Sài Gòn chiều đổ mưa tầm tã, trong một căn phòng tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM), Nguyễn Thị Hằng – người vợ không hôn thú của Hồ Duy Trúc cố gắng dỗ đứa con đang khóc thét. Hằng ái ngại nói với tôi: “Nó đang đói lại bị bệnh mấy hôm nay rồi. Nó bị suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ”…
Sinh con một mình giữa bi kịch
Hồ Duy Trúc cùng đồng bọn “chém trước cướp sau” gây rúng động dư luận đã phải trả giá bằng án tử hình đã được tuyên. Gây ra nỗi đau cho mười mấy gia đình nhưng có lẽ Hồ Duy Trúc không ngờ nỗi đau lớn nhất mà anh ta gây ra lại là cho chính cha mẹ, vợ con mình. Người vợ không hôn thú của hắn phải vạ vật khắp nơi rồi sinh con một mình vì không dám về nhà. Hiện, người vợ đó vẫn phải kiếm tiền để chăm sóc đứa con luôn ốm đau vì bị suy dinh dưỡng và hàng tháng vào thăm để tranh thủ cho con nhìn mặt cha những lần cuối cùng.
Hằng kể, cách đây 14 năm, mẹ cô qua đời trong vụ tai nạn giao thông. Lần đó, gia đình phải vét sạch sẽ của cải để chạy chữa cho mẹ nhưng cũng không được. Sau khi mẹ mất, Hằng và anh trai phải nghỉ học, người anh phải qua ở nhà cậu ruột, còn Hằng ở với cha ngày ngày phụ ông bán bong bóng trước cổng trường tiểu học. Cuộc sống của hai cha con cứ trôi qua trong sự khó khăn, hiu quạnh.
Tháng 10-2012, Hằng được người bạn gái tên L (là người yêu của Luông – đồng phạm trong vụ án Hồ Duy Trúc), rủ lên Sài Gòn chơi. Tại đây, Hằng đã gặp Trúc và hai trái tim non trẻ đã vồ vập lấy nhau trong một tháng cô ở Sài Gòn. Về Ninh Thuận được 15 ngày, Trúc gọi điện cho Hằng lên Sài Gòn sống luôn cùng anh ta, vì lỡ nhớ nhau quá rồi. Hằng tức tốc khăn gói quả mướp lên đường theo tiếng gọi của tình yêu. Khi Hằng tới, nhóm “đồng bọn” của Trúc nhanh chóng dạt đi để lại căn phòng trọ cho đôi uyên ương.
Khi đó Hồ Duy Trúc nói dối người yêu làm nghề sửa chữa điện lạnh. Để củng cố niềm tin, Trúc dẫn Hằng tới tận công ty anh ta làm. Hằng xin được công việc khâu bao bì ở đường Tân Quỳ Tân (Bình Tân, TP.HCM) với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Thương cha ở nhà già nua vẫn phải đi bán dạo, Hằng gửi tiền về và bảo cha nghỉ làm. Gần hết đời mới được đứa con gái báo hiếu, ông như người sống trên cõi tiên. Nhưng mới được vài tuần thì cô con gái lết “thân tàn ma dại” về nhà. Ông chết đứng khi nghe con thông báo đang mang thai của kẻ “chặt tay cướp SH” vừa bị bắt làm cả xã hội phẫn nộ. Hằng kể: “Cha em không đánh chửi cũng không nói nhiều. Ông khóc suốt và lạch cạch quay lại với nghề bán bong bóng dạo. Những người thân khác thì la mắng thậm tệ và không đồng ý cho Hằng giữ lại cái thai”.
Phía gia đình Trúc cũng ai oán Hằng rằng biết thằng Trúc thế mà không khuyên nhủ. Hằng cố gắng giải thích cho mọi người hiểu, cho đến lúc Trúc bị bắt cô mới biết người yêu mình là tướng cướp nhưng không ai nghe. Hằng cho biết, nếu ngày đó mà biết Trúc sống bằng nghề đi cướp thì cô không bao giờ trao thân gửi phận.
Đến khi biết thì mọi chuyện đã chẳng còn gì, Hằng oán than Trúc sao lại là con người bất nhân như thế? Còn về cái thai, Hằng chỉ biết khóc, cô mang lý lẽ của tình yêu để biện minh: “Vì em thương anh Trúc, em muốn giữ lại giọt máu để chứng minh tình yêu. Em mặc kệ người đời cười chê, xúc xiểm em là con gái hư hỏng. Hơn nữa, đứa trẻ không có tội tình gì cả”. Trước sự thúc ép từ hai phái, Hằng còn không dám về nhà. Tiền không có ăn, cái thai 6 tháng được bác sĩ chẩn đoán bị suy dinh dưỡng trầm trọng. Là bà bầu, Hằng khô đét, gầy tong, không đêm nào cô ngủ tròn giấc.
Nhưng rồi đây, số phận hai mẹ con Nguyễn Thị Hằng sẽ về đâu khi tướng cướp Hồ Duy Trúc trả giá cho tội ác |
Nước mắt của tướng cướp máu lạnh
Biết Hằng sinh con trai, đứa cháu nội duy nhất nối dõi dòng tộc Hồ Duy khi cha con bị xử tử nên vợ chồng bà Út bắt đầu nguôi giận, quay sang nhận con dâu, nhận cháu nội. Thấy cuộc sống của mẹ con Hằng khốn khổ, ông Hồ Duy Tùng bà Trần Thị Út bảo Hằng sang nhà phụ bán hoa quả, và để tiện chăm sóc. Lần đầu tiên, Hằng được sống trong cảnh “danh chính ngôn thuận với vai trò nàng dâu. Nhưng cùng sau phiên phúc thẩm, án tử hình treo lơ lửng trên đầu của Hồ Duy Trúc khiến không khí u ám nặng nề.
Giờ đây, khi Trúc đang đợi chờ ngày trả án với tội ác của mình trong lao lý thì Hằng vẫn đang vật vã với cuộc sống giữa Sài Gòn. Ngoài việc kiếm tiền để tự trang trải cuộc sống hàng ngày cô phải bế đứa con ốm yêu vì suy dinh dưỡng của mình đi hết viện nọ viện kia. Dù vậy, hàng tháng cô vẫn lặng lẽ ngược xuôi chuyến xe đò đi mấy chục km, tay xách nách mang, bế theo con vào trại giam Khám Chí Hòa thăm người chồng không hôn thú và bị cả xã hội lên án.
Bên tấm cửa sắt, Hằng ôm con nói chuyện câu được câu không với Trúc. Hằng bảo, mỗi lúc thăm đều cố khuyên nhủ Trúc phải sống tốt, sống đàng hoàng, dù khoảnh khắc thời gian còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cô mong có một sự màu nhiệm để Trúc có một cơ hội được sống, để đứa con còn có cha. Cô biết những tội lỗi của Trúc gây ra là không thể tha thứ nhưng kể từ ngày đứa con ra đời, cô tin chắc Trúc đã trở thành một con người khác. Vậy nhưng, lúc đối diện nhau, cô chỉ biết nín lặng, giấu những giọt lệ cay đắng vào lòng. Đứa con trai thơ dại nhìn Trúc, miệng bi bô lặp theo các từ do mẹ bày: “Ba!Ba! con yêu ba”.