Ellen Johnson Sirleaf là tổng thống Liberia. Bà là nữ tổng thống đầu tiên và duy nhất cho tới hiện nay của châu Phi, và là người đạt giải Nobel hòa bình năm 2011 cùng hai nhà hoạt động nữ quyền khác vì những đóng góp cho phong trào đấu tranh quyền phụ nữ ở châu Phi. Thế nhưng, quan điểm về quyền con người của bà bị thử thách khi người ta nghe bà bà ủng hộ việc duy trì tội phạm hóa đồng tính ngay trong chính luật pháp Liberia.
Trước kia khi nhận giải Nobel, bà đã phát biểu rất cảm động “chúng tôi đã dùng nỗi đau của chúng tôi, những thân thể rạn vỡ của chúng tôi, những vết thương tinh thần của chúng tôi để đương đầu với sự bất công và nỗi sợ hãi của đất nước. Hỡi những người em gái, chị gái, hỡi những người con gái, bạn gái của tôi, hãy lên tiếng.”
Nhưng khi giải thích tại sao bà chống lại nhân quyền của người đồng tính, bà đã giải thích rất ngắn gọn: “Chúng tôi có những giá trị truyền thống mà chúng tôi muốn gìn giữ.”
Bà đã không nhớ rằng, bà đã từng phải dành cả đời mình để chống lại cái gọi là “giá trị truyền thống.” Và những người đàn ông cũng đã từng dùng chính “cây gậy” truyền thống của bà để tước đi quyền con người của phụ nữ.
Nhưng cũng có những nhận định cho rằng, ở bối cảnh đất nước như vậy, việc bà ủng hộ phi hình sự hóa đồng tính là “một liều thuốc tự sát chính trị.” Nghĩa là với cương vị lãnh đạo một đất nước vốn cực kỳ khắc nghiệt với người đồng tính, bà buộc phải có thái độ như vậy. Rốt cuộc, vượt qua được “truyền thống” bất bình đẳng với phụ nữ, không đồng nghĩa với đạt được bình đẳng cho tất cả mọi người.
Tổng thư ký Ban Ki-moon cho rằng thế giới sẽ bị tổn thương nếu con người vẫn phải chịu đựng sự phân biệt đối xử chỉ vì giới tính người mà họ yêu, hay vì bề ngoài của họ. Ông nhìn nhận “đây là một trong những thách thức về quyền con người to lớn và khó khăn nhất của thời đại chúng ta. Chúng ta phải sửa chữa những lỗi lầm này.”
“Một vài người sẽ phản đối việc thay đổi. Họ sẽ viện dẫn ra văn hóa, truyền thống hay tôn giáo để chống lại hiện thực. Những lập luận như vậy đã từng được dùng để biện minh cho chế độ nô lệ, cho hôn nhân với trẻ em, cho việc hiếp dâm trong hôn nhân hay tục loại bỏ bộ phận sinh dục nữ. Tôi tôn trọng văn hóa, truyền thống và tôn giáo – nhưng chúng không bao giờ có thể là lý do cho việc khước từ những quyền cơ bản.”
Câu chuyện ở Việt Nam
Ngày 10/9/2013 tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã trình bày về những nội dung trong dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, liên quan tới việc chung sống giữa hai người cùng giới. Theo đó dự thảo đã bỏ đi điều cấm kết hôn giữa hai người cùng giới tính, tuy nhiên khẳng định nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa họ, mà chỉ giải quyết một số hậu quả pháp lý về tài sản khi họ không còn chung sống với nhau.
Chính phủ cho rằng trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, nhà nước và pháp luật chưa nên thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính vì những điều kiện khách quan như sự đồng thuận của xã hội, những nghiên cứu rõ ràng hơn, và đặc biệt e ngại sự thích nghi của văn hóa và truyền thống của Việt Nam nói riêng, cũng như với tư cách một quốc gia châu Á.
