Kiểm toán Nhà nước chỉ ra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2017 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) còn nhiều bất cập. Trong đó, đáng chú ý là hàng nghìn tỉ đồng vốn đầu tư không hiệu quả tại bất động sản, nhiệt điện...

SCIC lãng phí khi 'chôn' hàng nghìn tỉ đầu tư vào bất động sản

26/12/2018, 18:53

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2017 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) còn nhiều bất cập. Trong đó, đáng chú ý là hàng nghìn tỉ đồng vốn đầu tư không hiệu quả tại bất động sản, nhiệt điện...

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều khoản đầu tư của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chưa hiệu quả - Ảnh: Internet

Kiểm toán Nhà nước mới đây đã công bố báo cáo kiểm toán tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) về tình hình quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2017, trong đó đã chỉ ra các mặt hạn chế trong quản lý sử dụng vốn, tiền, tài sản nhà nước của SCIC.

Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước đánh giá cơ cấu danh mục đầu tư của SCIC chưa hợp lý, chủ yếu là hoạt động gửi tiền có kì hạn; lợi ích thu được chủ yếu đến từ cổ tức của một số ít doanh nghiệp SCIC nhận bàn giao (chiếm 93,3% doanh thu cổ tức được chia từ các doanh nghiệp SCIC tiếp nhận vốn) như: Vinamilk 3.067 tỉ đồng, Ftel 295 tỉ đồng, Vinaconex 408 tỉ đồng, Dược Hậu Giang 273 tỉ đồng, Bảo Minh 92,6 tỉ đồng…

Còn lại tỷ suất lợi nhuận của các đơn vị khác đều thấp, có 61/122 doanh nghiệp không có lợi nhuận, cổ tức được chia trong năm 2017 (tương ứng với số vốn đầu tư là 1.593 tỉ đồng). Nguyên nhân các doanh nghiệp không được chia cổ tức trong năm 2017 là do một số kinh doanh thua lỗ (29/60 đơn vị) hoặc doanh nghiệp bị thu hồi đăng ký kinh doanh (2/60 đơn vị) hoặc tỷ lệ vốn của SCIC thấp nên không quyết định được việc chia cổ tức (17/60 đơn vị), có 3 đơn vị chia cổ tức trong năm 2018.

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra các khoản SCIC tự đầu tư hiệu quả thấp (tỷ suất sinh lời năm 2017 là 6,4% trên giá trị vốn đầu tư). Trong đó chủ yếu là lợi tức từ khoản đầu tư trái phiếu chính phủ 330 tỉ đồng, lợi tức từ trái phiếu MBBank 101 tỉ đồng, lợi nhuận từ Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC 96,7 tỉ đồng.

Đáng chú ý, một số khoản đầu tư vào lĩnh vực nhiệt điện không mang lại hiệu quả như phương án ban đầu: góp vốn vào Công ty CP Nhiệt điện Hải phòng 489,28 tỉ đồng từ năm 2009 nhưng cổ tức nhận được từ 2013-2017 chỉ có 135 tỉ đồng; góp 571,57 tỉ đồng vào Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh từ 2009 nhưng đến nay mới nhận được cổ tức 25,7 tỉ đồng...

SCIC còn đầu tư, góp vốn mua cổ phần của một số công ty kinh doanh bất động sản nhưng bị tồn đọng vốn nhiều năm, gây lãng phí, như: Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Thăng Long (SCIC góp 110 tỉ đồng từ năm 2008 để triển khai dự án tại số 6 Thăng Long, phường 4, quận Tân Bình TP. HCM nhưng đến nay dự án chưa triển khai); Đầu tư SCIC - Bảo Việt (SCIC góp 199 tỉ đồng từ năm 2007 để thực hiện dự án Tháp tài chính tại 220 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội nhưng dự án cũng chưa triển khai); Công ty Tháp truyền hình Việt Nam (SCIC góp 49,5 tỉ đồng từ 2015)...

Về việc trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính, Kiểm toán Nhà nước cho rằng SCIC trích lập dự phòng chưa đúng quy định. Cụ thể, dự phòng đầu tư tài chính của SCIC tại ngày 31.12.2017 là 562 tỉ đồng, bao gồm trích lập của khoản đầu tư dài hạn 7,2 tỉ đồng, trích lập khoản đầu tư ngắn hạn 555 tỉ đồng. Đơn vị thực hiện trích lập dự phòng theo hướng dẫn tại Nghị định 147/2017.

Tuy nhiên, kiểm toán cho rằng việc trích lập dự phòng của SCIC chưa phù hợp với Thông tư 200/2014 của Bộ Tài chính và chưa phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp.

Báo cáo Tổng kết hoạt động năm 2017 của SCIC cho thấy, ước tính đến 31.12.2017, SCIC đạt doanh thu 7.380 tỉ đồng (chưa bao gồm doanh thu bán cổ phần tại Vinamilk), trong đó, lợi nhuận trước thuế dự kiến 6.616 tỉ đồng, đạt 133,14% kế hoạch, lợi nhuận sau thuế dự kiến 6.313 tỉ đồng, đạt 135,64% kế hoạch.

Lũy kế từ khi thành lập đến nay, SCIC đã bán vốn tại 986 doanh nghiệp (trong đó bán hết vốn tại 885 doanh nghiệp, bán một phần vốn tại 82 doanh nghiệp) và bán quyền mua tại 19 doanh nghiệp với giá vốn là 8.084 tỉ đồng và thu về 27.999 tỉ đồng (gấp 3,5 lần giá vốn).

Theo Nghị định số 57/2014/NĐ-CP của Chính phủ về điều lệ tổ chức và hoạt động của SCIC, mục tiêu hoạt động của SCIC là kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại SCIC và vốn của SCIC đầu tư tại doanh nghiệp khác, hoàn thành các nhiệm vụ khác do chủ sở hữu nhà nước giao.

Đổi mới phương thức quản lý, nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Ngành nghề kinh doanh chính của SCIC là đầu tư và quản lý vốn đầu tư theo nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao

Tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ. Quản lý Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định của Thủ tướng Chính phủ

Tiếp tục thực hiện sắp xếp cổ phần hóa, bán vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đã tiếp nhận theo quy định hiện hành.

Ngành nghề có liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính của SCIC gồm: Đầu tư và kinh doanh vốn vào ngành, lĩnh vực, dự án đem lại hiệu quả kinh tế theo quy định của pháp luật

Cung cấp các dịch vụ tư vấn: Đầu tư, tài chính; chuyển đổi, quản trị, mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
SCIC lãng phí khi 'chôn' hàng nghìn tỉ đầu tư vào bất động sản