Pho tượng bằng đá chưa xác định được là vua hay vị thần của người Khơme 2 lần phát hiện trên phần đất gần chùa Bốn Mặt ở xã Phú Tân, H.Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Sau khi phát lộ, pho tượng được người dân thờ cúng, tháp nhang bái lạy trước khi được đưa vào chùa thờ tự.

Sóc Trăng: Chuyện về pho tượng bằng đá ở chùa Bốn Mặt

Nguyên Việt | 17/07/2020, 11:19

Pho tượng bằng đá chưa xác định được là vua hay vị thần của người Khơme 2 lần phát hiện trên phần đất gần chùa Bốn Mặt ở xã Phú Tân, H.Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Sau khi phát lộ, pho tượng được người dân thờ cúng, tháp nhang bái lạy trước khi được đưa vào chùa thờ tự.

Đang xác định là tượng vua hay thần

Chiều 11.7 vừa qua, khi trời đang mưa một số đứa trẻ chạy chơi ở khu vực đất gần chùa Bốn Mặt ở ấp Phước Thuận, xã Phú Tân, H.Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng thì tình cờ phát hiện 1 pho tượng bằng đá màu đen. Thông tin nhanh chóng được lan truyền, người dân nhanh chóng đưa pho tượng về làm sạch và thông báo với nhà chùa. Trước khi được đưa vào chùa, người dân đã thắp hương bái lạy quanh pho tượng để cầu phước lành. Trụ trì chùa Bốn Mặt sau khi tiếp nhận tượng từ người dân cũng đã trình báo lên chính quyền địa phương và ngành chức năng.

Bức tượng cao gần 1 mét, chỉ còn từ đầu gối trở lên, 2 phần tay có dấu bị đứt, gãy. Bức tượng cũng được nghi là tượng thần Vishnu. Thần Vishu là vị thần đứng đầu trong tam thần ở Ấn Độ, gồm thần Vishnu (thần bảo hộ hay bảo tồn), thần Shiva (thần hủy diệt) và thần Brahma (thần sáng tạo). Dù vậy, vẫn có ý kiến cho rằng, bức tượng này là của 1 vị vua nào đó, không phải thần. Sở VH-TT&DL tỉnh Sóc Trăng hiện đã phối hợp với ngành chức năng để làm rõ nguồn gốc pho tượng này.

Dù pho tượng đã được đem đi, nhưng ở nơi phát hiện vẫn khiến nhiều người dân đến bái lạy - Ảnh: Thanh Nguyên

Trước tình hình người dân kéo đến chùa quá đông để tham quan, cúng bái tượng, chính quyền địa phương cũng đã cử lực lượng đến giữ gìn an ninh trật tự. 2 ngày sau khi phát hiện tượng, UBND H.Châu Thành cũng đã có báo cáo gửi Sở VH-TT&DL Sóc Trăng về diễn biến vụ việc trên. Theo đó, thật bất ngờ khi trước đó, pho tượng này đã từng được phát hiện nhưng không ai quan tâm, cho đến khi được các đứa trẻ nhìn thấy.

Theo UBND H.Châu Thành, trước đó trong khi thi công khu Văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiêng nằm phía sau chùa Bốn Mặt, một số công nhân đã dùng máy múc vớt được pho tượng này cùng bùn đất từ Giếng Tiên lên. Thấy pho tượng không có gì đặc biệt, công nhân mang tượng lẫn bùn đất đem đổ ở bãi đất trống cách đó, vài trăm mét. Đến khi trời mưa làm trôi bùn đất lộ ra pho tượng và được các em nhỏ đang chơi đá bóng phát hiện thêm lần nữa.

