Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) nhận định nợ xấu hiện vẫn ở mức thấp nhưng rủi ro nợ tái cơ cấu trở thành nợ xấu đang hiện hữu.
CPI bình quân năm 2021 ở mức dưới 4%
Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) cho biết tỷ lệ lạm phát 6 tháng đầu năm vẫn được kiểm soát ở mức thấp. Lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,47%, lạm phát cơ bản bình quân tăng 0,87% so với cùng kỳ, đây là các mức tăng thấp nhất trong 5 năm gần đây.
Trong 6 tháng đầu năm, CPI tăng chủ yếu là do sự tăng giá của một số nhóm hàng như nhóm lương thực tăng 4,41%; nhóm giao thông tăng 15,5%; nhóm vật liệu xây dựng tăng 4% so với cùng kỳ…
NCIF cho rằng sự tăng giá của các nhóm hàng này chủ yếu là do sự tăng giá của hàng hóa thế giới như sắt thép, xăng dầu đã ảnh hưởng đến giá hàng hóa trong nước. Tuy nhiên, sự bùng phát đợt COVID-19 vào tháng 4 đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng khiến giá thực phẩm giảm hơn 2%, văn hóa, thể thao, giải trí đã giảm 0,7% so với cùng kỳ, góp phần kiềm chế CPI tăng cao trong 6 tháng đầu năm.
Với nhiều chỉ số tài chính vĩ mô như tỷ giá, lãi suất tương đối ổn định thì nguyên nhân chính gây ra lạm phát 6 tháng đầu năm là do giá cả hàng hóa nguyên vật liệu thế giới tăng, ảnh hưởng đến giá hàng hóa trong nước.
Theo dự báo của IMF (4.2021), lạm phát toàn cầu năm 2021 sẽ tăng 2,8% so với mức 2% năm 2020 do giá cả của các hàng hóa cơ bản tăng mạnh. Do đó áp lực lạm phát lên 6 tháng cuối năm do tăng giá hàng hóa trong nước là rất lớn. Tuy nhiên, với tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc vẫn phải giãn cách xã hội có thể khiến cho nhu cầu tiêu dùng trong nước hồi phục chậm, dự báo CPI bình quân năm 2021 sẽ vẫn được duy trì ở mức dưới 4%.
Cũng theo NCIF, tỷ giá USD/VND 6 tháng đầu năm khá ổn định và dự báo sẽ tiếp tục duy trì trạng thái này trong năm 2021. Điều này đạt được do sự hỗ trợ bởi các yếu tố tích cực như đầu tư trực tiếp nước ngoài và dự trữ ngoại hối ở mức khá, lạm phát ở mức thấp.
Tỷ giá ổn định là một trong những yếu tố nền tảng củng cố xu hướng lãi suất thấp, hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các khoản vay trung và dài hạn.
Rủi ro nợ tái cơ cấu trở thành nợ xấu đang hiện hữu
Theo NCIF, nhu cầu tín dụng tăng mạnh trước triển vọng phục hồi sản xuất, kinh doanh và việc mở rộng điều kiện cơ cấu nợ. Quý 1/2021, nhu cầu vốn tăng mạnh, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 2,93% trên cơ sở tăng trưởng kinh tế phục hồi ở mức 4,65%.
Tháng 5-6.2021, xu hướng gia tăng nhu cầu tín dụng có chậm lại do ảnh hưởng của đợt dịch mới. Ước tính đến hết tháng 6.2021, tăng trưởng tín dụng đã đạt gần 6% so với mức tăng 3,6% của cùng kỳ năm 2020 (dù còn thấp hơn mức tăng 7,4% cùng kỳ năm 2019).
Dự kiến cầu tín dụng sẽ tiếp tục tăng mạnh cùng với sự phục hồi của các nhiều ngành công nghiệp, xuất khẩu, thương mại và du lịch ngay khi đợt dịch thứ 4 trong năm được kiểm soát.