Những nhà làm luật đều thừa nhận mọi người, trong đó có những người đồng tính, đều xứng đáng được hưởng quyền bình đẳng, trong đó có quyền mưu cầu hạnh phúc. Tuy nhiên ý kiến cho rằng người đồng tính cần phải có “lộ trình” để được bình đẳng. Nói cách khác, điều này cũng giống như tuyên bố: “Mọi người đều bình đẳng, nhưng một số người thì bình đẳng chậm hơn những người khác.”
Thực tế là bình đẳng không thể mặc cả, rằng hôm nay tôi cho anh một ít quyền và để dành phần còn lại cho ngày mai. Ngay khi nào được nhận ra đang tồn tại sự bất bình đẳng, thì bình đẳng cần được thực thi ngay. Nếu chúng ta biết rằng người đồng tính đáng được đối xử bình đẳng, tình yêu và mối quan hệ của họ cần được pháp luật thừa nhận và bảo vệ, thì câu trả lời cho thời điểm thích hợp nhất luôn luôn là: Bây giờ.
Việc cho rằng cần thiết phải có “lộ trình” để hợp pháp hóa hôn nhân giữa những người cùng giới là một suy nghĩ nguy hiểm. Tại sao các cặp khác giới không cần “lộ trình” mà cặp cùng giới phải cần? Có phải bản chất người đồng tính muốn kết hôn với người mình yêu thì cần phải chờ đợi người khác cho phép hay không? Tại sao người đồng tính không thảo luận, biểu quyết quyền kết hôn của người dị tính mà lại là ngược lại? Tại sao xem rằng hôn nhân cho người đồng tính là “đột phá” trong khi nó là quyền tối thiểu cơ bản mà công dân 18 tuổi nào cũng đều có?
Cần phải hiểu rằng “lộ trình” để hợp pháp hóa hôn nhân bình đẳng chỉ là lộ trình của kỹ thuật lập pháp, chứ nhất thiết không thể là lộ trình của sự bình đẳng. Nói một cách gay gắt, “bước tiến” này thực chất chỉ phục vụ cho tòa án vốn vẫn phải giải quyết những trường hợp như thế này. Nó chỉ giúp cho cơ quan nhà nước có thêm khung pháp lý để làm việc, chứ thật sự chưa mang lại những quyền lợi thiết thân cho người đồng tính.
Nhà nước luôn không chắc chắn rằng người dân sẽ ủng hộ hôn nhân bình đẳng không phân biệt giới tính, nhưng lại luôn chắc chắn về việc người dân sẽ phản đối mặc dù cả hai trường hợp đều là giả thuyết.
Bình đẳng nhưng tách biệt
Có ý kiến cho rằng người đồng tính chỉ cần chung sống, không cần đăng ký kết hôn vì hoàn toàn có thể dùng những quy định pháp luật hiện tại để bảo vệ quyền của các cặp cùng giới sống chung với nhau. Điều này đồng nghĩa người đồng tính buộc phải tự bảo vệ mình trước khi được pháp luật bảo vệ.
Lập luận này làm chúng ta nhớ đến câu chuyện “bình đẳng nhưng tách biệt” đã xảy ra trong lịch sử. Trong những năm thập niên 50-60 của thế kỷ trước, tại một số nhà vệ sinh công cộng ở Hoa Kỳ, có hai bồn rửa mặt, một dành riêng cho người da trắng, và một dành riêng cho người da đen. Lập luận “bình đẳng nhưng tách biệt” ở đây đó là “người da đen vẫn hoàn toàn có thể sử dụng bồn rửa mặt để đáp ứng nhu cầu của họ, như vậy cũng là bình đẳng rồi, không nhất thiết phải sử dụng chung bồn rửa mặt với người da trắng.”
