Tuy mới vào đầu mùa mưa bão nhưng tình trạng sạt lở đất ven sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau diễn biến hết sức phức tạp.

Sạt lở đe dọa nhiều nơi ven biển Cà Mau

Trần Khải | 13/06/2023, 05:08

Tuy mới vào đầu mùa mưa bão nhưng tình trạng sạt lở đất ven sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau diễn biến hết sức phức tạp.

Chiều 12.6, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó chánh văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết, năm nay tính đến chiều 12.6, toàn tỉnh Cà Mau đã xảy ra 132 vụ sạt lở ven sông, với tổng chiều dài sạt lở gần 3.300m, làm hư hỏng và thiệt hại 51 nhà dân cùng hàng chục tuyến giao thông nông thôn do nhà nước đầu tư, tổng thiệt hại về tài sản ước hơn 15 tỉ đồng.

Sạt lở đất ven sông tập trung chủ yếu tại các vùng ven biển của tỉnh Cà Mau. Trong đó, nặng nhất là huyện Đầm Dơi với 97 vụ, tổng chiều dài sạt lở hơn 2.800m, làm hư hỏng hơn 1.630m lộ bê tông và 15 nhà dân.

anh-1.jpg
Nhiều địa phương ở Cà Mau bị sạt lở đất

Các địa phương xảy ra sạt lở nhiều ở Đầm Dơi gồm các xã Nguyễn Huân 19 vụ, Tân Thuận 17 vụ, Ngọc Chánh 17 vụ, Thanh Tùng 14 vụ. Có ngày trên địa bàn huyện Đầm Dơi xảy ra cả chục vụ sạt lở đất ven sông, cụ thể như ngày 6.6 xảy ra 8 vụ, ngày 8.6 xảy ra 6 vụ và ngày 9.6 xảy ra 16 vụ…

“Sạt lở nhiều đến mức lãnh đạo địa phương luân phiên đi kiểm tra tình hình để khắc phục hậu quả nhưng vẫn không xuể, bởi vừa kiểm tra đoạn này chưa xong thì nơi khác sạt lở tiếp”, ông Nguyễn Phương Bình - Phó chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi cho biết.

Ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau nói đặc điểm chung của hầu hết các vụ sạt lở ven sông xảy ra tại các khu vực sông, rạch đều có dòng nước chảy mạnh, chênh lệch thủy triều giữa nước ròng và nước lớn rất cao.

anh-2.jpg
Tình hình sạt lở ở Cà Mau ngày càng phức tạp, khó lường

Việc xây dựng và nâng cấp mở rộng các tuyến lộ giao thông nông thôn có nhiều đoạn bám sát sông rạch, trong khi địa chất của Cà Mau là nền đất yếu, lực kết dính kém, tốc độ dòng chảy mạnh, lòng dẫn thay đổi bất thường… dễ gây nên sạt lở.

Qua khảo sát của ngành chức năng Cà Mau, trong tổng số hơn 10.000km chiều dài sông rạch lớn nhỏ của tỉnh, hiện có tới hơn 360km chiều dài bị sạt lở. Trong 5 năm gần đây, sạt lở đất đã làm hư hỏng hàng trăm nhà dân, làm hư hại nhiều công trình hạ tầng (lộ giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế…) do nhà nước đầu tư, ước tổng thiệt hại về tài sản gần 1.100 tỉ đồng.

Để giảm thiểu rủi ro do sạt lở gây ra, chính quyền và ngành chức năng địa phương đã thực hiện cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại những khu vực có nguy cơ cao về sạt lở; đồng thời vận động, thuyết phục người dân di dời đến nơi an toàn. Một số đơn vị hành chính trong tỉnh cũng đã tạm ứng ngân sách từ nguồn dự phòng khắc phục tạm những công trình lộ hư hỏng do sạt lở giúp người dân địa phương thuận lợi trong việc đi lại.

Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng sạt lở như hiện nay, về lâu dài tỉnh Cà Mau rất cần có nguồn kinh phí khá lớn để triển khai xây dựng các hạng mục kiên cố, có tính chất bền vững.

Bài liên quan
Cà Mau: Mô hình tôm-rừng đạt chuẩn ASC nhóm
Sáng 21.11, tại xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hội nghị "Tổng kết thực hiện nuôi tôm - rừng", đồng thời làm lễ công bố chứng nhận đạt chuẩn ASC nhóm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sạt lở đe dọa nhiều nơi ven biển Cà Mau