Chùa Bốn Mặt có tên gọi chính thức là chùa Buôl Pres Phek, được xây dựng cách đây khoảng 500 năm, nằm trong phần diện tích khoảng 6,5 héc-ta đất. Với kiến trúc thẩm mỹ độc đáo, chùa được tỉnh Sóc Trăng công nhận là di sản văn hóa - lịch sử vào năm 2017. Gọi là chùa Bốn Mặt là vì có sự liên quan đến truyền thuyết về hình ảnh của 1 bức tượng có 4 mặt hướng về 4 hướng. Mỗi hướng gồm 5 vị phật được đồng bào dân tộc Khơme tôn thờ. Bức tượng được tìm thấy trong khi khai phá đất hoang. Vì cho đây là điềm lành nên gần 500 năm trước người dân đã xây dựng chùa và đưa tượng phật vào thờ.

Hàng loạt dịch vụ ăn theo pho tượng

Từ lâu, chùa Bốn Mặt cùng với các ngôi chùa nổi tiếng khác ở Sóc Trăng là điểm du lịch tâm linh thu hút du khách gần xa đến tham quan và cúng bái. Một trong những điểm thu hút khách của chùa Bốn Mặt là gắn liền với truyền thuyết về Giếng Tiên, với những câu chuyện giáo dục sự cần cù, sáng tạo trong lao động. Vốn dĩ đã là điểm đến của du khách và tín đồ Phật giáo trong vùng, nên từ khi những đứa trẻ phát hiện pho tượng, dòng người đổ về đây ngày một đông.

Với những bọc đất như thế này, đám trẻ sẽ kiếm được vài chục ngàn đồng - Ảnh: Thanh Nguyên

Từ đó các dịch vụ buôn bán nhang đèn, ăn uống… được người dân mở ra khắp nơi trong sân chùa. Đặc biệt, ở bãi đất trống gần chùa, nơi phát hiện pho tượng, những đứa trẻ địa phương còn múc những phần đất lớn hơn nắm tay, cho vào bọc nilon để bán cho du khách. Chúng bảo coi như đây một phần quà mang phước lành.

Tiếp xúc trực tiếp với những đứa trẻ trên dưới 10 tuổi này, chúng cho biết, đất này không có giá, ai muốn cho 5.000 - 10.000 đồng/bọc đều được. Nhiều người dân mua một lúc mấy bọc đất và cho biết rải trong phần đất của mình để cầu an. “Giống như mình nuôi cá, nuôi tôm thì mình thả đất này xuống để cho nó trúng mùa”, 1 người phụ nữ tay xách mấy bọc đất cười giải thích.

Giếng Tiên nằm trong khu văn hóa tín ngưỡng với vốn đầu tư 200 tỉ đồng - Ảnh: Thanh Nguyên

Cạnh nơi phát hiện pho tượng, gần lò hỏa thiêu của chùa, 2-3 quầy bán nhang nhanh chóng mọc lên phục vụ cho người có nhu cầu. Ở nơi phát hiện pho tượng, phần đất được đào tạo thành 1 hố nhỏ bằng một cái giưòng vẫn được người dân quỳ lạy và nhang khói xung quanh. Sự hiếu kỳ về pho tượng khiến người dân ở các huyện lân cận cũng cất công tới để tận mắt chứng kiến và thắp nhang bái lạy, cầu phước lành.

Trong khu vực đặt tượng, lúc nào cũng có hàng chục người quỳ xụp, bái lạy pho tượng, có người còn tới sờ bức tượng, vừa sờ vừa khấn nhỏ trong miệng. Ngoài khách đang thắp hương cúng báo, còn có vài ba người bán vé số chìa ra mời khách ngay trong khu vực này. Ở trước cửa, cũng 2-3 quầy bán nhang, nước để phục vụ khi khách cần.

Ở sân chùa, hàng chục xe bán hàng, quầy giải khát mọc lên khắp nơi, người dân bán từ bánh mì, áo quần, nước mía, đồ chơi trẻ em, trái cây, kem… mặc dù trước lối đi, trụ trì chùa đã để bảng thông báo cấm tuyệt đối được mua bán trong khu vực này. Hỏi 1 người dân địa phương, anh cho biết đang làm cho công trình Giếng Tiên ở sau chùa. Anh cho biết: “Lúc trước chùa không cho bán buôn gì ở trong sân đâu, có một khu vực khác bên kia mới được buôn bán. Không hiểu sao nay lại cho bán như vậy”.