Câu chuyện tương tự về quyền kết hôn của người đồng tính, “chỉ cần chung sống, không cần kết hôn.” Thực ra điều này cũng hoàn toàn đúng với những người dị tính, các cặp khác giới vẫn có thể sống với nhau mà không cần hôn nhân. Vậy tại sao họ vẫn muốn kết hôn, tại sao những người dị tính thì có quyền còn người đồng tính thì không, khi mà hai mối quan hệ đều dựa trên nền tảng là sự yêu thương, chia sẻ và cam kết?
Cuối cùng cũng chỉ là câu chuyện về sự bất bình đẳng. Đơn giản là một nhóm người cho rằng tôi có quyền kết hôn với người tôi yêu, còn anh chị thì không. Lý do bởi vì tôi cho rằng tôi bình thường, còn anh chị thì không. Đã có sự đánh tráo hai khái niệm: “số đông” với “bình thường”, và “số ít” với “bất thường.” Số người yêu người khác giới nhiều hơn không có nghĩa là người yêu người cùng giới là bất thường. Và pháp luật làm ra không phải phục vụ số đông hay tước đoạt quyền của số ít. Pháp luật là để bảo vệ tất cả mọi người.
Niềm tin ở sự thay đổi
Năm 2002, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội kêu gọi đưa đồng tính vào “tệ nạn xã hội.” Năm 2004, chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội lúc bấy giờ phát biểu về đồng tính là “tư tưởng nó bệnh hoạn, (…) dẫn đến hành động cũng bệnh hoạn” và “cần tập trung cho công tác tuyên truyền giáo dục hơn là luật hóa nó.”
Không ai có thể ngờ trong vòng chỉ một thập kỷ, Quốc hội và chính phủ Việt Nam từ việc phủi bỏ, đã đưa chủ đề đồng tính lên bàn nghị sự, và thật sự thảo luận nghiêm túc. Nếu chỉ trong vòng 9 năm, xã hội đã tiến từ việc cho rằng cần “giáo dục nam nữ thanh niên không nên đồng tính” đến việc phải “bảo vệ quyền của người đồng tính” (Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường); thì chúng ta vẫn hoàn toàn có thể hy vọng xã hội Việt Nam sẽ tiến nhanh hơn nữa trong việc ủng hộ cho quyền bình đẳng của người đồng tính. Không nên mất niềm tin vào lương tri của con người.
Chắc chắn vẫn sẽ còn nhiều nền pháp luật khác vẫn tiếp tục sử dụng những giá trị truyền thống để biện minh cho những vi phạm quyền con người. Nhưng nếu những vi phạm quyền con người ấy lại được quy chuẩn ngược lại thành giá trị truyền thống thì sẽ là một sự dẫm đạp thô bạo lên quyền con người. Bởi vì, kỳ thị và quyền con người không bao giờ có thể đi chung với nhau.
“Một quyền bị trì hoãn là một quyền bị chối bỏ.” (Martin Luther King) Có thể diễn đạt bằng nhiều lý lẽ khác nhau, nhưng rõ ràng quyền bình đẳng của những người đồng tính vẫn đang bị tránh né. Truyền thống, văn hóa, hay tình hình thế giới, đều là những “bí danh” của sự phân biệt đối xử. Vấn đề còn lại chỉ là chúng ta có thực sự muốn thừa nhận quyền hôn nhân bình đẳng này hay không. Việc cho rằng nên thay đổi nhận thức xã hội trước khi thừa nhận hôn nhân cùng giới chỉ là một cách trì hoãn hay lảng tránh câu hỏi về bình quyền. Thực tế xã hội và pháp luật luôn cần đi song song, sự thay đổi nào cũng sẽ góp phần thúc đẩy sự thay đổi kia.
Chỉ có điều chắc chắn là một ngày mà pháp luật còn chưa thừa nhận quyền bình đẳng yêu thương của tất cả mọi người, thì một ngày người đồng tính vẫn còn phải chịu kỳ thị và sống với niềm hạnh phúc quý giá, giản dị nhưng không được thừa nhận của mình.
Theo Diễn Ngôn