Cách đây gần 100 năm, nữ họa sĩ Romaine Brooks đã vượt qua mọi định kiến trong xã hội để bước đầu phác họa lên hình ảnh của người đồng tính nữ hiện đại. Bản thân bà cũng có mối quan hệ yêu đương kéo dài 50 năm với nữ nhà văn người Mỹ Natalie Barney.

Romaine Brooks - Người mở đường cho giới đồng tính nữ hiện đại

Chí Thiện | 31/10/2017, 19:53

Cách đây gần 100 năm, nữ họa sĩ Romaine Brooks đã vượt qua mọi định kiến trong xã hội để bước đầu phác họa lên hình ảnh của người đồng tính nữ hiện đại. Bản thân bà cũng có mối quan hệ yêu đương kéo dài 50 năm với nữ nhà văn người Mỹ Natalie Barney.

Trong lần đầu được triển lãm tại sự kiện Paris Salon vào năm 1865, bức Olympia của Edouard Manet đã gây ra nhiều tranh cãi bởi hình ảnh khỏa thân cởi mở về giới tính. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với bức Nude Maja của Francisco Goya. Hai bức tranh này khá nổi tiếng vì tính chất tiên phong của mình thế nhưng ít ai biết được bên cạnh chúng còn phải kể đến bức White Azaleas vẽ vào năm 1910 của Romaine Brooks. Bức tranh này ghi lại hình ảnh một người phụ nữ khỏa thân trong nhà riêng của vị họa sĩ. Nhưng điều khiến nó nổi bật hơn cả không phải là ở sự phóng khoáng về xác thịt và chính là ở việc tác giả của nó vốn là một phụ nữ.

Bức Olympa củaEdouard Manet
Bức White Azaleas của Romaine Brooks

Romaine Brooks, tên thật là Beatrice Romaine Goddard, được sinh ra trong một gia đình giàu có ở Mỹ vào năm 1874. Bố của bà sớm rời bỏ gia đình, để lại bà cùng em trai Henry cho người mẹ tên Ella chăm sóc. Trong suốt tuổi thơ của mình, bà đã phải chịu đựng sự hành hạ và đánh đập từ người mẹ có nhiều triệu chứng thần kinh. Mặc dù vậy, điều tệ nhất chính là Ella đã cấm tuyệt Brooks cầm cọ vẽ.

Bất chấp sự cấm đoán vô lý đó, Brooks vẫn âm thầm làm quen với nghệ thuật. Trong cuốn tự truyện chưa từng được xuất bản tên No Happy Memories, Brooks viết: "Không có dụng cụ nào phục vụ cho trí tưởng tượng của mình, tôi chỉ có thể dùng phấn để vẽ lên bảng đen mỗi khi ở một mình". Đúng như tên gọi của cuốn sách, tuổi thơ của Brooks tràn ngập những nỗi đau. Vào năm 7 tuổi, mẹ của bà gửi bà đến sống cùng một gia đình thợ giặt tại một khu nhà tập thể ở New York trong khi em trai của bà cùng mẹ đi châu Âu để chữa bệnh. Sau đó, bà được gửi đến học tại một trường dòng rồi sau đó được gửi đến một nữ tu viện ở Ý.

Romaine Brooks khi còn trẻ

Năm 19 tuổi, bà chuyển đến Paris sống. Hai năm sau đó, bà đi Rome để theo học nghệ thuật tại Scuola Nazionale và Circolo Artistico. Ở đó, bà trở thành cô gái đầu tiên được theo học tại một ngôi trường vốn chỉ dành cho nam giới. Trong thời gian này, Brooks đã phải đối mắt với nhiều kỳ thị và bất công vì giới tính của mình. Thậm chí, bà còn nhiều lần bị chọc ghẹo và lạm dụng nhưng bà cũng không vì thế mà cúi đầu chịu thua.

Brooks chưa bao giờ muốn đi theo hình mẫu phụ nữ lý tưởng vào thời điểm bấy giờ. Bà giao du với nhiều người thuộc giới thượng lưu châu Âu và dân nhập cư Mỹ. Hầu hết những người này đều rất sáng tạo, phóng khoáng và là người đồng tính.

Vào năm 1901, em trai và mẹ của bà lần lượt qua đời trong một thời gian ngắn. Brooks thừa kế hầu hết tài sải của gia đình mình. Với nguồn tài chính mới, bà quay lại sinh sống ở Paris. Chính tại nơi đây, bà đã kết hôn với một người bạn đồng tính nam - nghệ sĩ piano John Ellington Brooks.

