Chiếc máy bay thuộc thế hệ thứ 5 từng được đánh giá là hiện đại bậc nhất về mặt kỹ thuật, có thể giúp Anh và Mỹ chiếm ưu thế vượt trội trên không, trong bất kỳ cuộc xung đột nào xảy ra vào tương lai. Nhưng nay nó đang có khả năng trở thành sai lầm lớn nhất lịch sử.
Ít nhất đây là cảnh báo đanh thép của một cựu Bộ trưởng phụ trách các vấn đề quân đội Anh.
Một trong những “con voi trắng” lớn nhất
Chiếc máy bay, do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ nghiên cứu sản xuất, được quảng bá có đủ các tính năng thời thượng như tàng hình, mang được nhiều loại vũ khí, được trang bị các cảm biến vượt trội so với máy bay đời trước...
Anh có kế hoạch dùng F-35 thay thế các máy bay chiến đấu Harrier cổ lỗ, đã bị nước này loại khỏi trang bị từ năm 2011. London lạc quan tới mức lên kế hoạch đặt hàng 150 chiếc F-35 và muốn có toàn bộ số máy bay này vào năm 2012.
Ba năm đã trôi qua kể từ thời hạn trên, nhưng F-35 vẫn chậm chạp lết tới giai đoạn sẵn sàng chiến đấu. Thực tế thì chưa một chiếc nào trong số 131 chiếc F-35 được chế tạo cho tới nay được xem là sẵn sàng chiến đấu. Tờ Independent cho biết hôm 10/5 rằng toàn bộ những chiếc máy bay này đã bị gỡ bỏ động cơ để sửa chữa.
Việc thay thế sửa chữa nhằm chống lại tình trạng cháy động cơ xảy ra nhiều lần, đã khiến tất cả máy bay F-35 từng phải ở yên trên mặt đất trong năm ngoái. Công ty Pratt & Whitney, nơi sản xuất động cơ cho chiếc máy bay, vội vã đưa ra một giải pháp đặc biệt để xử lý sự cố: họ cắt thêm một đường rãnh ở một cấu kiện trong động cơ, để loại bỏ tình trạng nhiệt tăng lên quá mức trong động cơ và gây cháy.
Nhưng cháy động cơ chỉ là một lỗi trong số rất nhiều sự cố đã trì hoãn. Chương trình máy bay chiến đấu liên hợp (JSF), tên chính thức của F-35, tại đó Anh là một đối tác quan trọng của Mỹ. Trong một báo cáo công bố hồi năm 2013, F-35 được phát hiện có lỗi tại bình chứa nhiên liệu và hệ thống thủy lực, khiến máy bay dễ bị sét đánh và cháy bất ngờ.
Tháng 3/2013, các phi công thử nghiệm của Mỹ phàn nàn trong báo cáo chính thức rằng khoang lái của F-35 thiếu tầm nhìn và khiến họ dễ bị bắn hạ. Cùng báo cáo này còn nêu nhiều lỗi khác của máy bay như ghế phóng thoát hiểm có thể bị lỗi và khiến phi công tử vong, hệ thống rađa của máy bay hoạt động rất tồi, màn hình cảm ứng trên bảng điều khiển không nhạy, việc thay thế bảo dưỡng động cơ diễn ra quá lâu, tới 52 giờ đồng hồ, thay vì hai giờ như quảng cáo...
Bộ Quốc phòng Anh vẫn nói rằng lực lượng không quân của nước này sẽ sở hữu các máy bay F-35 và có khả năng chiến đấu như yêu cầu vào năm 2018 - tức trễ sáu năm so với kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên theo lời cựu Bộ trưởng phụ trách các vấn đề quân đội Anh Nick Harvey, đó là mốc thời gian không tưởng. “Tôi chưa từng nghe thấy ai nói thứ vũ khí này sẽ có thể sử dụng trong chiến đấu trước năm 2020” - ông tuyên bố.
Khi được hỏi có phải F-35 đã trở thành một “con voi trắng” (chỉ một thứ có giá tiền đã lớn hơn nhiều giá trị sử dụng mà nó mang lại), ông trả lời: “Chiếc máy bay đã là một trong những con voi trắng lớn nhất lịch sử từ lâu rồi”.
Mỹ cũng ngao ngán với “siêu máy bay”
Không chỉ ở Anh, những lời phê bình nhằm vào chương trình F-35 ở Mỹ cũng tăng lên. Tháng trước, Văn phòng trách nhiệm giải trình chính phủ (GAO) Mỹ đã công bố báo cáo chỉ ra nhiều vấn đề của “siêu máy bay” này, như độ tin cậy của động cơ rất tồi và máy bay rất dễ gặp sự cố kỹ thuật.
Ngoài sự cố về phần cứng, nhiều vấn đề về phần mềm đã khiến hoạt động thử nghiệm hệ thống vũ khí của F-35 chậm 8 tháng so với kế hoạch. Việc phát triển phần mềm cho máy bay sẽ không thể hoàn thành sớm hơn cuối năm 2017 và mốc thời gian này cũng chỉ đạt được nếu người ta không gặp thêm sự cố nào khác!
Báo cáo còn nói rằng tổng chi phí của chương trình đã tăng từ 233 tỷ USD trong năm 2001 lên 391 tỷ USD trong năm ngoái, khiến F-35 thành “chương trình mua sắm vũ khí đắt đỏ nhất” của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Các ước tính cho thấy Mỹ sẽ tốn 1.000 tỷ USD để bảo dưỡng và đưa các máy bay F-35 vào hoạt động trong suốt vòng đời của chúng. Chi phí khổng lồ này sẽ “vắt kiệt túi” ngay cả một cơ quan được bơm tiền nhiều bậc nhất ở Mỹ như Bộ Quốc phòng.
Khi chính người Mỹ cũng “lắc đầu lè lưỡi” với F-35, chiếc máy bay đã thành thứ “đồ chơi” khó nuốt với người Anh. Michael Graydon, người là Tham mưu trưởng Không quân Anh khi F-35 bắt đầu được bàn thảo trong những năm 1990, nói rằng mẫu máy bay này đang có giá cao tới mức Anh gần như “không thể kham nổi”. Được biết, giá một chiếc F-35 Mỹ bán cho Anh đã tăng từ 51 triệu USD lên 138 triệu USD.
Với mức giá hiện nay, Anh sẽ phải bỏ ra tới 6 tỷ bảng (9 tỷ USD) để mua 72 chiếc F-35, trang bị cho hai tàu sân bay đời mới của nước này theo đúng như thiết kế. Tuy nhiên số tiền đã gần bằng chi phí đóng hai con tàu trên.
Theo Tường Linh/ Thể thao & văn hóa