NCIF cũng cho biết việc bổ sung thêm các điều kiện cho phép tái cơ cấu các khoản nợ trong Thông tư 03/2021/TT-NHNN cũng sẽ hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp vay vốn sản xuất, kinh doanh.
“Khi các khoản vay được xếp vào diện được cơ cấu, được gia hạn về thời gian trả nợ sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực chi phí tài chính trong giai đoạn phục hồi sản xuất sau dịch COVID-19. Theo đó, tăng trưởng tín dụng cả năm 2021 có thể vượt mục tiêu tăng trưởng 10-12% nếu triển vọng phục hồi sản xuất, kinh doanh được duy trì”, NCIF nhận định.
Trong báo cáo này, NCIF nhận định nợ xấu hiện vẫn ở mức thấp nhưng rủi ro nợ tái cơ cấu trở thành nợ xấu đang hiện hữu.
Tính chung trong toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu được công bố hiện vẫn ở mức thấp. Thông tư 03/2021/TT-NHNN cho phép gia hạn thời gian trả nợ sẽ góp phần duy trì tỷ lệ nợ xấu thấp trong năm 2021.
“Nợ xấu còn thấp nhưng rõ ràng số lượng nợ cơ cấu lại tương đối cao, chưa kể tình hình giải quyết nợ xấu của các ngân hàng chưa đồng đều. Do vậy, nguy cơ nợ tái cơ cấu trở thành nợ xấu ngày càng rõ rệt, đặc biệt trong bối cảnh sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp giảm dần trước sự kéo dài của dịch COVID-19”, NCIF nêu và nhận định dịch COVID-19 kéo dài có nguy cơ tác động xấu hơn đến khách hàng và khả năng trả nợ trong thời gian tới.
Chi đầu tư phát triển thấp
Theo nhận định của NCIF, thu ngân sách đạt kết quả khá trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên số thu tăng chủ yếu là từ thu hoạt động kinh doanh chứng khoán, chuyển nhượng bất động sản, hoạt động sáp nhập và chuyển nhượng vốn.
Thu NSNN 6 tháng đầu năm đạt 781 nghìn tỉ đồng, bằng 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu nội địa ước đạt 636,16 nghìn tỉ đồng, bằng 56,3% dự toán, tăng 13,9% so cùng kỳ năm 2020.
Các khoản thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt trên 52% dự toán và tăng trên 17% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 52,8% dự toán, tăng 17,8%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đạt 57,7% dự toán, tăng 19,9%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh ước đạt 59,3% dự toán, tăng 39,6%.
Tuy nhiên, NCIF cho hay, xét về nguồn gốc gia tăng thu NSNN, có thể thấy, số thu NSNN 6 tháng đầu tăng chủ yếu là do thu trong các lĩnh vực tăng trưởng nóng như chứng khoán, bất động sản, sáp nhập và chuyển nhượng vốn cùng tăng thu từ thu hồi nợ thuế.
Cụ thể, thu từ hoạt động sáp nhập, hợp nhất, đánh giá lại tài sản khi góp vốn, chuyển nhượng vốn tăng gấp 2,6 lần cùng kỳ, tương đương mức tăng khoảng 3.500 tỉ đồng; thu từ hoạt động kinh doanh chứng khoán tăng gấp 2,47 lần cùng kỳ, tương đương mức tăng khoảng 2.600 tỉ đồng; thu từ thu hồi nợ thuế ước đạt 16.302 tỉ đồng, bằng 54,2% chỉ tiêu thu nợ được giao.
Chi ngân sách nằm trong dự toán, nhưng chi đầu tư phát triển thấp, nguyên nhân một phần do giải ngân đầu tư công chậm. Các khoản chi tăng chủ yếu là tăng chi cho công tác phòng chống COVID-19 và thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội.
NCIF nhận định, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng chi NSNN 6 tháng đầu năm cơ bản theo tiến độ dự toán cho các nhiệm vụ quan trọng phát sinh về phòng chống thiên tai, dịch bệnh, y tế, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh.