Kéo theo rủi ro công nghệ làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh smartphone của Samsung.

Samsung tụt lại phía sau nhà vô địch TSMC trong cuộc đua chip tiên tiến thế nào?

Nhân Hoàng | 10/05/2021, 11:55

Kéo theo rủi ro công nghệ làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh smartphone của Samsung.

Phó chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong đã bay đến Hà Lan vào mùa thu năm 2020 bất chấp đại dịch COVID-19 để tìm kiếm thiết bị sản xuất chất bán dẫn quan trọng do ASML (Hà Lan) cung cấp độc quyền.

Thiết bị này không thể thiếu với các sản phẩm tiên tiến của công ty Hàn Quốc. ASML cho biết đã xuất xưởng khoảng 100 chiếc trên toàn thế giới - nhưng hơn 70% đã đến tay đối thủ của Samsung là Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới ở Đài Loan).

Chuyến đi của Lee Jae-yong, lãnh đạo trên thực tế của Samsung, báo hiệu cảm giác khủng hoảng với công ty, vốn đã thua TSMC trong lĩnh vực bán dẫn tiên tiến. Samsung đang gặp khó khăn trong việc sản xuất hàng loạt các sản phẩm tiên tiến như CPU (đóng vai trò là bộ não của smartphone) và mất thị phần trong lĩnh vực sản xuất theo hợp đồng. Sự kém cỏi trong các sản phẩm tiên tiến có thể làm suy yếu khả năng cạnh tranh của các mặt hàng cốt lõi khác như bộ nhớ bán dẫn và smartphone.

"Khả năng cạnh tranh của chúng tôi trong các quy trình tiên tiến là có thể so sánh được. Chúng tôi đã đảm bảo được các khách hàng lớn và đang thu hẹp khoảng cách", Kim Kinam, Phó chủ tịch Samsung Electronics kiêm Giám đốc bộ phận bán dẫn của hãng, cho biết khi được hỏi về khoảng cách công nghệ với TSMC tại cuộc họp cổ đông vào tháng 3.2021.

Vào ngày 29.4, Samsung đã báo cáo rằng lợi nhuận hoạt động tại bộ phận bán dẫn của họ đã giảm 16% xuống 3.370 tỉ won (3,03 tỉ USD) trong quý 1/2021, dù doanh thu tăng 8% lên 19.100 tỉ won. Điều này đánh dấu sự sụt giảm lợi nhuận đầu tiên trong 1 năm.

Các công ty môi giới đổ lỗi cho sự sụt giảm chủ yếu là do mảng kinh doanh phi bộ nhớ của Samsung, nơi xử lý hợp đồng sản xuất CPU và chip truyền thông. Một nhà máy Samsung ở bang Texas (Mỹ) đã phải ngừng hoạt động từ giữa tháng 2.2021 do mất điện vì ảnh hưởng của thời tiết lạnh. Các hoạt động bình thường dự kiến ​​sẽ tiếp tục trở lại trong quý 2/2021, nhưng những khó khăn kéo dài có thể dẫn đến việc đào tẩu từ Qualcomm và các khách hàng khác.

Samsung cũng phải vật lộn để ra mắt sản phẩm tiên tiến nhất tại quê nhà Hàn Quốc. Một số nhà cung cấp cho biết công ty đã chậm trễ trong việc thúc đẩy sản lượng trên các chip tiên tiến nhất, với mạch 5 nanomet. Samsung đã theo sau TSMC vài tháng khi bắt đầu sản xuất hàng loạt 5 nanomet và khoảng cách về công nghệ đã được nới rộng kể từ đó.

Chiều rộng mạch bán dẫn càng mỏng thì hiệu suất xử lý càng cao và tiêu thụ điện năng càng thấp. Điều này cũng hỗ trợ trong việc thu nhỏ các thiết bị điện tử.

samsung-tut-lai-phia-sau-ong-vua-tsmc.jpg
Ông Lee Jae-yong (thứ 2 từ trái sang) đã có chuyến đi nhanh đến ASML ở Hà Lan để đảm bảo các thiết bị sản xuất chip tiên tiến rất cần thiết

Sự “mua bán điên cuồng” trong các thiết bị sản xuất chất bán dẫn dường như đã gây ra sự chậm trễ. Thiết bị cho công nghệ tiên tiến được gọi là kỹ thuật in thạch bản cực tím (EUV) đã thúc đẩy Lee Jae-yong đến Hà Lan khẩn cấp. Dù đang tăng số lượng đơn vị mình mua nhưng Samsung không nắm bắt được nhiều công nghệ sản xuất như TSMC, công ty bảo đảm thiết bị trước bất kỳ ai khác.

Quy mô đầu tư theo yêu cầu của doanh nghiệp sản xuất theo hợp đồng cũng có thể sẽ tác động đến Samsung. Vào tháng 4.2021, TSMC đã tiết lộ kế hoạch phân bổ 100 tỉ USD cho chi tiêu vốn trong 3 năm đến 2023 như phản ứng với tình trạng thiếu chất bán dẫn.

