Theo điều tra của Đài truyền hình Fox News, trong năm 2017 số vụ tai nạn và số binh sĩ Mỹ chết do tai nạn máy bay đều tăng so với năm trước. Đây là tình trạng đáng báo động đối với giới chức Mỹ.

Số binh sĩ Mỹ chết trong các vụ tai nạn máy bay tăng vọt

Cẩm Bình | 26/11/2017, 06:29

Theo điều tra của Đài truyền hình Fox News, trong năm 2017 số vụ tai nạn và số binh sĩ Mỹ chết do tai nạn máy bay đều tăng so với năm trước. Đây là tình trạng đáng báo động đối với giới chức Mỹ.

Cụ thể, Fox News cho biết trong năm nay (tính đến tháng 11.2017) đã có 22 máy bay quân sự phi chiến đấu rơi khi tham gia các hoạt động định kì, tăng 38% so với cùng kì năm 2016.

Về số binh sĩ, nếu tính cả ba người hiện chưa rõ tung tích trong vụ rơi máy bay C-2 Greyhound hôm 22.11 (Mỹ đã dừng tìm kiếm) thì số lượng binh sĩ Mỹ chết trong các vụ tai nạn máy bay phi chiến đấu năm 2017 là 37 người, cao hơn 130% so với cùng kì năm ngoái.

Theo thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ: “Có lẽ tổn hại lớn nhất đối với an ninh quốc gia và quân đội của chúng ta là chính chúng ta. Tôi xin nhắc lại là do chính chúng ta. Chúng ta làm chết nhiều người của mình trong lúc huấn luyện hơn là giết kẻ thù trong chiến trận”.

Khủng hoảng hàng không quân sự

Fox News cho hay vụ C-2 rơi tuần qua là tai nạn chết người thứ hai của quân đội Mỹ kể từ khi một chiếc trực thăng Black Hawk rơi ngoài khơi Hawaii, giết chết 5 binh sĩ hồi tháng 8.2017.

Chiếc C-2 Greyhound đã rơi ở vùng biển đông nam đảo Okinawa của Nhật Bản. Máy bay đang trên đường bay từ một căn cứ ở Nhật đến tàu sân bay USS Ronald Reagan.

Một cựu phi công từng lái C-2 cho biết thành tích cứu được 8 trong tổng số 11 người là một phép màu. Ông còn so sánh vụ tai nạn này với vụ cơ trưởng Chesley “Sully” Sullenberger cho máy bay số hiệu 1549 của US Airways hạ cánh xuống sông Hudson năm 2009.

Các quan chức Hải quân Mỹ cho hay những chiếc C-2 đã phục vụ trong quân đội từ những năm 1960, nhưng hiện chỉ còn 9 trong tổng số 33 chiếc C-2 đang được sử dụng.

Fox News dẫn thông tin từ các quan chức cho biết hiện công tác điều tra đang tập trung vào khả năng chiếc C-2 đã bị hỏng cả hai động cơ, một trường hợp hiếm gặp. Nhiên liệu và dầu nhớt cung cấp cho máy bay cũng sẽ được kiểm tra.

Chỉ hai ngày trước vụ rơi C-2, một chiếc máy bay huấn luyện T-38 với một số phụ kiện cũ kĩ cũng đã rơi ở Texas, làm 1 phi công thiệt mạng và 1 người khác bị thương. Tháng trước, máy bay huấn luyện T-45 của Hải quân Mỹ gặp tai nạn khiến cả 2 phi công thiệt mạng.

Vào tháng 7, máy bay vận tải KC-130 của Thủy quân lục chiến khi đang bay từ North Carolina đến California, đã gặp nạn và rơi xuống vùng Delta của Mississippi,16 người trên máy bay đều tử nạn.

Vào tháng 4, khi một bài báo của Fox News đưa tin các phi công từ chối sử dụng T-45 của Hải quân để tập luyện vì hệ thống oxy của máy bay này bị nhiễm độc, Hải quân Mỹ đã phải ngừng sử dụng khoảng 200 chiếc máy trong vài tuần và chỉ mới mở lại các chuyến huấn luyện bay gần đây.

Vụ máy bay vận tải KC-130 rơi xuống vùng Delta của Mississippi - Ảnh: NBC News

Cuộc khủng hoảng còn lan sang cả máy bay chiến đấu. Fox News dẫn lời người đứng đầu lực lượng chiến đấu trên không của hải quân cho biết chỉ có khoảng 50% số máy bay F-18 Super Hornet (271 chiếc) có thể bay trong lúc này, và chỉ có 31% chiếc đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ.

Tình hình của Thủy quân lục chiến còn tệ hơn khi có 70% số máy bay F-18 Hornet không thể bay. Với Không quân, chỉ có một nửa số máy bay ném bom B-1 và B-2 có thể bay, theo Fox News.

Đầu tháng 11 vừa qua, thư ký của Không quân Mỹ cho hay lực lượng này thiếu khoảng 2.000 phi công, nên phải yêu cầu các phi công về hưu quay lại làm việc.

Trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ đầu tháng 11, đô đốc Troy M. Shoemaker cho biết để 3 nhóm tàu sân bay có thể sẵn sàng triển khai đến vùng Vịnh và những điểm nóng khác, gần 100 máy bay chiến đấu F-18 từ khắp các lực lượng đã bị xáo trộn, những phi đội chịu trách nhiệm huấn luyện phi công bị lấy đi. Ngoài ra, để các máy bay hoạt động tốt, hàng trăm bộ phận của những chiếc Super Hornets khác đã bị lấy thay.

Theo đô đốc Shoemaker, tình trạng thiếu máy bay khiến hàng trăm thủy thủ tên các tàu sân bay phải di chuyển không cần thiết hoặc phải chờ trên tàu lâu hơn kế hoạch, làm giảm khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Nguyên do từ cắt giảm ngân sách

Vấn đề của Hải quân Mỹ đã được chứng minh trong hai vụ tàu khu trục Mỹ va đâm tàu hàng Philippines (xảy ra ngày 17.6) và với tàu chở dầu ở eo biển Malacca (ngày 21.8) khiến cho tổng cộng 17 thủy thủ thiệt mạng. Trong báo cáo kết quả điều tra các vụ tai nạn, Hải quân Mỹ kết luận đều bắt nguồn từ sai lầm của các thủy thủ và chỉ huy, những cá nhân đã không thể phản ứng kịp thời trong trường hợp khẩn cấp. Báo cáo cũng chỉ ra thành viên các đội tàu hoạt động ở Thái Bình Dương không được đào tạo đầy đủ và phải làm việc quá sức.

Fox News cho biết Hải quân Mỹ đã cắt giảm 41 tàu và 90.000 nhân sự tính từ ngày 11.9.2001. Trong nhiều năm qua, ngân sách quốc phòng ưu tiên cho các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, vì vậy mà công tác huấn luyện, mua sắm phụ tùng và bảo trì bị ảnh hưởng xấu.

Trước Quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đã đề cập vấn đề này. Ông nhận định: “Không kẻ thù trên chiến trường nào có thể gây hại đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội ta bằng cắt giảm ngân sách”.

Thượng nghị sĩ McCain còn đánh giá hiện chỉ có 5/58 lữ đoàn và 4/64 phi đội Không quân sẵn sàng chiến đấu.

Fox News cho biết hiện Quốc hội Mỹ đang cân nhắc khoảntăng ngân sách quốc phòng 26 tỉUSD để tái xây dựng quân đội lẫn các phi đội bay.

Cẩm Bình (theo Fox News)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Số binh sĩ Mỹ chết trong các vụ tai nạn máy bay tăng vọt