Hiện nay, xu hướng dịch chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng gia tăng. Nhiều người có xu hướng tìm đến những phương thức thanh toán trực tuyến hiện đại như ví điện tử, mobile banking và sắp tới là mobile money.

Sắp triển khai mobile money, người dân hưởng lợi gì?

14/06/2020, 16:17

Hiện nay, xu hướng dịch chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng gia tăng. Nhiều người có xu hướng tìm đến những phương thức thanh toán trực tuyến hiện đại như ví điện tử, mobile banking và sắp tới là mobile money.

Thanh toán điện tử tăng mạnh sau dịch COVID-19 - Ảnh: Internet

Mới đây, tại nghị quyết 84, Thủ tướng đã đồng ý cấp phép thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (mobile money).

Ngân hàng Nhà nước cho biết đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành hoàn hiện quyết định về triển khai thí điểm việc sử dụng mobile money để thanh toán. Còn các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, MobiFone, VNPT đã sẵn sàng chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết và sẵn sàng cung ứng ngay dịch vụ mobile money nếu được cấp phép.

Theo thống kê, hiện nay hơn 50% dân số Việt Nam chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Vì vậy, mobile money sẽ góp phần cung ứng cho nhóm khách hàng không có tài khoản ngân hàng một kênh giao dịch, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng và thuận tiện thay vì phải trực tiếp đến các cơ sở của ngân hàng thực hiện giao dịch.

Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói rằng khi dịch vụ mobile money được triển khai, chỉ sau 1 đêm, 100% người dân Việt Nam sẽ có thể thanh toán không dùng tiền mặt. Điều này sẽ giúp thúc đẩy việc thanh toán phi tiền mặt tại Việt Nam bởi hiện tại có đến 99% các giao dịch giá trị dưới 100.000 đồng được người dân thanh toán bằng tiền mặt. Đây cũng là các giao dịch phổ biến trong cuộc sống hàng ngày.

Trong khi đó, Viettel ước tính sẽ có khoảng 26 triệu khách hàng của nhà mạng này sẽ sử dụng dịch vụ mobile money khi dịch vụ này được cấp phép để thanh toán các dich vụ và hàng hóa có mệnh giá nhỏ. Viettel đang đề xuất cho thanh toán dịch vụ và hàng hóa có giá trị tối đa từ 5 – 10 triệu.

Nhận định về phương thức thanh toán này, Công ty Chứng khoán BSC cho rằng giá trị thanh toán qua mobile money thường là nhỏ và siêu nhỏ, nên việc triển khai sẽ thúc đẩy tiếp cận tài chính cho người dân và doanh nghiệp siêu nhỏ cùng một bộ phận lớn GDP đang giao dịch bằng tiền mặt. Ngoài ra, hệ thống thanh toán này cũng có thể hạn chế các rủi ro dùng tiền mặt như: mất cắp, tiền giả, đặc biệt tại những nơi an ninh không được đảm bảo.

Đặc biệt, một trong những ưu điểm của mobile money là khi giải ngân qua dịch vụ này sẽ nhanh chóng hơn mô hình truyền thống. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu cũng ở mức thấp. Một ví dụ điển hình, tỷ lệ nợ xấu các khoản cho vay qua mobile money tại Kenya chỉ ở mức 2% - 3%.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định mobile money ở nước ta sẽ chỉ được phục vụ nhu cầu thanh toán và chuyển tiền các món có giá trị nhỏ. Sự xuất hiện của loại hình này còn thúc đẩy thói quen thanh toán trực tuyến, tác động tích cực tới thị trường, khiến ngân hàng hưởng lợi.

Tuy nhiên, Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV cho biết mobile money có một số rủi ro như dữ liệu của khách hàng có thể bị xâm phạm, hoặc tiền của khách hàng có thể bị mất nếu không có phương án quản lý phù hợp. Đặc biệt, khách hàng có thể chia nhỏ giá trị để lách quy định về hạn mức thanh toán, thực hiện hành vi rửa tiền, đánh bạc...

Thanh toán không tiền mặt phát triển mạnh

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), hệ sinh thái thanh toán điện tử ở nước ta đã được hình thành với sự kết nối và tích hợp với các ngành, lĩnh vực khác. Việc này cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán trực tuyến đối với hóa đơn điện, nước, viễn thông, mua sắm trực tuyến tại các trang thương mại điện tử, nộp thuế điện tử và một số khoản phí, lệ phí khi thực hiện một số dịch vụ hành chính công..

Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt có sự phát triển mạnh mẽ, nhất là thanh toán qua điện thoại di động và internet. Tính đến cuối năm 2019, giao dịch qua kênh internet tăng 64% về số lượng giao dịch và tăng 37% về giá trị giao dịch. Giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 198% và 210% về số lượng và giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018.

Xu hướng thanh toán trong nền kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhiều hơn. Ngoài ra, thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ công đã được chú trọng, tăng cường. Đến cuối năm 2019 đã có khoảng 50 ngân hàng hoàn thành kết nối thanh toán thuế điện tử với thuế, hải quan trên 63 tỉnh/thành phố, 95% số thu hải quan được thực hiện qua ngân hàng...

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sắp triển khai mobile money, người dân hưởng lợi gì?