Sau 7 lần tái bản, cuốn SGK Địa lý 12 (NXB Giáo dục Việt Nam) đã quá lỗi thời cả về số liệu lẫn kiến thức tự nhiên và kinh tế - xã hội, đẩy giáo viên và học sinh vào thế khó.

Sách giáo khoa lỗi thời: Tăng tính tự chủ cho người thầy

22/03/2016, 14:49

Sau 7 lần tái bản, cuốn SGK Địa lý 12 (NXB Giáo dục Việt Nam) đã quá lỗi thời cả về số liệu lẫn kiến thức tự nhiên và kinh tế - xã hội, đẩy giáo viên và học sinh vào thế khó.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với thầy giáo Lê Quốc Châu, giáo viên bộ môn Địa lý, Trường THPT Cù Huy Cận (H.Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) về vấn đề này.
- Thưa thầy Lê Quốc Châu, thầy đánh giá như thế nào về vấn đề sách giáo khoa (SGK) Địa lý 12 sử dụng số liệu cũ?
-Thầy Lê Quốc Châu: Tôi cho rằng SGK Địa lý 12 đã quá lỗi thời cả về số liệu lẫn kiến thức tự nhiên, kinh tế - xã hội. Lẽ ra, qua 7 lần tái bản (lần gần đây nhất là năm 2015) Bộ GD-ĐT cần bổ sung, chỉnh lý kịp thời nhưng Bộ đã không làm, chắc chờ viết sách mới. Hậu quả là hiện nay đa số học sinh lớp 12 trên cả nước vẫn sử dụng sách này làm tài liệu học tập, ôn thi THPT quốc gia.
- Thầy có thể nói rõ hơn về những lỗi thời, bất cập đó?
-Thầy Lê Quốc Châu: SGK Địa lý 12 tái bản lần thứ 7, in xong và nộp lưu chiểu tháng 1.2015 nhưng số liệu trong đó hầu hết là của năm 2005, thậm chí của năm 2004.
Cụ thể, số liệu về tỷ lệ hộ nghèo của cả nước (trang 9), thu nhập bình quân đầu người/tháng theo các vùng (bài 19: Thực hành, trang 80), bài tập 2 (trang 136) phân tích cơ cấu vận tải theo loại hình vận tải nước ta.
Đã bước sang năm học 2015 - 2016 rồi mà trong bài học về “Sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên” (trang 59) vẫn nói “nhiệm vụ trước mắt là thực hiện chiến lược trồng 5 triệu hecta rừng đến năm 2010” thì thật buồn cười.
Còn nữa, dân số Việt Nam năm 2014 đã đạt 90,5 triệu người. Hiện chúng ta có khoảng 4 triệu người Việt đang sinh sống ở nước ngoài. Vậy mà, học sinh vẫn phải học các con số của năm 2006 là trên 84 triệu và 3,2 triệu người kiều bào ta ở ngoài nước. Cũng về vấn đề dân số, hiện học sinh vẫn được tham khảo theo SGK rằng ở nước ta “dân số còn tăng nhanh, cơ cấu dân số trẻ”. Trong khi đó, người đứng đầu Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình lại khẳng định rằng Việt Nam đã kết thúc thời kỳ “cơ cấu dân số trẻ” vào năm 2005 và hiện đang ở giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”.
Không những thế, về vấn đề mật độ dân số, nguồn lao động, tỷ lệ dân thành thị... cho đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành, theo thành phần kinh tế, theo lãnh thổ, các chỉ số giá trị sản xuất của các ngành kinh tế, các vùng kinh tế đã và đang thay đổi rất nhanh nhưng SGK Địa lý 12 đã không bắt mạch được nhịp phát triển ấy. Các chỉ số được đưa vào SGK là của 10, 11 năm về trước. Một ít số liệu được cập nhật sớm hơn nhưng cũng của năm 2006, tức cách đây đã 9 năm.
