Về sản xuất vắc xin, Bộ Y tế đã cho phép các đơn vị sản xuất được tiến hành gối đầu, tức là chưa hoàn thiện pha 2 đã cho phép tiến hành pha 3 để bảo đảm thời gian nghiên cứu được rút ngắn.

Sản xuất vắc xin Việt Nam: Cho phép tiến hành gối đầu

Lam Thanh | 01/07/2021, 21:25

Về sản xuất vắc xin, Bộ Y tế đã cho phép các đơn vị sản xuất được tiến hành gối đầu, tức là chưa hoàn thiện pha 2 đã cho phép tiến hành pha 3 để bảo đảm thời gian nghiên cứu được rút ngắn.

Phải có vắc xin trong thời gian sớm nhất

Trả lời báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 1.7, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết tình hình dịch tại TP.HCM về cơ bản đã được kiểm soát, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường.

y-te.jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu

Cuối tuần vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại các tỉnh miền Nam bao gồm: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh lân cận trên tinh thần quyết liệt, hiệu quả.

Bộ Y tế đã đặt Bộ phận Thường trực đặc biệt tại TP.HCM do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm trưởng bộ phận, bao gồm nhiều chuyên gia có kinh nghiệm về các lĩnh vực dịch tễ, truy vết , xét nghiệm, điều trị…; Tổ công tác đang phối hợp hết sức chặt chẽ với Thành phố để dập được dịch trong thời gian sớm nhất.

Bộ Y tế, Tổ công tác thuộc Ban Chỉ đạo của Thành phố đã, đang chuẩn bị mọi phương án ứng phó, trong đó có cả bệnh viện dã chiến, đồng thời, Chính phủ, Ban Chỉ đạo và Bộ Y tế cũng đã ưu tiên cấp thêm vắc xin cho Thành phố cũng như tạo điều kiện cho Thành phố đàm phán, mua thêm vắc xin.

Về công tác nghiên cứu và sản xuất vắc xin, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm, ngay từ tháng 5.2020, Bộ Y tế đã gặp gỡ các nhà khoa học, các tổ chức, các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin bàn hướng đi phù hợp nhất, ngắn nhất để chúng ta sớm có vắc xin và đặc biệt là trong bối cảnh kinh phí của chúng ta không dồi dào so với các nước phát triển.

Sau đó, Bộ Y tế đã cử các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm, đồng thời tham vấn các chuyên gia quốc tế, nhất là các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới, để tư vấn thêm cho việc nghiên cứu và phát triển vắc xin tại Việt Nam, cũng như xây dựng các đề cương nghiên cứu giúp cho các nhà sản xuất.

Ông Thuấn cho biết Bộ Y tế và các cơ quan chức năng đã rút ngắn tối đa quy trình, quy phạm, nhanh nhưng bảo đảm chặt chẽ, khoa học. Chính phủ, Bộ Y tế cũng đã cấp kinh phí cho nghiên cứu cùng với các nguồn kinh phí từ xã hội hóa của một số nhà hỗ trợ.

Ngoài ra, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng đã tăng cường hỗ trợ các nhà nghiên cứu, sản xuất vắc xin bằng cách trong thời gian ngắn, huy động các nguồn lực về cán bộ y tế, các nhà nghiên cứu, tăng cường tối đa các mẫu nghiên cứu.

“Thực tế, chúng ta chưa hoàn thành pha 2, tuy nhiên qua thử nghiệm ban đầu, Hội đồng Đạo đức và Hội đồng Khoa học của Bộ Y tế đã cho phép các đơn vị sản xuất, như Nanogen, được tiến hành gối đầu, tức là chúng ta chưa hoàn thiện pha 2 đã cho phép tiến hành pha 3 để bảo đảm thời gian nghiên cứu được rút ngắn”, ông Thuấn nói.

Theo thứ trưởng, vừa qua, Thủ tướng cũng đã đi thăm, động viên các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin.

Dựa trên kết quả nghiên cứu của các pha, đặc biệt là đánh giá bước đầu của pha 3, Hội đồng Đạo đức và Hội đồng Khoa học của Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, xem xét và có đề xuất phù hợp tùy theo kết quả, tình huống dịch khi đó cũng như tình hình cung ứng vắc xin. Đương nhiên chúng ta sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ cho việc phát triển vắc xin trong nước, nhất là nếu kết quả cho thấy vắc xin trong nước được phát triển hiệu quả, an toàn.

Sức khỏe là số 1

Về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sắp tới, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết tinh thần của kỳ thi là vẫn có sự phân hóa phù hợp để các trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả này làm căn cứ tuyển sinh. Theo số lượng đăng ký, 55% số học sinh lấy kết quả thi tốt nghiệp làm căn cứ để đăng ký tuyển sinh đại học.

Theo ông Độ, năm nay kỳ thi diễn ra trong điều kiện có dịch diễn biến phức tạp, Bộ GD-ĐT đặt ra mục tiêu tổ chức kỳ thi bảo đảm diễn ra nghiêm túc, an toàn, chất lượng và đúng quy chế.

Với tinh thần sức khỏe là số 1, việc xây dựng các phương án phòng chống dịch, phương án tổ chức kỳ thi diễn ra theo đúng quy chế đã được Bộ GD-ĐT xây dựng. Để bảo đảm an toàn phòng chống dịch, Bộ đã có quyết định tổ chức thi đợt 2 dành cho tất cả các em học sinh là đối tượng F1, F2 và những học sinh là F0 thời gian tới bình thường trở lại vẫn có thể tham gia thi đợt 2, rồi các em học sinh trong khu vực giãn cách, phong tỏa theo quy định của Thủ tướng.

Đợt 1 diễn ra ngày 7-8.7 dành cho các em học sinh bình thường, không có mầm bệnh. Tuy nhiên, trong trường hợp một số tỉnh có điều kiện bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các em học sinh F2 có nguyện vọng tham gia dự thi thì cũng khuyến khích Ban Chỉ đạo từng tỉnh quyết định đồng ý hay không đồng ý cho các em học sinh diện này tham gia dự thi.

Hiện nay, theo thông báo tính đến 18 giờ ngày 30.6, học sinh F0 là 33 em, F1 là 272 em, F2 là 836 em, tổng cộng là 1.097 em và cả nước có 17.000 học sinh trong diện phong tỏa.

TP.HCM đã có quyết định tổ chức thi đợt 1 với phương án có 16 F0, 61 F1 và 204 F2, 991 em trong diện phong tỏa. Số lượng các em không dự thi đợt 1 là 1.272 học sinh sẽ thi đợt 2. Cách làm của TP.HCM là sẽ xét nghiệm tất cả các em học sinh trong diện tham dự dự thi vào ngày 3-4.7, nếu âm tính sẽ được dự thi.

Với tinh thần thực hiện 5K, quyết tâm thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo TP.HCM, sự hướng dẫn kỹ càng với các đối tượng F1, F2 của Bộ Y tế, chúng tôi tin rằng TP.HCM sẽ tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn về dịch bệnh cũng như chất lượng kỳ thi.

Bài liên quan
Bộ Y tế lên tiếng về phương pháp định giá khám, chữa bệnh theo Thông tư 21
Theo Thông tư 21, các cơ sở khám, chữa bệnh xây dựng hồ sơ phương án giá theo phương pháp chi phí giữ nguyên cơ cấu giá và định mức đã ban hành, chỉ điều chỉnh yếu tố mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
41 phút trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sản xuất vắc xin Việt Nam: Cho phép tiến hành gối đầu