Hiện nay, Hà Nội các ca mắc COVID-19 đã gia tăng khiến nhiều học sinh, phụ huynh lo lắng, ngành giáo dục cũng đã có những khuyến cáo về phòng chống dịch.

Số ca COVID-19 gia tăng, ngành giáo dục kích hoạt hệ thống phòng dịch

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 14/04/2023, 22:34

Hiện nay, Hà Nội các ca mắc COVID-19 đã gia tăng khiến nhiều học sinh, phụ huynh lo lắng, ngành giáo dục cũng đã có những khuyến cáo về phòng chống dịch.

Nhiều học sinh bị nhiễm COVID-19, các trường đưa phương án ứng phó

Hiện nay có khá nhiều học sinh tại Hà Nội bị ốm phải nghỉ học, đặc biệt sau khi đi xét nghiệm có nhiều em đã bị nhiễm COVID-19.

Trao đổi với báo chí, đại diện các trường THCS Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Xuân La, Trưng Vương, Dịch Vọng... (Cầu Giấy) cho biết trong vài ngày qua, nhiều lớp đã thông báo các học sinh bị ốm vì nghi nhiễm COVID-19. Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, ngành giáo dục đã kích hoạt các giải pháp phòng chống dịch từng thực hiện ở giai đoạn cao điểm dịch trước đây.

lop-1-2.jpg
Các trường chủ động triển khai theo các giải pháp đã được chỉ đạo và áp dụng trước đây.

Trong đó yêu cầu các trường hạn chế tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tập trung đông học sinh nếu không cần thiết. Hầu hết các trường học Hà Nội đều có thông tin đến cha mẹ học sinh về tình trạng dịch COVID-19 và đề nghị học sinh mang khẩu trang khi đi học, thực hiện việc rửa tay sát khuẩn thường xuyên kết hợp với các biện pháp vệ sinh, khử trùng phòng dịch. Phụ huynh chủ động test COVID-19 cho con khi có biểu hiện ho, sốt, khó thở trước khi học sinh đến trường. Một số trường điều chỉnh lịch kiểm tra cuối học kỳ II để phòng nguy cơ dịch bùng mạnh hơn.

Đặc biệt các em học sinh tiểu học cũng được nhà trường khuyến cáo nên mang theo bình nước cá nhân để tránh bị lây nhiễm bệnh không đáng có. Trong lớp học, việc vệ sinh cá nhân của từng trẻ cũng được cô giáo chú trọng. Ngay tại cổng trường, bàn để dung dịch sát khuẩn cũng được bố trí trở lại. Trang thiết bị y tế hỗ trợ, chăm sóc cũng như khoanh vùng khi học sinh có dấu hiệu mắc COVID-19 đã được các trường rà soát lại. Cùng với đó, công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh đến học sinh và phụ huynh để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch.

Trao đổi về công tác phòng chống dịch bệnh cũng như thông tin “Hà Nội sẵn sàng phương án dạy học trực tuyến khi có học sinh mắc COVID-19” đang lan truyền trên mạng xã hội, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định thông tin trên là không chính xác. Sở không có phát ngôn nào về việc dạy học trực tuyến trong thời điểm hiện tại. 

Ông Cương cũng cho rằng, thời điểm này là những tuần cuối cùng của năm học 2022-2023, học sinh toàn thành phố đang chuẩn bị cho các kỳ kiểm tra cuối năm học. Học sinh lớp 9 và lớp 12 tích cực tập trung ôn tập cho kỳ thi chuyển cấp, tốt nghiệp. Thông tin không chính xác về dịch bệnh phần nào đã gây hoang mang, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của phụ huynh và học sinh, đặc biệt là các học sinh cuối cấp. Sở GD-ĐT đề nghị các phòng giáo dục và đào tạo, nhà trường cần thận trọng khi phát ngôn và chia sẻ những thông tin về dịch bệnh khi chưa có căn cứ của cơ quan chuyên môn, tránh gây hiểu lầm, gây hoang mang trong phụ huynh và học sinh.

