Ngày 6 tháng 6, Bắc Kinh lần đầu tiên xuất hiện một siêu thị “không người”. Để thử nghiệm mô hình này, các nhà đầu tư đã rất đắn đo để đo lường sự tự giác từ khách hàng Trung Quốc.
Trưa ngày 8 tháng 6, ký giả của AppyGeek đã đến một siêu thị tiện lợi 24 giờ tọa lạc ở trung tâm thương mại Vạn Hào, theo một nam nhân viên đang làm việc tại đây, ngày 6 tháng 6 vừa qua họ đã thí điểm mô hình “siêu thị không người” trong vòng một ngày, từ ngày 7 trở đi sẽ khôi phục hoạt động kinh doanh “có người” như bình thường.
Mặc dù chỉ kéo dài trong một ngày ngắn ngủi, nhưng mô hình này đã khiến cư dân mạng một phen dậy sóng. Ký giả của đài truyền hình trung ương nhân dân sau hơn 1 giờ “cắm trại” tại đây phát hiện, đại đa số khách hàng trong thời gian này đều tự giác thanh toán sau khi mua sắm, nhưng cũng có những người chỉ để lại 10 nhân dân tệ (tương đương 35 ngàn đồng) rồi lấy đi thuốc lá và rượu đắt tiền.
Theo báo cáo của SinaNews, 74.8% cư dân mạng cho rằng “siêu thị không người” bất khả thi tại Trung Quốc, 87.9% cộng đồng mạng nói rằng họ sẽ tự nguyện trả tiền sau khi mua hàng, 71.9% cư dân mạng không ngại “ném đá” những người không trả tiền hoặc chỉ để lại một ít tiền tượng trưng.
“Siêu thị không người” tọa lạc trong một cao ốc văn phòng gần trạm xe lửa Bắc Kinh. Gần giờ nghỉ trưa, nhân viên văn phòng làm việc tại đây đổ xô đi vào siêu thị duy nhất trong tòa cao ốc.
Như bao siêu thị tiện lợi hoạt động 24 giờ khác, siêu thị này có diện tích chỉ vào khoảng 40 mét vuông, trang trí nội thất cũng không có nhiều khác biệt. Khi phóng viên của AppyGeek đến, có 3 nhân viên của siêu thị đang phục vụ khách hàng tại quầy thu ngân, sau khi phỏng vấn họ đều đã xác nhận tại siêu thị vào ngày 6 tháng 6 vừa qua đích thực có thực hiện 1 ngày thí điểm “siêu thị không người” .
Một nhân viên nữ tiết lộ, ngày hôm đó họ không túc trực ở tại quầy thu ngân mà ở trong kho hàng của siêu thị, nhiệm vụ chủ yếu là quản lý hoạt động từ xa, kịp thời bổ sung hàng hóa thiếu hụt trên giá hàng. Còn về các chi tiết khác, nhân viên tại đây đều lấy lí do “không biết” từ chối tiết lộ thêm.
Sau một ngày thí điểm hoạt động “siêu thị không người” kết quả thu được khiến người ta nửa mừng nửa lo.
Ký giả của đài truyền hình trung ương nhân dân sau hơn một giờ thực địa quan sát phát hiện, vào buổi trưa có hơn 30 khách hàng đến siêu thị mua sắm, đa số đều thanh toán bằng thẻ tín dụng thông qua quét mã QR, hoặc trực tiếp trả bằng tiền mặt. Nhưng cũng phát hiện có 3 khách nữ không trả tiền mà chỉ vào lấy những món hàng đắt tiền, cũng có người chỉ để 10 nhân dân tệ ở quầy thu ngân rồi nhiều lần quay lại lấy đi thuốc lá và rượu đắt tiền.
“Siêu thị không người” là một chương trình thực nghiệm độ tín dụng của khách hàng do một tổ chức tín dụng có tên Sesame Credit tiến hành. Sesame Credit, là dịch vụ tín dụng phát hành đầu năm nay của công ty Ant Financial trực thuộc Zhifubao (dịch vụ thanh toán online hàng đầu của Trung Quốc).
