Những ngày dài dùi đầu vào bài vở, tối về tất bật cuốn vào vòng xoáy của dòng người để trang trải cuộc sống, đôi lần mệt mỏi nhưng nghĩ tới con đường tương lai nên cố gắng phấn đấu để được trụ lại giảng đường...
Sau những giờ học căng thẳng trên lớp, sinh viên lại tất bật cuốn vào phiên chợ đêm ở Làng Đại Học, người đẩy xe, người dọn hàng, chỉ mong sao hôm đó trời đừng mưa. Tất cả hòa vào không khí của kẻ bán người mua, như thể đó là cách để nuôi sống bản thân qua những ngày ngồi trên ghế giảng đường.
Khoảng từ 5 giờ chiều là phải dọn hàng ra, kê sạp, căng dây, sắp xếp đồ đạc, ngăn nắp và cẩn thận, kê giá treo đồ hay lo căng những tấm bạt để đề phòng mưa tới. Tất cả như một bức tranh mưu sinh, với những nét vẻ chầm chậm của ngày tàn.
Có những hôm ngồi ngủ gục trên bàn học vì quá mệt mỏi với những đồng tiền, nào là vốn, nào là lãi, nó khiến không ít bạn sinh viên phải đau đầu, nhưng vì miếng cơm và tiền học phí nên đành chấp nhận. Bên cạnh đó cũng có không ít sinh viên kinh doanh vì lòng đam mê, tinh thần học hỏi và muốn làm giàu trong tương lai.
Hà, sinh viên năm 3, ĐH KHXH&NV, quê ở Hà Tĩnh tâm sự: “Một tháng mẹ chỉ gửi cho mình có một triệu, không đủ tiền chi tiêu sinh hoạt, tiền phòng, mình tranh thủ lấy quần áo về bán, cũng đỡ phần nào, có những hôm mệt quá, dọn hàng về là ngủ luôn, bài vở cũng chẳng muốn coi”.
Vi, sinh viên năm 3, Đại học Kinh Tế Luật, quê ở Đồng Tháp bán phụ kiện làm đẹp và khẩu trang y tế thì chia sẻ: “Quê mình còn nghèo lắm, được đi học Đại học là may lắm rồi, em bán mấy thứ này cũng tàm tạm, có hôm ế lắm, dọn ra rồi dọn về à, chẳng bán được gì cả, ngồi từ chiều tới tối, đau cả lưng, có hôm mệt quá, ngủ quê luôn, sáng hôm sau không đi học nổi”, giọng nói chân chất của cô bé miền Tây khiến chúng tôi mủi lòng, muôn nẻo mưu sinh, có ai biết được những ngày sau sẽ như thế nào.
Hay cô bé sinh viên quê ở Quảng Ngãi, ngày đi học còn tối về làm thuê cho người ta, một tuần ba bữa, cô bé đẩy chiếc cân ra chợ, ai cân thì trả ba nghìn đồng, rồi cô sẽ được chủ chiếc cân trả tiền theo giờ làm.
Một ngày trung bình có khoảng 3 đến 4 người đến hỏi về việc thuê mặt bằng để gian hàng. Ban quản lý chợ trực thuộc đội An ninh của Đại Học Quốc Gia. Chốt dân phòng được đặt ở bên cạnh chợ, quản lý trật tự an ninh chợ và khu Làng Đại học.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết, khi buôn bán ở đây, các sinh viên lấy hàng ở chợ Tân Bình là chính, một cái áo thun có thể lời từ 10 đến 20 nghìn, có khi hơn, những mặt hàng khác cũng lời khoản đó, quần áo là mặt hàng được sinh viên mua bán nhiều nhất. Bên cạnh đó còn có giày dép, ba lô, đồng hồ, dây nịt, mũ, khẩu trang và đồ ăn uống …
Sài Gòn những chiều mưa dài lê thê, không dọn hàng bán được, sinh viên buồn ngao ngán nghĩ về gói mì tôm tối nay. Đôi khi những khó khăn hôm nay lại là kinh nghiệm quý báu trong cuộc sống mai sau của các em, dù khó khăn cũng vững bước để đi qua cuộc đời với những ước mơ và niềm tin cháy bỏng vào tương lai.
Vĩ Như