Bất chấp dư luận càng bức xúc, các cơ quan chức năng vẫn để cây xăng Trần Thiên, 61 Trần Hưng Đạo, Q.1 (TP.HCM) tái diễn hành vi gian lận suốt nhiều năm.

Sao chưa đình chỉ cây xăng 'ma cô'?

Một Thế Giới | 23/09/2015, 06:05

Bất chấp dư luận càng bức xúc, các cơ quan chức năng vẫn để cây xăng Trần Thiên, 61 Trần Hưng Đạo, Q.1 (TP.HCM) tái diễn hành vi gian lận suốt nhiều năm.

Chiều qua 22.9, PV  đến Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM để tìm hiểu về hướng xử lý hành vi gian lận tại cây xăng Trần Thiên. Ông Hồ Thời, Trưởng phòng Hành chính, sau khi hỏi ý kiến lãnh đạo chi cục, đã bảo PV liên hệ với Phòng Kinh tế Q.1. Ông Thời từ chối đề nghị của PV về việc đăng ký gặp lãnh đạo chi cục để làm rõ thêm về vụ việc.
Còn ông Lê Hồng Hải, Đội trưởng Đội QLTT 1B (phụ trách quản lý địa bàn Q.1), kể: “Sau khi báo chí phản ánh hành vi gian lận của cây xăng Trần Thiên vào tháng 3.2015, đội có cử cán bộ đi phục nhưng không có kết quả (không phát hiện vi phạm - PV)”. “Thưa ông, việc đi kiểm tra có bị lộ thông tin cho chủ cây xăng hay không?”, PV hỏi. “Thời đó đội trưởng khác phụ trách”, ông Hải trả lời.
Ông Nguyễn Văn Hà, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP, thì nói: “Việc thanh kiểm tra các cây xăng dầu thuộc thẩm quyền nhiều cơ quan. Chi cục chỉ là một trong nhiều đơn vị trong đoàn khi đi thanh tra nên không có chức năng xử phạt”.
Trước đó, sau một thời gian thu thập chứng cứ, PV cũng đã nhiều lần liên hệ Chi cục QLTT TP đề nghị phối hợp kiểm tra, xử lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhưng đều không được chấp nhận.
“Chắc có chuyện gì đó”
Khi tiếp nhận thông tin do PV chuyển đến, ông Đỗ Ngọc Chính, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng (thuộc Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN), khẳng định hành vi gian lận của cây xăng Trần Thiên không tinh vi nhưng rất trắng trợn. Trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước trước hết thuộc về Chi cục QLTT TP và Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng. “Vi phạm của cây xăng tai tiếng như vậy, nhiều lần như vậy mà đơn vị quản lý lại không bắt quả tang được, chắc có chuyện gì đó. Trong khi chờ cơ quan chức năng vào cuộc, người tiêu dùng có quyền tẩy chay”, ông Chính bức xúc.
Theo ông Chính, Nghị định 185 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, điều 80 nêu rõ chế tài đối với hành vi vi phạm trong quan hệ với khách hàng, người tiêu dùng. Cụ thể là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi đánh tráo, gian lận hàng hóa, dịch vụ khi giao hàng, cung ứng dịch vụ cho khách hàng, người tiêu dùng; không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại hàng hóa, dịch vụ bị đánh tráo, gian lận cho khách hàng, người tiêu dùng… Hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 1 tháng đến 3 tháng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 tháng đến 3 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điều 80 trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
Ngày 22.9, ông Nguyễn Thành Danh, Trưởng phòng Kinh tế Q.1, cho biết đã yêu cầu ông Trần Lưỡng Thắng, chủ cây xăng Trần Thiên, cung cấp hồ sơ về hoạt động doanh nghiệp để phòng tiến hành kiểm tra toàn diện. “Trước mắt, chúng tôi yêu cầu chủ cây xăng phải gắn camera theo dõi, giám sát hoạt động kinh doanh tại cây xăng”, ông Danh nói.
Tân Phú - Công Nguyên - Đức Tiến/ Thanh Niên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sao chưa đình chỉ cây xăng 'ma cô'?