Trưa 7.6, thí sinh hoàn thành môn thi cuối cùng (môn Toán) trong 3 môn thi bắt buộc của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025. Kết thúc giờ thi, nhiều thí sinh cho biết đề thi môn Toán có độ khó cao, các em dự đoán chỉ được 5 - 6 điểm.
Giáo dục

Sở GD-ĐT TP.HCM: Đề thi khó thì khó chung, không ảnh hưởng đến việc chọn nguyện vọng của học sinh

Tú Viên 18:00 07/06/2024

Trưa 7.6, thí sinh hoàn thành môn thi cuối cùng (môn Toán) trong 3 môn thi bắt buộc của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025. Kết thúc giờ thi, nhiều thí sinh cho biết đề thi môn Toán có độ khó cao, các em dự đoán chỉ được 5 - 6 điểm.

Chia sẻ về bài thi toán của mình, em Nguyễn Tuấn Minh (Trường THCS Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình) nói đề Toán có nhiều thử thách ở các câu hỏi toán thực tế, riêng câu hỏi hình học là dạng đề lạ nên nhiều bạn không làm được. Sau buổi thi môn Toán sáng nay, Tuấn Minh cho biết nhiều khả năng chỉ đậu nguyện vọng 2 chứ không đủ điểm đậu nguyện vọng 1.

Tương tự, thí sinh Đường Thu Hương chia sẻ, phần thực tế này thường dễ bị mất điểm vì toán thực tế khá khó. Hương khẳng định so với các năm trước đề Toán năm nay rất khó.

img_9166.jpg
img_9172.jpg
Phụ huynh hồi hộp chờ con thi - Ảnh: Tú Viên

Ghi nhận tại điểm thi Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1), các thí sinh nhận xét đề thi Toán năm nay khó, nhiều thí sinh bật khóc khi rời phòng thi. Còn tại điểm thi Trường THPT Hùng Vương (quận 5), nhiều em cũng cùng nhận định đề toán năm nay rất khó, nhất là ở phần toán thực tế, khiến các em có thể bị lỡ mất cơ hội đạt nguyện vọng mình mong muốn. Tại điểm thi này cũng có em bật khóc nức nở khi nghe được lời hỏi han của phụ huynh.

Trước các phản ánh của thí sinh và giáo viên về đề thi môn Toán khó hơn nhiều năm trước, chiều cùng ngày, tại buổi họp báo cung cấp thông tin liên quan đến kỳ thi lớp 10 năm học 2024-2025 ở TP.HCM, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết đề thi thể hiện tính phân hóa, có dễ có khó để chọn học sinh.

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP, đề thi lớp 10 là đề thi tuyển sinh, thông qua kỳ tuyển sinh sẽ chọn những em giỏi hơn, có năng lực cao hơn vào những trường tốp đầu, những em khá, trung bình thì vào các trường khác. Đề thi tuyển sinh không nói được khó hay dễ mà đề có tính phân hóa để kỳ thi đảm bảo theo yêu cầu tuyển học sinh theo đúng nguyện vọng của mình. "Đề thi khó thì khó chung, không ảnh hưởng đến quá trình chọn nguyện vọng của học sinh", ông Nam khẳng định.

aa.jpg
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM tại buổi họp báo chiều 7.6

Về chủ trương chung trong việc biên soạn đề thi lớp 10, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, thông tin:

Trước khi biên soạn đề thi lớp 10, hội đồng biên soạn sẽ xây dựng ma trận đề. Từ năm 2018 đến nay, hằng năm trong định hướng của Sở GD-ĐT TP.HCM đều có sự tăng thêm về tính vận dụng kiến thức vào thực tế để áp dụng giải quyết vấn đề đặt ra. Lượng câu hỏi nhiều hơn, đến thời điểm này hoàn tất chương trình GDPT 2006 để bước sang chương trình GDPT 2018 phù hợp với mục tiêu đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh chứ không chỉ là kiểm tra đánh giá nặng về kiến thức như trước đây.

Ông Hồ Tấn Minh cho biết từ năm 2014 đến nay, hằng năm việc ra đề thi đều tăng tính vận dụng kiến thức vào thực tế để giải quyết vấn đề đặt ra. Khó là mặt bằng chung, đồng thời trong quá trình chấm, hội đồng chấm thi sẽ cân nhắc xem đáp án như thế nào để đảm bảo công bằng cho tất cả học sinh.

Tổng số thí sinh đăng ký dự thi tuyển sinh lớp 10 năm nay là 98.681 em.

Trong môn văn, có 98.418 thí sinh đến dự thi, vắng 263. Môn ngoại ngữ có 98.375 thí sinh dự thi, vắng 306. Môn toán có 98.361 thí sinh dự thi, vắng 320. Buổi thi chuyên có 7.574 thí sinh, vắng 50.

Có 2 trường hợp nữ sinh để điện thoại trong váy mang vào phòng thi bị giám thị phát hiện và lập biên bản. Các điện thoại này được đưa sang Phòng an ninh chính trị nội bộ kiểm tra và không phát hiện có dấu hiệu làm lộ, lọt đề thi ra ngoài.

Từ ngày mai 8.6, các hội đồng chấm thi sẽ bắt đầu làm việc. Ngày công bố kết quả thi là 20.6.

Từ ngày 21 đến 24.6, các thí sinh có thể nộp đơn xét phúc khảo. Việc chấm phúc khảo hoàn thành trước ngày 30.6.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
một giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sở GD-ĐT TP.HCM: Đề thi khó thì khó chung, không ảnh hưởng đến việc chọn nguyện vọng của học sinh