Quỹ đất vàng ngày càng khan hiếm nhưng từ nhiều năm nay, TP.HCM vẫn có nhiều khu đất tại trung tâm bị bỏ hoang, gây lãng phí. Dù sở hữu vị trí đắc địa nhưng không ít dự án đã "đắp chiếu" trong thời gian dài, làm xấu diện mạo thành phố.

Sau 10 năm quy hoạch, hàng loạt dự án đất vàng vẫn bất động

Phan Diệu | 28/06/2017, 17:10

Quỹ đất vàng ngày càng khan hiếm nhưng từ nhiều năm nay, TP.HCM vẫn có nhiều khu đất tại trung tâm bị bỏ hoang, gây lãng phí. Dù sở hữu vị trí đắc địa nhưng không ít dự án đã "đắp chiếu" trong thời gian dài, làm xấu diện mạo thành phố.

Đất vàng làm bãi giữ xe

Từ năm 2007, UBND TP.HCM đã quy hoạch 20 lô đất (khoảng 50 ha) thuộc khu đất vàng ở trung tâm thành phố để kêu gọi nhà đầu tư có năng lực vàtiềm lực tài chính. Trong số này hiện chỉ có 4 nhà đầu tư triển khai dự án, còn lại vẫn chưa códấu hiệu khởi động.

Chẳng hạn, khu “tam giác vàng” Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão được đánh giá là vị trí đẹp nhất trong các khu đất ở trung tâm, thế nhưng đã qua 3 lần đổi chủ mà khu đất này vẫn chưa có dấu hiệu biến chuyển.

Năm 2016, liên danh Jimiro (Hàn Quốc) - Công ty Đại Tân Phú quyết định bỏ ra 500 triệu USD để sở hữu khu đất có diện tích 13.110m2này. Theo kế hoạch, khu “tam giác vàng” sẽ được xây dựng thành một khối cao ốc văn phòng 55 tầng, một khách sạn năm sao 30 tầng và một trung tâm thương mại hạng A cao 10 tầng. Thế nhưngkhi nào khối cao ốc này được thành hình thì vẫn chưa rõ.

Hay khu đất tại số 117-119 ở phố đi bộ Nguyễn Huệ với diện tích 2.724m2được phê duyệt xây dựng dự án BIDV Tower do Ngân hàng đầu tư và phát triển (BIDV) làm chủ đầu tư. Nếu xây dựng, tòa nhà sẽ cao tới 40 tầng. Tuy nhiên, khu đất này đã bất động hơn 8 năm nay và đang được che kín bằngtôn để trưng dụng làm bãi giữ xe máy, ô tô.

Ngoài ra còn cókhu đất mặt tiền đường Lê Duẩn - Hai Bà Trưng đã được thành phố chấp thuậncho quy hoạch làm dự án Lavenue Crowndo liên danh giữa Công ty cổ phầnKinh Đô, Công ty TNHH quản lý kinh doanh nhà TP.HCM và Mayflower Investment góp vốn đầu tư. Dù nằm ngay cạnh tòa nhà Diamond Plaza sang trọng nhưng dự án này vẫn chưa có dấu hiệu triển khai.

Lý giải cho sự chậm trễ trên, nhiều chủ đầu tư cho rằng do thủ tục chậm, vướng khâu giải phóng mặt bằng hay thị trường bất động sản đang ảm đạm,nên lo ngại sẽ không bán được sản phẩm, ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh… Tuy vậy, những doanh nghiệp trúng thầu các khu đất vàng thường là liên doanh hoặc các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, vì vậy lý do này đưa ra không thuyết phục.

Tương tự, khu đất số 23 Lê Duẩn nằm ở còn đường “hot” bậc nhất thành phố với hai mặt tiền đường Lê Duẩn và Nguyễn Du rộng 3.000m2. Khu đất này vốn là trụ sở Công ty Xổ số kiến thiết TP.HCM. Năm 2015, khu đất đã được Công ty Tân Hoàng Minh đấu giá thành công với giá 1.430 tỉ đồng. Tuy nhiên, từ khi đấu giá đến nay, khu đất này vẫn chưa được Tân Hoàng Minh triển khai dự án nàomặc dù Công ty Xổ số kiến thiết TP.HCM đã dời đi và tầng trệt của khu nhà này đã biến thành bãi giữ xe.

