết tốt, năng suất ST25 có thể đạt 8,5 tấn/ha, trung bình khoảng 6 - 7 tấn/ha. Gạo ST25 (cùng các loại gạo mang thương hiệu ST) đã “đóng dấu” tên tuổi trong các nhà khoa học, nhà nhập khẩu và các đầu bếp nổi tiếng thế giới. Lúa thơm ST đã góp phần đưa sản lượng lúa ở tỉnh Sóc Trăng có sự bứt phá ngoạn mục.

Năm 2017, tổng sản lượng lúa toàn tỉnh Sóc Trăng đạt trên 2 triệu tấn; trong đó, lúa thơm và lúa đặc sản chiếm trên 50%; năm 2018, tổng sản lượng lúa của tỉnh đạt trên 2,1 triệu tấn; năm 2019, sản lượng lúa cũng đạt trên 2 triệu tấn, lúa đặc sản ước đạt trên 1 triệu tấn. Với những đóng góp cho ngành nông nghiệp, kỹ sư Hồ Quang Cua và nhóm nghiên cứu của ông đã nhận được 7 Huân chương Lao động, 2 giải thưởng Bông lúa vàng của Bộ NN-PTNT, đoạt hạng Nhất trong tất cả các cuộc thi trong nước, được Tổ chức Lương nông quốc tế (FAO) chứng nhận thành tựu.

cua-2.jpg
Trại nghiên cứu lúa giống của ông Cua - Ảnh: Vũ Phong

Riêng cá nhân kỹ sư Hồ Quang Cua 2 lần vinh dự được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề cử là đại biểu dự Vinh quang Việt Nam (năm 2014 và 2017). Năm 2011, ông được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất và năm 2012 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động.

Người biên soạn bộ sách giáo khoa tiếng Khơme

Là giáo viên người dân tộc Khơme đầu tiên và cũng là duy nhất hiện nay được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, sau khi nghỉ hưu, thầy Lâm És (nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng, hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng) vẫn nặng lòng với công tác khuyến học.

Thầy Lâm És sinh năm 1940, ở ấp Trà Tép, xã Thạnh Phú (H.Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) trong gia đình nông dân Khơme. Thuở nhỏ, thầy rất ham học, dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Thầy được mẹ gửi lên chùa Đại Tâm học chữ, học kinh sách. Khó khăn hơn người, nhưng thầy Lâm És rất chăm chỉ học tập và học giỏi; được dạy chữ miễn phí ở chùa Đại Tâm từ kinh kệ, triết lý Phật giáo Nam tông đến đạo làm người và kiến thức phổ thông khoa giáo. Học hết lớp 5, thầy Lâm És thi đạt học bổng vào trường danh tiếng Trung học đệ nhất cấp Khai Trí ở TX.Sóc Trăng. Hết lớp 9, thầy lại quay về chùa Đại Tâm, nối bước thầy mình trở thành giáo viên dạy miễn phí cho học sinh nghèo và bắt đầu con đường tự học.

tg.jpg
Nhà giáo Nhân dân Lâm És - Ảnh: Vũ Phong

Thầy Lâm És cho biết việc dạy học vừa củng cố kiến thức đã có vừa đặt ra những yêu cầu mới để tự học. Thầy bắt đầu học thêm ngoại ngữ, tiếng Anh, tiếng Pháp và cũng dạy cho học trò. Chùa Đại Tâm thời ấy là ngôi chùa đầu tiên có các lớp học miễn phí dạy cả tiếng Việt, tiếng Khơme và ngoại ngữ Anh, Pháp. Thầy coi chuyện học ở người giỏi hơn để truyền cho người chưa biết là trách nhiệm và niềm vui lớn nhất trong cuộc sống. Sau ngày đất nước thống nhất, thầy về công tác ở Ty Giáo dục tỉnh Hậu Giang (cũ). Vừa làm, thầy vừa hoàn thành bậc học phổ thông, rồi học đại học và đồng thời tập hợp tư liệu, kinh nghiệm giảng dạy để hệ thống thành sách hướng dẫn dạy tiếng Khơme cho các cán bộ trẻ, bắt tay vào soạn thảo bộ sách dạy song ngữ Khơme - Việt cho học sinh phổ thông. Đó chính là ước mơ mà thầy đã ấp ủ bao năm mới thực hiện được.

tg-2.jpg
Một phần trong số những công trình của thầy Lâm És - Ảnh: Vũ Phong

Bộ sách giáo khoa tiếng Khơme do thầy chủ biên được tái bản nhiều lần và trở thành bộ sách được sử dụng chính thức cho hoạt động dạy và học tiếng Khơme cho đến nay. Ngoài ra, thầy Lâm És còn có nhiều công trình liên quan đến việc dạy và học tiếng Khơme có tầm ảnh hưởng toàn quốc. Đến nay, thầy Lâm És có khoảng 100 đầu sách được xuất bản, trong đó có 53 đầu sách mang tầm quốc gia, số còn lại là sách phục vụ cho địa phương. Trong đó có nhiều bộ sách có giá trị như: Bộ sách ngữ văn Khơme cho học sinh phổ thông từ tiểu học đến THCS; bộ sách dành cho Trường bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ từ lớp 10 đến lớp 12; bộ sách ngữ văn Khơme cho học sinh phổ thông từ lớp 1 đến lớp 9; giáo trình giảng dạy chữ Khơme ở các trường trung học sư phạm, cao đẳng sư phạm… Đặc biệt từ năm học 2005-2006, bộ sách mới chữ Khơme dành cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số được chính thức đưa vào giảng dạy.

tg1.jpg
Thầy Lâm És với những bộ sách của mình - Ảnh: Vũ Phong

Công trình nghiên cứu, biên soạn sách giáo khoa của thầy đều hướng đến mục đích giúp người học chữ Khơme dễ đọc, viết đúng. Những bộ sách chữ Khơme do thầy soạn thảo được Bộ GD-ÐT đánh giá rất cao. Ðó là những công trình khoa học sáng tạo, hữu ích cho việc bồi dưỡng giáo viên dạy song ngữ Việt - Khơme ở Nam Bộ. Đánh giá về những bộ sách chữ Khơme do thầy soạn thảo, Giáo sư Bùi Khánh Thế, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT khẳng định: “Đó là những công trình khoa học sáng tạo, hữu ích cho việc bồi dưỡng giáo viên dạy song ngữ Việt - Khơme ở Nam Bộ”.

Không chỉ tập trung đầu tư cho biên soạn sách, thầy Lâm És còn thường xuyên tham gia dạy lớp ngữ văn Khơme cho những nơi có nhu cầu. Mong muốn của thầy là đem kiến thức cho mọi người dân Khơme để bà con nâng cao trình độ nhận thức, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục, thầy Lâm És vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (1994), Nhà giáo Nhân dân (2002, là Nhà giáo Nhân dân đầu tiên của khu vực ĐBSCL và duy nhất của người Khơme trên cả nước cho đến nay), Huân chương Lao động hạng ba (2008); hơn 20 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Ủy ban MTTQ tỉnh Sóc Trăng…

Bài liên quan
Trường đại học Cần Thơ khai giảng khóa đầu tiên đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Sóc Trăng
Sáng ngày 24.11, tại tỉnh Sóc Trăng, Trường đại học Cần Thơ đã tổ chức lễ khai giảng khóa đầu tiên đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Sóc Trăng và tiếp nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuẩn bị cho việc thành lập Phân hiệu Đại học Cần Thơ tại Sóc Trăng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
3 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sóc Trăng: Hai công trình về lúa và sách được đề nghị giải thưởng lớn