Bức tranh tự họa Romaine Brooks

Mặc dù đến nay vẫn không ai biết rõ nguyên nhân của cuộc hôn nhân này nhưng nhà tiểu sử gia Meryle Secrest phỏng đoán Brooks cần một người đồng hành trong đời mình và bà cũng lo lắng về tài chính của người chồng tương lai. Bà cũng hoàn toàn vui vẻ khi có được cái tên mới, để có thể bỏ lại những ký ức không hay về gia đình trong quá khứ.

Tuy vậy, cuộc hôn nhân này không kéo dài được bao lâu. Một trong những nguyên nhân chính của cuộc chia tay là bởi John Brooks không thể chấp nhận phong cách nam tính cùng mái tóc ngắn của Romaine Brooks. Khi ông muốn sửa lại hình tượng cho bà thì bà đã tỏ thái độ khinh miệt với mong mỏi sống hòa vào xã hội của ông.

Cũng chính vào thời điểm này, Brooks bắt đầu để mắt đến các tác phẩm của James Abbott McNeill Whistler, một họa sĩ Mỹ sinh sống tại Anh. Cách dùng màu trọng xám của Whistler đã hoàn toàn chinh phục Brooks. Bà bắt đầu học hỏi và cho ra đời những tác phẩm với các mảng màu tương tự, trái với phong cách màu sáng theo lối Fauves đang được ưa chuộng thời đó.

Vào năm 1910, Brooks được mời triển lãm các tác phẩm của mình tại Paris. Nổi bật nhất trong các tác phẩm của bà là bức White Azealeas. Đây là bức chân dung của Ida Rubinstein, người tình và nàng thơ của bà vào thời điểm đó. Bà hoàn toàn bị chinh phục bởi khuôn mặt góc cạnh cùng là da trắng sáng của Rubinstein.

Tuy nhiên, Rubinstein không phải là người tình lâu dài của Brooks. Mối quan hệ sâu đậm nhất của Brooks là với Natalie Barney, một nhà văn người Mỹ đang điều hành một phòng văn Sapphic tại khu Left Bank của Paris. Họ đã chung sống với nhau trong 50 năm. Cùng nhau, họ đã cống hiến hết sức mình cho phong trào nữ quyền cũng như cho nghệ thuật Tây phương.

Natalie Barney và Romaine Brooks

Trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, Brooks đã vẽ nên nhiều bức chân dung về phụ nữ. Nhờ đó, bà đã bước đầu gầy dựng nên hình ảnh của người đồng tính nữ ngày nay, có người gợi cảm, có người không, có người nam tính, có người nữ tính, nhưng những hình ảnh này đều có điểm chung là chúng không phục vụ cho hình tượng mẫu thường thấy về phụ nữ. Chính vì vậy, những hình ảnh chân thật này đến nay vần còn nhiều giá trị.

Vào năm 2000, nhà phê bình nghệ thuật Holland Cotter đã tóm gọn lại tư tưởng nghệ thuật của bà trong bức chân dung tự họa vẽ vào năm 1923. Ông nói: "Một trong những trọng điểm của bức tranh nằm ở chỗ bà ấy dõi theo bạn trước cả khi bạn đến gần để ngắm bà. Bà ấy không thụ động mời mọc bạn đến gần, bà mới chính là người quyết định liệu bạn có xứng đáng hay không. Và sự thật là, bạn không xứng đáng, ít ra là vậy nếu bạn tin vào những cách nhìn tầm thường về nam và nữ".

BứcRenata Borgatti at the Piano (1920)

Ngày nay, sự thoải mái về xu hướng tính dục hay bản dạng giới đều đã được thể hiện rõ trong các tác phẩm nghệ thuật đương đại. Tuy vậy, trong thời điểm mà Brooks sống, ý tưởng một người nữ ham muốn một người nữ khác, hoặc một người nữ hoàn toàn không ham muốn một người nam là những điều tuyệt đối cấm kỵ. Brooks chính là người đã thay đổi điều đó. Chính những nét cọ của bà đã làm thay đổi lịch sử hội họa cũng như lịch sử về bình đẳng giới.

Toàn Tăng (theo Huffington Post)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Romaine Brooks - Người mở đường cho giới đồng tính nữ hiện đại