Ví dụ, dạy bài “Vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở đồng bằng sông Hồng”, giáo viên rất khó khăn để về định hướng phát triển kinh tế-xã hội vùng này vì theo SGK, định hướng phát triển cho vùng này chỉ đến năm 2010, trong khi thời điểm bây giờ là năm 2016.
Mặt khác, do tư liệu đã cũ nên kênh hình của SGK, kể cả Atlat địa lý Việt Nam cũng không đạt yêu cầu. Hàng loạt các công trình thủy điện như Tuyên Quang, Bản Vẽ, Rào Quán, A Vương, Sê San 4, Srêpôk 3, Buôn Kuôp, Đồng Nai 4, Đại Ninh đã hòa mạng lưới điện quốc gia. Có nhà máy đã khánh thành cách đây 8 năm như Rào Quán. Đặc biệt, Thủy điện Sơn La là nhà máy lớn nhất Đông Nam Á cũng đã được khánh thành, đã đưa vào sử dụng nhưng trong kênh hình SGK, Atlat vẫn được ký hiệu là “đang xây dựng”.
Vì thế, SGK Địa lý 12 không còn tính thời sự, thiếu tính thực tiễn. Một cuốn sách lỗi thời cứ được tái bản liên tục, không bổ sung, không chỉnh lý, đẩy các giáo viên và học sinh vào tình thế khó. Giáo viên thì có thể lên mạng cập nhật nhưng học sinh thì không làm được như vậy.
Sach loi thoi day giao vien va hoc sinh vao the kho-hinh-anh-1
Thầy giáo Lê Quốc Châu và học sinh Trường THPT Cù Huy Cận.
- Bộ không bổ sung, chỉnh lý nhưng có những điều chỉnh như thế nào để khắc phục tình trạng này?
-Thầy Lê Quốc Châu: Bộ quy định dạy học hiện nay bám chuẩn kiến thức, kỹ năng. Chuẩn kiến thức, kỹ năng mới là tài liệu pháp lệnh, SGK không phải là tài liệu pháp lý, mà chỉ là tài liệu tham khảo.
Nhưng tôi có tham khảo nhiều sách hướng dẫn ôn thi THPT quốc gia năm ngoái và cả năm nay, rồi cả đề thi THPT quốc gia năm vừa rồi, cấu trúc đề năm nay, cơ bản vẫn bám vào cấu trúc SGK. Học sinh không có tài liệu chuẩn kiến thức, kỹ năng để học; mà nếu có cũng chẳng có gì để học vì cuốn sách này viết quá tóm tắt, ngắn gọn. Vì vậy, tôi khuyên học sinh cần bám vào tài liệu giảng dạy của thầy trên lớp hoặc thầy phát cho để mà ôn thi.
Lẽ ra sau mỗi lần tái bản, Bộ GD-ĐT nên cập nhật số liệu mới, kể cả thay đổi nội dung kiến thức SGK cho phù hợp nhưng Bộ đã không làm, đẩy trách nhiệm này cho các cơ sở giáo dục, mà cụ thể là các giáo viên. Ví dụ, tái bản năm 2010 thì cập nhật số liệu, kiến thức đến 2009, tái bản 2015 thì cập nhật số liệu, kiến thức 2014.
Hiện nay, Bộ giao cho các giáo viên, các cơ sở giáo dục tự điều chỉnh chương trình, nội dung; tự cập nhật số liệu để giảng dạy. Tôi nhắc lại, Phân phối chương trình, Chuẩn kiến thức, kỹ năng, Tài liệu giảng dạy của thầy cô trên lớp mới là tài liệu chuẩn, còn SGK chỉ là một tài liệu tham khảo mà thôi.
Tôi nghĩ, cần viết lại SGK Địa lý 12, hiện nay không giáo viên nào có thể dạy học theo SGK, mà chủ yếu dạy theo chương trình Giáo dục tổng thể, theo Chuẩn kiến thức, kỹ năng của Bộ. Cá nhân tôi thì dạy theo cách của tôi.
- Xin cảm ơn thầy!
Lê Đình Dũng (thực hiện)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sách giáo khoa lỗi thời: Tăng tính tự chủ cho người thầy