Năm nay lũ về muộn, bà con nông - ngư dân ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ đều thất thoát mùa cá linh và các đặc sản mùa nước nổi như cua, ốc, lươn, rắn, ếch… Thế nhưng, bù lại, một số nơi đã chuyển sang săn bắt chuột đồng, rộn ràng nhất là tại các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp…

Rộn ràng mùa săn chuột đồng

DDVN | 07/11/2016, 08:08

Năm nay lũ về muộn, bà con nông - ngư dân ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ đều thất thoát mùa cá linh và các đặc sản mùa nước nổi như cua, ốc, lươn, rắn, ếch… Thế nhưng, bù lại, một số nơi đã chuyển sang săn bắt chuột đồng, rộn ràng nhất là tại các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp…

Săn đặc sản... chuột đồng

Chuột đồng hiện nay được coi là đặc sản của miền Tây nên giá chuột có lúc ngang hàng với thịt heo. Vì vậy, cứ đến mùa nước nổi, bà con miệt vườn, nhất là cánh thanh niên thường rủ nhau tổ chức những chuyến săn chuột đồng thật thú vị. Vào những ngày này, hầu như nơi nào cũng có những nhóm người, nhiều 5 - 10 người, ít nhất cũng vài ba người lội bộ hoặc bơi xuồng đi săn chuột. Thường mùa chuột bắt đầu từ sau vụ Đông Xuân cho đến lúc sa mưa. Khi đó, người ta đánh bắt chuột chủ yếu bằng bẫy rập, có nơi mỗi ngày thu gom hàng tấn chuột để mổ thịt hoặc chuyển chuột sống đến các chợ đầu mối khắp các tỉnh, thành.

Còn mùa nước nổi, chuột đồng không nơi sinh sống, chúng phải tìm các gò đất cao hoặc nơi lùm bụi để trú ẩn. Muốn bắt chúng, người dân phải tổ chức đi săn bắt bằng nhiều hình thức khác nhau. Khi con nước tháng 8, tháng 9 vừa tràn bờ cũng là lúc lũ chuột đồng rút vào các lùm cây, bụi rậm. Vào những ngày này, bà con ở miệt vườn rộn ràng xách chĩa ra đồng, dắt theo những con chó săn “hiếu chiến” để đánh hơi và lùng sục.

Khi phát hiện có chuột, họ chia nhau đứng mỗi người một góc rồi cho chó “quần”. Lũ chuột nghe động sẽ chạy tán loạn hoặc tìm cách chui vào hang, lớp leo cây, lớp nhào xuống nước thoát thân. Lúc đó, những tay “thiện xạ” sẽ có dịp trổ tài phóng chĩa. Nhiều tay thợ săn chuyên nghiệp còn dùng cả ghe, xuồng bao vây tứ phía, người dùng chĩa, kẻ dùng gậy, tấn công vào tận các sào huyệt của lũ chuột dọc theo các cồn, bãi hoặc các mé vườn, bìa rừng. Nhưng lực lượng xung kích vẫn là các chú chó thiện chiến, chuyên lùng sục và rượt đuổi khiến cho chuột không còn đường lẩn trốn.

Đặc biệt nhất làchuột cống nhum, một loài chuột to con, nặng cả nửa ký, giá trị kinh tế khá cao. Loài chuột này thường ẩn trốn trên các gò cao, nơi hoang vắng. Chúng khôn ngoan và táo tợn, muốn bắt chúng phải nhờ chó săn đánh hơi, sau đó mới tìm miệng hang un khói hoặc đổ nước vào hang cho đến khi bị ngộp chúng mới chịu chuira.

Những cách săn chuột độc đáo

Cách săn bắt chuột độc đáo nhất trong mùa nước nổi là dùng lưới bao hoặc chà di chặn ngay miệng hang rồi đổ nước cho chuột ngộp sẽ tự động chui vào lưới hoặc chà di. Cách thứ hai là chọn những gò đất cao, rậm, nhiều cỏ và rơm rạ rồi giậm cù cho chuột chạy ra để tóm cổ từng con. Hiệu quả nhất là cho chó đánh hơi miệng hang. Nếu phát hiện có chuột, mọi người sẽ dùng xẻng xúm vào đào hang bắt trọn ổ, bình quân mỗi hang từ vài ba con đến vài ba chục con.

Anh Lê Văn Thiện cùng một nhóm thợ săn khoảng 5 người chuyên đào hang bắt chuột ở huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ cho biết, mỗi ngày các anh săn bắt trên 20 kgchuột. Nếu bắt được cống nhum, giá sẽ cao hơn gấp rưỡi. Trước kia, người ta săn chuột chủ yếu để làm món nhậu hoặc cải thiện các bữa ăn gia đình. Ngày nay, đa phần săn chuột là để kiếm thêm thu nhập, do đó cách săn bắt cũng ngày càng cải tiến.

Để đánh bắt được nhiều, bà con ở miền Tây thường tổ chức đi săn vào ban đêm. Mỗi người cần có một chiếc xuồng nhỏ, vài ba cây chĩa nhà nghề và một chiếc đèn pin gắn trên trán. Chiều tối bà con trong xóm rủ nhau ra đồng, mỗi người một hướng bơi xuồng dọc theo các bờ đê. Mỗi lần phát hiện có chuột họ dùng chĩa phóng. Muốn săn chuột bằng chĩa phải là những tay thiện xạ, phóng chĩa chính xác mới có thể bắt được nhiều. Bình quân một người thợ giỏi mỗi đêm có thể thu hoạch từ 5 đến 10 kgchuột.

Chuột săn được họ lột da làm sạch ngay trong đêm để sáng sớm chở đi giao hàng cho các chợ đầu mối. Anh Thiện cũng cho biết, vào mùa nước nổi, chuột ở hang bao giờ cũng mập, nhiều mỡ và thịt thơm ngon hơn chuột ruộng nên rất dễ tiêu thụ. Chuột săn được ngoài việc bán thịt còn có thể cung cấp cho các hộ nuôi trăn vì hiện nay, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có tới hàng trăm hộ nuôi trăn lấy da xuất khẩu nên nhu cầu tiêu thụ rất cao, giá cả lúc nào cũng hấp dẫn. Nhờ vậy, sau những chuyến đi săn ngoạn mục, mỗi người có thể kiếm thêm thu nhập cho gia đình mỗi ngày vài trăm ngàn đồng, quan trọng là giúp cho nhà nông loại trừ bớt “lũ giặc” phá hoại mùa màng.

Hoài Phương / Duyên dáng Việt Nam
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rộn ràng mùa săn chuột đồng