Cảnh buôn bán nhộn nhịp trong sân chùa - Ảnh: Thanh Nguyên

Ở khu vực Giếng Tiên đang được thi công, một vài người dân ở xa đến hỏi nhau đây có phải là Giếng Tiên không rồi tự đưa ra phỏng đoán: “Chắc là phải”. 1 người đàn ông ngoài 50 tuổi cùng gia đình vượt hàng chục cây số từ TX.Vĩnh Châu lên nói: “Nghe bà con đồn quá, mình đưa gia đình mình lên chơi. Phần nữa cũng tò mò về Giếng Tiên, hồi nhỏ nghe ông bà kể lại nhiều chuyện cũng hay lắm”.

Theo người đàn ông này, Giếng Tiên ngoài mang ý nghĩa giáo dục về sự cần cù, sáng tạo trong lao động, người dân còn kể cho nhau nhiều câu chuyện vui. “Ông bà tôi kể hồi xưa đàn ông với đàn bà tổ chức thi đào giếng. Phái nào đào thua thì sau này khi cưới hỏi phải mang sính lễ đi cưới phái kia. Đàn bà sức yếu hơn nên khi đào họ dùng “khổ nhục kế” là cởi áo. Đàn ông thấy vậy thì ham nhìn ngực đàn bà mà không chịu đào, vậy là thua cuộc”, vậy là sau này, đàn ông Khơme khi muốn lấy vợ phải mang sinh lễ tới nhà gái, chủ động hỏi cưới.

Một lãnh đạo UBND H.Châu Thành cho biết, sau khi nhận được thông tin, địa phương đã tiến hành xác minh và nhận định, trước đây khi làm công trình chùa, tượng đá được dùng gắn xung quanh nhưng do tượng bị hỏng nên bỏ, qua thời gian tượng bị bồi lấp. Vừa qua, trong lúc dự án khu du lịch Giếng Tiên san lấp mặt bằng, công nhân đào được và để trên ruộng. Sau đó, người dân phát hiện và đưa về chùa. Cũng theo vị lãnh đạo huyện này, địa phương cũng đã giải thích với người dân, đây không phải là tượng cổ!

Một người bán vé số vào hẳn trong khuôn viên đặt tượng để mời mua vé số - Ảnh: Thanh Nguyên

Trước đó, ngày 20.2.2020, UBND H.Châu Thành cùng với 1 doanh nghiệp ở TP.HCM tổ chức lễ khởi công khu Văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên với vốn đầu tư 200 tỉ đồng. Dự án rộng 9,9 héc-ta, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2025 với các hạng mục như phục dựng Giếng Tiên, phục dựng nhà truyền thống, xây bảo tàng trưng bày hiện vật và phục dựng tất cả các lễ hội của đồng bào Khơme...

Với công trình này, tỉnh Sóc Trăng mong rằng sẽ gắn kết được các hoạt động du lịch văn hóa tâm linh truyền thuyết về tháp Bốn Mặt Phật (chùa Bốn Mặt) và chùa Chămpa của H.Châu Thành. Đồng thời kết nối với các điểm du lịch tâm linh của các chùa khác ở Sóc Trăng như chùa Dơi, chùa Chén Kiểu, chùa Khleang, chùa Đất Sét... Việc kết nối này sẽ khai thác các điểm mua sắm, dừng chân của du khách, thu hút khách trong và ngoài nước đến Sóc Trăng để tham quan.

Thanh Nguyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chốt lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và các ngày lễ năm 2025
5 giờ trước Sự kiện
Công chức, viên chức được nghỉ Tết Nguyên đán 2025 từ ngày 25.1 - 2.2.2025 (26 tháng chạp năm Giáp Thìn đến mùng 5 tháng giêng năm Ất Tỵ).
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sóc Trăng: Chuyện về pho tượng bằng đá ở chùa Bốn Mặt