Theo thông tin từ tờ báo mạng Giang Tô, từ cuối tháng 1 năm 2015, Sesame Credit sau khi đưa ra thị trường chỉ số tín dụng “Sesame Point” thì không có động tĩnh nào khác, vào ngày 6 tháng 6 đột nhiên tái xuất giang hồ với mô hình “siêu thị không người” gây sóng gió.
Ngày hôm đó, Sesame Credit không chỉ tiến hành các cuộc trắc nghiệm công khai độ tín dụng trên phạm vi toàn Trung Quốc, đồng thời tại Bắc Kinh và Hàng Châu lần lượt triển khai thí điểm mô hình “siêu thị không người” .
Trưa ngày 6 tháng 8, AppyGeek đã liên hệ với một siêu thị khác cũng áp dụng thí điểm mô hình “siêu thị không người”. Trong ngày 6, siêu thị mở cửa hoạt động từ 5 giờ sáng đến 9 giờ tối mà không hề có nhân viên phục vụ. Chỉ khi cần dọn vệ sinh hoặc bổ sung hàng hóa, nhân viên siêu thị mới mặc thường phục tiến vào thực hiện công việc.
Theo báo cáo của truyền thông địa phương, siêu thị không người này, trong ngày 6 tổng lượng hàng hóa bán ra đạt 16700 nhân dân tệ (tương đương 58.450.000 đồng), số tiền thu được từ khách hàng tự nguyện thanh toán ước tính vào khoảng 13700 rmb (tương đương 47.950.000 đồng), số tiền thu được so với thực tế chênh lệch tương ứng khoảng hơn 10.000.000 đồng (khoảng 3000 nhân dân tệ), tỷ lệ tự nguyện thanh toán đạt hơn 82%.
Siêu thị này cũng chỉ duy trì mô hình “siêu thị không người” trong một ngày. Quản lý siêu thị này giải thích, để thực hiện thí điểm 1 ngày “không người” họ đã sớm có kế hoạch chuẩn bị, do đó không bị thua lỗ quá lớn. Còn về trong tương lai có tiếp tục triển khai mô hình này hay không, thì lại không nhận được hồi đáp rõ ràng.
Theo một số nguồn thông tin, mô hình “siêu thị không người” khá thường thấy ở hải ngoại, nhưng liệu mô hình này có thể ở tại Trung Quốc sinh sôi nảy nở?
Tổng giám đốc của Sesame Credit phát biểu trên báo Qianjiang, “mô hình siêu thị không người” mặc dù chỉ kéo dài trong thời gian 1 ngày ngắn ngủi, nhưng thông qua lần thực nghiệm này, chúng tôi càng thêm tin tưởng mức độ tín dụng xã hội ở Trung Quốc hiện nay”.
Ngoài ra, ký giả của báo Qianjiang còn giải thích thêm, một số thương hiệu kinh doanh siêu thị hiện đã chủ động liên hệ với Sesame Credit, hy vọng có thể đem mô hình siêu thị không người, không nhân viên thu ngân chính thức triển khai ở thị trường siêu thị Đại Lục.
Mặc dù như thế, nhưng cộng đồng mạng hình như vẫn có cái nhìn tiêu cực về viễn cảnh tương lai của mô hình “siêu thị không người” ở tại Trung Quốc. Sina News tiến hành một cuộc điều tra trực tuyến với sự tham gia của 11049 người, trong đó 73.8% nghĩ rằng “siêu thị không người” bất khả thi ở Trung Quốc; đồng ý với mô hình này chỉ có không đến 10%,; 87.7% nói sẽ trả tiền đúng với món hàng mình mua.
Thử thách với đạo đức mua hàng:
Mô hình siêu thị không người đã tồn tại và phát triển ở các nước phát triển như Bắc Âu, Nhật Bản... Nhưng để áp dụng tại một nơi như Trung Quốc thì quả thật cần một sự đầu tư lâu dài cho ý thức mua hàng và sự tự giác của cộng đồng. Qua những con số kể trên thì rõ ràng mô hình này còn khá lâu mới áp dụng được tại Trung Quốc.
Đức Huy