Người dân nên nâng cao công tác phòng chống dịch bệnh

Theo Bộ Y tế, hiện nay chưa có bằng chứng cho thấy các bệnh nhân nhiễm COVID-19 đợt này có các biểu hiện nặng hơn, nguy hiểm hơn các đợt bùng phát trước đây. Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) thông tin, trong ngày 11.4 các bác sĩ đang điều trị cho 75 ca COVID-19, trong đó 5 ca thở máy, 10 ca sử dụng oxy kính. Số ca mắc COVID-19 nhập viện cũng gia tăng so với đầu tháng 3 vừa qua.

tiem-vacxin-tre-5-tuoi-2.jpg
Tiêm vắc xin COVID-19 là phương pháp phòng chống bệnh tốt nhất 

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, những ngày qua, số bệnh nhân COVID-19 vào viện gia tăng mạnh. Trong 10 ngày đầu tháng 4, số ca mắc COVID-19 mới đã tăng gấp 3 lần, tức là 75 bệnh nhân.

Còn tại TP.HCM trong ngày 14.4, Sở Y tế đã tiến hành giải trình tự gene các mẫu bệnh phẩm của những bệnh nhân COVID-19 và phát hiện biến thể phụ mới XBB.1.5 của chủng Omicron. Đây là lần đầu tiên XBB.1.5 được ghi nhận tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện chưa có báo cáo về những tác động nguy hiểm của biến thể này như nguy cơ gây ra tử vong, bệnh nặng hơn so với các biến thể khác đang lưu hành.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) cho biết tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn kiểm soát được. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy có sự xuất hiện của biến thể nào mới mà vẫn là các biến thể thông thường của Omicron, cho nên mọi người cần hết sức bình tĩnh, theo dõi các thông tin chính thống từ cơ quan y tế. 

"Có nhiều nguyên nhân khiến dịch COVID-19 có xu hướng bùng phát trở lại vào thời điểm hiện nay, đặc biệt số ca mắc COVID-19 ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc tăng do: Thời tiết nồm ẩm, khiến nguy cơ lây nhiễm các bệnh đường hô hấp tăng cao. Bên cạnh đó, số người bị nhiễm vi rút đường hô hấp, cúm A, cúm B, thủy đậu, tay chân miệng… gia tăng khiến cho sức đề kháng chung bị suy giảm, cũng dễ mắc COVID-19 hơn. Đồng thời, việc tăng cường giao thương, tiếp đón khách du lịch quốc tế đặc biệt là khách du lịch Trung Quốc cũng có thể là một nguyên nhân, tuy chưa có bằng chứng rõ ràng.

Riêng với Hà Nội là thủ đô nơi tập trung đông dân, mật độ dân số cao và khả năng miễn dịch của người dân nói chung cũng không tốt bằng các tỉnh thành khác, do tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, sử dụng nhiều đồ ăn chế biến sẵn..." - bác sĩ Hoàng cho hay.

Bác sĩ Huy Hoàng cũng cho biết trước tình hình số ca mắc COVID-19 gia tăng như hiện nay, những ai chưa tiêm đủ 2 mũi thì nên tiêm ngay. Việc tiêm mũi vắc xin tăng cường có vai trò quan trọng để bảo vệ những người có nguy cơ cao tái nhiễm và trở nặng, đó là người già, nhiều bệnh nền, suy giảm miễn dịch. Cần tiêm nhắc lại, không kể là mũi 3, mũi 4 hay mũi 5 với các nhóm này.

Bài liên quan
Nhà sản xuất vắc xin COVID-19 có mặt đầu tiên ở Việt Nam được vinh danh
AstraZeneca vừa chính thức trở thành 1 trong 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2024, trong đó, công ty ở vị trí thứ 5 toàn ngành dược và thứ 35 trong số những nơi làm việc tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Số ca COVID-19 gia tăng, ngành giáo dục kích hoạt hệ thống phòng dịch