Tại Lễ ký kết, SAPA Thale và Trường đại học Công nghệ Giao thông Vận tải cũng ra mắt ứng dụng gọi xe từ điện thoại thông minh APPP. Đây là dự án được SAPA Thale tài trợ cùng phát triển với nhóm nghiên cứu của Trường đại học Công nghệ Giao thông Vận tải và sẽ được triển khai tại Việt Nam.
Ngày 5.5 tại Trường đại học Công nghệ Giao thông Vận tải (Hà Nội), Công ty SAPA Thale (Đức) đã tiến hành Lễ Ký kết hợp tác toàn diện với Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải. Hợp tác giữa hai bên được ghi nhận trong nhiều lĩnh vực từ nghiên cứu phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ nghiệp vụ mềm cho giảng viên… cho tới hợp tác hướng nghiệp cho sinh viên.
Phát biểu tại Lễ Ký kết, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhận định: “Trước những thách thức của thời đại, gắn liền với xu thế toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, GTVT là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần ưu tiên đầu tư phát triển đi trước một bước với tốc độ nhanh, bền vững nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”.
Đặc biệt, tại lễ ký kết, SAPA Thale và Trường đại học Công nghệ Giao thông Vận tải đã ra mắt ứng dụng gọi xe từ điện thoại thông minh: APPP. Đây là dự án được công ty SAPA Thale tài trợ cùng phát triển với nhóm nghiên cứu của Trường đại học Công nghệ Giao thông Vận tải và ứng dụng sẽ được triển khai tại Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Đắc Nghiệp - Nghị sĩ đảng Liên minh Dân chủCơ đốc giáo CDU- Đức, kiêm TGĐ điều hành Tập đoàn SAPA Thale, ứng dụng có sự kết hợp nhiều tính năng mới với thế mạnh am hiểu người dùng Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của thị trường Việt Nam đồng thời, ứng dụng cũng thể hiện được những công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực này. Đây được xem là cách tiếp cận mới trong lĩnh vực GTVT nhằm tìm kiếm những giải pháp giao thông thông minh giúp cải thiện tình hình giao thông công cộng, nâng cao hiệu quả vận tải hàng hóa và giảm thiểu tác động môi trường… tại Việt Nam.
Lễ Ký kết Hợp tác chiến lược và ra mắt ứng dụng gọi xe APPP giữa công tySAPA Thale và Trường đại họcCông nghệ Giao thông Vận tải - Ảnh: BTC
Liên quan đến tính năng sản phẩm, SAPA Thale có nhiều loại xe khác nhau từ xe 4 chỗ, xe 7 chỗ và dòng xe cao cấp và nhiều loại phương tiện khác trong đó có một số phương tiện phục vụ nhu cầu công cộng nên phía công ty vẫn áp dụng mức giá truyền thống trong ngành giao thông vận tải (giá mở của và giá trên từng km).
Được biết, ứng dụng trong tương lai có khả năng áp dụng trí tuệ nhân tạo để phía công ty có thể đoán biết được, học được thói quen của người dùng từ đó gợi ý cho người dùng tất cả các dịch vụ trong đó có việc đi lại. Hiện tại, SAPA Thale đang cân nhắc một vài phương án về giá; theo đó, giá mở cửa giao động từ 8.000 - 8.500 đồng/km và giá di chuyển trên đường giao động từ 6.000 - 6.300 đồng/km.
“Chúng tôi cũng đặt nhiều hy vọng về ứng dụng mới về quản lý giao thông đô thị như ứng dụng gọi xe APPP mà Trường đại học Công nghệ Giao thông vận tải Hà Nội phối hợp phát triển cùng công ty SAPA Thale bởi đây là ứng dụng có tính thực tiễn cao, giải quyết ngay những vấn đề của giao thông đô thị Việt Nam”, ông Mai Hải Đăng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị SAPA Thale nói.
Theo Nghị sĩ Nguyễn Đắc Nghiệp, đây là thời điểm để các nhà đầu tư Đức - Việt nhận diện đúng cơ hội đã mở ra và cần tận dụng tốt cho việc thúc đẩy kinh tế, thương mại hai bên. Việc hộ bằng các đề xuất, chính sách sẽ nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam và ngược lại, tìm các cơ hội để đưa nhiều hàng hóa của Việt Nam tiếp cận thị trường Đức, mở rộng hơn cánh cửa vào thị trường châu Âu rộng lớn.
Đồng quan điểm với ông Nghiệp, PGS.TS Đào Văn Đông – Hiệu trưởng nhà trường cũng mong muốn mở rộng thiết lập quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thông qua các hợp tác này, nhà trường có thể đẩy mạnh chất lượng giảng dạy, nghiên cứu cũng như khả năng áp dụng thực tế các giải pháp do Trường nghiên cứu.
Thu Anh