Dù lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, nhưng không ít người thiếu ý thức sinh sống trong vùng đệm thường xuyên vào rừng săn bắt động vật, thủy sản, phá hoại tài nguyên rừng, nhất là gây cháy rừng.
Lén lút vào rừng gây nguy hại
Vườn Quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang) có diện tích 21.107 ha, trong đó vũng lõi chiếm 8.038 ha, vùng đệm chiếm 13.069 ha. Ông Trần Văn Thắng, Phó giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Thượng cho biết hằng năm đơn vị cử lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia chủ động phối hợp với UBND 2 xã trong vùng đệm là Minh Thuận, An Minh Bắc cùng với Hạt Kiểm lâm liên huyện Vĩnh Thuận - U Minh Thượng tổ chức nắm tình hình, xây dựng cơ sở, tố giác kịp thời phục vụ công tác tuần tra truy quét trong vùng lõi. Ngoài ra lực lượng chức năng còn tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở người dân không vi phạm vào rừng trái phép. Nhưng do thấy lợi trước mắt, nhiều người vẫn thường xuyên lén vào Vườn Quốc gia để săn bắt động vật, thủy sản. Vào mùa khô, họ còn hút thuốc, vứt tàn có thể gây cháy bất cứ lúc nào.
Trong năm 2020, lực lượng quản lý bảo vệ rừng đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, chống người xâm nhập vào rừng trái phép. Qua đó đã tổ chức 1.450 cuộc tuần tra (tăng 512 cuộc) với 8.347 lượt người tham gia (tăng 2.073 lượt so với năm 2019), phát hiện 5 vụ với 9 kẻ vi phạm vào rừng săn bắt động vật hoang dã (tăng 3 vụ, 4 người); đã chuyển Công an H.U Minh Thượng đề nghị truy tố 1 vụ với 4 người; chuyển Công an xã Minh Thuận 2 vụ với 3 người; Công an xã an Minh Bắc 1 vụ với 1 người và chuyển Hạt Kiểm lâm liên huyện Vĩnh Thuận - U Minh Thượng 1 vụ với 1 người đề nghị xử lý theo thẩm quyền.
Theo ông Thắng, mặc dù phát hiện bắt giữ xử phạt hành chính, thậm chí là hình sự, nhưng đâu lại vào đấy, bởi lẽ nếu phát hiện trường hợp vi phạm vào rừng săn bắt động vật, thủy sản mà giá trị dưới 5 triệu đồng thì chỉ xử lý hành chính phạt chừng vài trăm ngàn đến vài triệu đồng thì họ không sợ. Nếu họ chỉ cần bắt được vài ký cá hoặc động vật, như trăn, rắn, rùa, nhất là tê tê… thì giá trị bán cao gấp nhiều lần. Còn với trường hợp trị giá trên 5 triệu đồng trở lên thì chuyển cơ quan chức năng để xử lý hình sự. Kẻ trộm “chuyên nghiệp” khi bắt được động vật, thủy sản, cứ vài ký là họ chuyển ra ngoài chứ không đem ra một lần với số lượng nhiều nên khó xử lý hình sự. Trước đây có vài trường hợp xử lý hình sự, mức án phạt cao nhất cchỉ 2 năm tù giam, nên họ vẫn không từ bỏ, vẫn tái phạm.
Trong vụ xâm nhập rừng trái phép để săn bắt động vật hoang dã, hiện vật là con tê tê, Vườn quốc gia đã đề nghị Công an H.U Minh Thượng khởi tố các bị can: Nguyễn Trường Chinh (SN 1963), Nguyễn Hoàng Tấn (SN 1975) cùng ngụ ấp Minh Tiến, xã Minh Thuận; Nguyễn Văn Bình (SN 1975) ngụ ấp Kênh 6, xã Minh Thuận; Phạm Văn Yện (SN 1980) ngụ ấp 14, xã Khánh An, H.U Minh, tỉnh Cà Mau; Lê Văn Phương (SN 1990), Nguyễn Trọng An (SN 1991), Phạm Văn Vẹn (SN 1978) đều ngụ ấp Minh Dũng A, xã Minh Thuận. Trong đó Nguyễn Trường Chinh tái phạm lần 2.
Nhóm này chuyên vào Vườn Quốc gia U Minh Thượng để săn bắt tê tê - loài động vật quý hiếm hiện còn nhiều ở đây. Ra tòa, những người này thừa nhận do hoàn cảnh gia đình khó khăn, muốn tìm kế sinh nhai mới làm liều như vậy, chứ thực tế vẫn biết là vi phạm pháp luật. Thế nhưng, thường thì lời thú tội của các can phạm đều nại ra nhiều hoàn cảnh khác nhau để hòng chạy tội, nhưng với hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ và với bất kỳ hành động nào xâm hại tài nguyên rừng thì vẫn bị trừng trị thích đáng.
Manh động chống lực lượng bảo vệ rừng vụ
Theo ông Nguyễn Văn Cơ, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia U Minh Thượng, mặc dù Hạt bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát xuyên suốt, nhưng một số người vẫn lén lút vào rừng, nhất là thành phần bất hảo như rượu chè, cờ bạc… Sau khi cờ bạc thua hết tiền, họ làm liều, vào rừng cấm dùng trúm đặt bắt cá, lươn... Nguy hiểm nhất là tình trạng săn động vật hoang dã như heo rừng, rắn, trăn, nhất là tê tê. Gần đây xuất hiện kiểu săn bắt nguy hiểm hơn, là dùng điện để bắt cá. Hành vi này vừa gây nguy hiểm tính mạng người đi săn bắt vừa làm hủy diệt cá con. Trong năm 2020, lực lượng chức năng bắt được 15 người vào rừng trái phép thì có 6 người dùng điện săn bắt cá.
Nguy hiểm hơn, khi bị bắt và tịch thu tang vật, những kẻ này còn manh động. Gần đây, lực lượng tuần tra phát hiện và bắt được 1 người vào rừng cấm dùng điện bắt cá, sau đó tịch thu tang vật, chuyển người về xã để xử lý. Tối 21.2, anh ta đến Trạm Kiểm lâm số 11 và số 14 dùng gạch đá ném vào trạm, sau đó lấy chiếc xuồng của lực lượng kiểm lâm. Hiện đơn vị kiểm lâm đang kết hợp với công an khoanh vùng và truy bắt kẻ manh động này.
Điều bức xúc nhất hiện nay, trong khi Vườn Quốc gia thành lập khu cứu hộ động vật hoang dã để thả về rừng, thì đâu đó ngày đêm người ta vẫn lén vào bắt trộm. Từ năm 2015 đến nay, trung tâm tiếp nhận cứu hộ 745 cá thể động vật hoang dã, đã trả về tự nhiên 694 cá thể. Ngoài ra trung tâm còn gây nuôi phát triển 5 loài động vật hoang dã, có 3 loài sinh sản thành công trong môi trường nuôi nhốt. Hằng năm, trung tâm cứu hộ triển khai sinh sản nhân tạo thả về môi trường tự nhiên hơn 20.000 con cá bản địa (trê vàng, sặc rằn) để bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đó là chưa kể những năm trước, năm nào cũng thả nhiều động vật, thủy sản về rừng. Thế nhưng, nhiều con được thả lại tiếp tục mắc bẫy do kẻ xấu gài đặt trong vùng cấm săn bắt.