Samsung có kế hoạch đầu tư khoảng 40 tỉ USD vào 2021, nhưng phần lớn sẽ vào DRAM (bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động) và các chip nhớ khác. Đó là quy mô đầu tư thấp hơn TSMC, công ty chuyên sản xuất chip theo hợp đồng.

TSMC đang tăng tốc độ thống trị của mình, tích lũy 56% thị phần sản xuất theo hợp đồng trong 3 tháng đầu 2021, tăng 2 điểm % so với cùng kỳ năm ngoái, theo công ty nghiên cứu TrendForce có trụ sở tại Đài Loan. Thị phần TSMC tăng 8 điểm so với 2 năm trước, trong khi người đứng thứ hai là Samsung đã mất 1 điểm thị phần so với cùng kỳ.

Các khách hàng lớn của Mỹ như Apple và Advanced Micro Devices thuê ngoài hầu hết đặt hàng với TSMC và trở ngại để Samsung đạt được quy mô đó là rất cao.

Gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đóng một vai trò nhất định. Đài Loan và Mỹ đoàn kết chống lại Trung Quốc, trong khi Hàn Quốc duy trì chính sách ngoại giao hai chiều có nguy cơ khiến các công ty nước này bị cô lập khỏi chuỗi cung ứng chất bán dẫn.

Khả năng cạnh tranh suy giảm của Samsung trong lĩnh vực bán dẫn tiên tiến có thể lan ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chip của công ty. Dù chất bán dẫn không có bộ nhớ được sản xuất theo hợp đồng chỉ chiếm 7% tổng doanh số bán dẫn của Samsung nhưng hiệu suất smartphone hãng này phụ thuộc vào CPU và cảm biến hình ảnh của họ.

Apple, đối thủ cạnh tranh vơi Samsung trong lĩnh vực smartphone, cung cấp toàn bộ sản lượng CPU cho TSMC và khoảng cách công nghệ với TSMC có thể phát triển thành khoảng cách với Apple về hiệu suất smartphone.

Smartphone và chip nhớ chiếm 60% tổng doanh số của Samsung. Nếu Samsung tụt lại phía sau trong cuộc đua công nghệ dành cho các chất bán dẫn tiên tiến, vốn đã tạo ra một chu kỳ linh hoạt cho hoạt động kinh doanh chính của mình, thì điều đó có thể dẫn đến sự sụt giảm lợi nhuận của công ty này nói chung.

Vào tháng 1.2021, Lee Jae-yong đã bị kết án 2 năm rưỡi tù giam trong phiên xét xử lại vụ án hối lộ liên quan đến cựu Tổng thống Park Geun-hye. Kể từ đó, Lee Jae-yong đã thụ án tại Trung tâm giam giữ Seoul ở Uiwang, phía nam Seoul. Lee Jae-yong cần phải thụ án thêm 18 tháng tù sau khi đã ngồi tù 1 năm từ 2017-2018 vì cùng tội danh.

Lee Jae-yong là lãnh đạo trên thực tế của Tập đoàn Samsung kể từ khi cha ông là Lee Kun-hee nhập viện vì đau tim vào năm 2014. Ông Lee Kun-hee đã qua đời sau nhiều năm nằm viện vì cơn đau tim, chấm dứt 33 năm trị vì của đế chế có danh mục đầu tư kinh doanh từ công nghệ, xây dựng đến bảo hiểm và một công viên giải trí.

Ngày 18.1.2021, Tòa án Cấp cao Seoul đã tuyên án Lee Jae-yong vì đã hối lộ cựu Tổng thống Park Geun-hye và người bạn lâu năm của bà, Choi Soon-sil.

Tòa án đã phán quyết rằng Lee Jae-yong đã tham gia vào hành vi hối lộ để giành được sự hỗ trợ từ Dịch vụ Hưu trí Quốc gia cho việc sáp nhập Cheil Industries (dệt may, thời trang, hóa chất, vật liệu hóa học điện tử) và Samsung C&T (xây dựng), hai chi nhánh chính của Tập đoàn Samsung. Đây là vụ sáp nhập được cho là nhằm mục đích làm êm đẹp con đường để Lee Jae-yong nối nghiệp người cha ốm yếu của mình.

Lee Jae-yong đã bị đưa trở lại nhà tù hôm 18.1 sau khi toà tuyên án.

Người thừa kế Samsung, Lee Jae-yong chấp nhận bản án 2 năm rưỡi tù giam.

Luật sư của ông Lee Jae-yong, Lee In-jae cho biết thân chủ ông tôn trọng phán quyết của tòa án và quyết định không thực hiện thêm hành động pháp lý nào.

Bài liên quan
‘Mỹ, Trung Quốc cần đầu tư về chip ít nhất 150 tỉ USD 5 năm tới may ra sánh kịp Samsung và TSMC’
Samsung và TSMC dự kiến ​​sẽ chiếm 43% tổng chi tiêu vốn bán dẫn toàn cầu trong năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Samsung tụt lại phía sau nhà vô địch TSMC trong cuộc đua chip tiên tiến thế nào?