Sáng 25.1, các đại biểu Đại hội 13 vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó, các đại biểu sẽ họp phiên trù bị tại hội trường lớn tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình.

Sáng nay, họp phiên trù bị Đại hội lần thứ 13 của Đảng

Lam Thanh | 25/01/2021, 08:33

Sáng 25.1, các đại biểu Đại hội 13 vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó, các đại biểu sẽ họp phiên trù bị tại hội trường lớn tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình.

lang-250121-4a(1).jpg
Sáng 25.1.2021, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh TTXVN

Đại hội tiến hành thông qua chương trình phiên họp trù bị, thông qua Quy chế làm việc, Chương trình làm việc, Quy chế bầu cử Đại hội 13 và Báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu.

Cũng tại phiên trù bị, các đại biểu tiến hành bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu.

Sau phiên trù bị, các đại biểu sinh hoạt tại đoàn nghiên cứu các tài liệu Đại hội, gồm báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 về các văn kiện Đại hội 13, báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương khóa 12…

Kết thúc ngày làm việc đầu tiên, sáng 26.1, Đại hội lần thứ 13 của Đảng sẽ họp phiên khai mạc tại hội trường.

Trước đó, tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định triệu tập Đại hội 13 từ ngày 25.1.2021 đến ngày 2.2.2021 tại Thủ đô Hà Nội.

Đại hội 13 của Đảng có sự tham dự của 1.587 đại biểu, đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên trong cả nước, tăng gần 80 đại biểu so với Đại hội 12, đông nhất trong 13 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc.

Trong đó, đại biểu đương nhiên chiếm tỷ lệ 12,04%; đại biểu được bầu tại các đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương chiếm tỉ lệ 87,02%; đại biểu chỉ định chiếm tỷ lệ 0,95%; đại biểu nữ chiếm tỷ lệ 13,99%; đại biểu là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 11,03%...

Đại biểu khách mời có các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại sứ, đại diện các nước và trưởng đại diện các tổ chức quốc tế trong đoàn ngoại giao tại Hà Nội, đại diện Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo, thanh niên tiêu biểu…

Với phương châm Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển, Đại hội 13 của Đảng sẽ tiếp tục thảo luận kỹ lưỡng, thống nhất cao trong việc hoàn chỉnh và biểu quyết thông qua các văn kiện của Đại hội, tạo cơ sở cho việc quán triệt, triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết Đại hội, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và năm 2030 cũng như mục tiêu tổng quát đã đề ra.

Cụ thể là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định.

Phấn đấu đến năm 2025, nước ta là nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến giữa thế kỷ 21 trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có thu nhập cao.

Phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (ngày 18.12.2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Trung ương thống nhất cao cho rằng việc chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội 13 của Đảng đã hoàn thành theo đúng mục đích, yêu cầu, kế hoạch đề ra.

Các văn kiện trình Đại hội 13 lần này không chỉ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng mà còn nhìn lại 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020.

Đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 (năm kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước); xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 (năm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng); và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 (năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Hệ thống các văn kiện trình Đại hội 13 của Đảng bao gồm Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, cùng với các báo cáo chuyên đề là Báo cáo kinh tế-xã hội (bao gồm các Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025) và Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng đã có sự thống nhất cao, thể hiện tầm cao trí tuệ của Đảng ta, dân tộc ta.

Sáng 17.1.2021, phát biểu bế mạc Hội nghị 15, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Đại hội 13 của Đảng là một sự kiện chính trị trọng đại của Đảng và của dân tộc, cán bộ, đảng viên và nhân dân đang rất quan tâm, theo dõi, mong chờ và đặt nhiều kỳ vọng vào thành công của Đại hội.

Bài liên quan
PGS-TS Nguyễn Viết Thông: Dự thảo các văn kiện trình Đại hội 13 có nhiều điểm mới
Theo PGS-TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương, dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ 13 có nhiều điểm mới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sáng nay, họp phiên trù bị Đại hội lần thứ 13 của Đảng