Về khu đất này, ông Võ Văn Hoan - Chánh Văn phòng UBND TP.HCM cho biết do đang có vướng mắc về quy định nên dự án còn tạm ngưng. Dự án được đấu giá đúng luật nên thành phố đã báo cáo Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ. Đây là lỗi của thành phố, không phải do nhà đầu tư chậm triển khai. Thành phố đang tích cực để cấp nhanh giấy chứng nhận cho doanh nghiệp có thể triển khai sớm.

Nổi tiếng nhất là dự án Saigon One Tower nằm tại số 34 Tôn Đức Thắng được khởi công từ năm 2007. Dự kiến, sau khi hoàn thành vào năm 2009 thì đây sẽ là tòa nhà cao thứ 3 tại TP.HCM với chiều cao trên 195m. Tòa nhà có 41 tầng cao và 5 tầng hầm, diện tích dự kiến khoảng 6.672m2, vốn đầu tư dự án khoảng 5.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi xây dựng được khoảng 80% (xong phần thô), công trình này ngưng thi công từ năm 2011 đến nay.

Theo người phát ngôn UBND TP.HCM, dự án này đang xây dựng dang dở thì bị ngưng do mâu thuẫn nội bộ. Hiện nayviệc tranh chấp giữa các chủ đầu tư đã được giải quyết ổn thỏa và đã thống nhất việc chia sẻ trách nhiệm, quyền lợi. Dự án này cũng đã tìm được chủ đầu tư mới và dự kiến đến cuối năm nay sẽ được tái khởi động.

TP.HCM ra tối hậu thư

Nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án nằm trên các khu đất vàng, mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã đề nghị Sở Xây dựng rà soát lại tất cả các công trình xây dựng đang triển khai. Dự án nào đang dở dang thì tập trung xử lý, còn dự án nào chưa khởi công thì phải xem lại cụ thể. Ông Phong nhấn mạnh các dự án trên đất vàng đang trong tình trạng dở dang là yếu tố làm xấu đi diện mạo thành phố.

Về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa cũng đã chỉ đạo, rà soát và xử lý các dự án đã được cấp phép xây dựng nhưng chậm triển khai thực hiện.

Đối với các dự án đang thi công dở dang, thành phốgiao Sở Xây dựng thông báo đến chủ đầu tư yêu cầu nhanh chóng triển khai theo đúng nội dung giấy phép xây dựng đã cấp trong thời hạn 6 tháng kể từ khi nhận thông báo để sớm hoàn thành công trình đưa vào sử dụng.

Nếu quá thời hạn trên chủ đầu tư chưa triển khai lại dự án, Sở Xây dựng thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định hiện hành. Phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng nói rằng sẽ không cấp phép đầu tư mới cho các chủ đầu tư chậm triển khai dự án.

“Thành phố sẽ tạo mọi điều kiện và thúc đẩy các chủ đầu tư tiếp nhận đất triển khai nhanh dự án và đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục. Từ nay đến cuối năm, các dự án sẽ khởi động lại và nhà đầu tư mới sẽ có đủ năng lực, điều kiện để đưa dự án vào hoạt động”, ông Khoa khẳng định.

Nhiều dự án chậm và ngưng triển khai

Kết quả rà soát và xử lý các dự án đã được cấp phép xây dựng nhưng chậm triển khai tại khu trung tâm của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy, trong số 505 công trình mà Sở này cấp giấy phép xây dựng trong thời gian từ năm 2004-2014 và một công trình được cấp giấy phép từ năm 1996,có đến 53 dự án tại trung tâm quận 1 và quận 3 chậm triển khai, 30 dự án chưa khởi công, 14 dự án đang ngưng thi công dở dang. Đến thời điểm này, 30 dự án chưa khởi công có giấy phép xây dựng đã hết hiệu lực.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sau 10 năm quy hoạch, hàng loạt dự án đất vàng vẫn bất động