Tôi ôm giấc mộng trở thành một người trưởng thành nhưng vẫn lưu giữ nét hồn nhiên trẻ thơ trong khi vẫn không đánh mất phẩm vị, và mạnh mẽ tiến về phía trước mỗi khi chuẩn bị bắt đầu một điều gì đó nhưng lại do dự bởi tuổi tác.

Quyền tách khỏi đám đông - Sống như một người trưởng thành lưu giữ nét hồn nhiên trẻ thơ

Trí Việt | 19/04/2021, 17:00

Tôi ôm giấc mộng trở thành một người trưởng thành nhưng vẫn lưu giữ nét hồn nhiên trẻ thơ trong khi vẫn không đánh mất phẩm vị, và mạnh mẽ tiến về phía trước mỗi khi chuẩn bị bắt đầu một điều gì đó nhưng lại do dự bởi tuổi tác.

Nhà vệ sinh của lũ bọ ở đâu?

Thỉnh thoảng trên internet lại lan truyền các bài thi có đáp án độc đáo khác thường từ các học sinh tiểu học. Trong số đó, có một đáp án đến tận giờ tôi vẫn không quên. Đó là một bài kiểm tra ngữ văn điền vào chỗ trống để hoàn thành câu tục ngữ.

“Anh em họ mua đất thì…“

Đáp án chúng ta vẫn biết là “Anh em họ mua đất thì ta nhói lòng”. Thế nhưng, một học sinh tiểu học đã trả lời thế này, bằng nét bút nguệch ngoạc: “Anh em họ mua đất thì em sẽ đi xem”.

Ngay khi đọc câu trả lời này, tôi đã bật cười sảng khoái. Và rồi cảm thán. Con người nhất định phải nên sống thế này. Nếu chúng ta sống với tấm lòng ấy, thì thế giới hôm nay đã không biến thành tình cảnh hiện tại. Vì những đứa trẻ vốn trong sáng và giản dị, nên chúng mới có thể trả lời mà không hề vương chút tự ái hay đố kị nào. Nghĩ lại thì những phiền toái của người lớn như lòng đố kỵ và ghen tức, hoặc thứ độc tố hay so sánh với người khác đều là kết quả được luyện thành dưới quá trình xã hội hóa, nào phải bẩm sinh vốn có.    

Không lâu trước đây tôi có xem một bộ phim cũ, tựa đề là Goodbye My Friend, trong phim có một cảnh khiến tôi cứ cười tủm tỉm một mình. Dexter, một cậu bé bị nhiễm AIDS sau khi được truyền máu, và người bạn hàng xóm Erik đã có một tình bạn có một không hai, vượt qua định kiến thế giới. Erik tuyên bố sẽ tìm ra loại thảo dược cứu sống bạn mình, và cậu đã đi tìm tất cả hoa và lá ở bờ sông gần nhà. Dưới đây là cuộc đối thoại trong lúc lộn tung mọi ngóc ngách trong một bụi cỏ của hai cậu bé.

Dexter: Mình có một tò mò, không biết nhà vệ sinh của lũ bọ ở đâu nhỉ?

Erik: Không phải trên lá cây đâu.

Dexter: Sao cậu tin chắc như thế?

Erik: Lá cây là thức ăn của lũ bọ mà. Có con bọ nào ngớ ngẩn đến mức ị ra trên thức ăn của mình đâu?

Một đáp án không thể đáng yêu và dễ thương hơn. Nếu theo lời Erik, thì không ai ngớ ngẩn bằng lũ bọ cả. Bởi sự thật đúng là chúng ị ra trên lá cây. Không chỉ ị ra, chúng còn chen chúc di chuyển trên đó. Cho đến nay vẫn chưa xảy ra cuộc cách mạng nào tạo nên thay đổi trong xã hội của lũ bọ về việc chúng ở bẩn chết đi được và rằng chúng cần làm riêng nhà vệ sinh. Trong hàng ngàn năm, những chú bọ này đã gặm lá trước mặt và ị phân ở phía sau.

Nhà tâm lý học Daniel Gilbert đã từng để lại lời phê bình gay gắt về việc tại sao con người không thể thỏa mãn với bản thân của hiện tại và buộc phải mang một linh hồn đói khát mọi lúc: Con người là loài động vật duy nhất lo nghĩ về tương lai. Không có chú chuột chũi nào để tâm đến việc mình sẽ béo khi ăn, cũng không có chú voi nào lo đến nếp nhăn quanh mắt hay chú gấu trúc nào nghĩ về lương thực của năm sau.

Đúng thế. Ở loài người tồn tại một quan niệm về thời gian, đại loại như tương lai, quá khứ, hiện tại. Không biết chừng chúng ta đã trở thành những người lớn bị xâm chiếm bởi nỗi bất an ngay khoảnh khắc ta bắt đầu nhận thức về thời gian.

quote-quyentachkhoidamdong-02.jpg

Sống với tấm lòng của một đứa trẻ

Tôi từng đọc qua một tình huống trong một quyển tiểu thuyết nào đó, tả cảnh nhân vật chính giật mình hoảng hốt và rơi vào tuyệt vọng trước bản thân vì bước sang tuổi 25. Trùng hợp là thời điểm đọc quyển tiểu thuyết đó, tôi 25 tuổi. Tôi đã đọc đi đọc lại đoạn đó mấy lần, sau đó thì lại trùm kín chăn và nằm dài như người thất tình. Không hiểu sao tôi lại giống nhân vật chính trong tiểu thuyết ấy, cảm thấy bản thân cần phải lo nghĩ cho hiện thực ảm đạm thay vì đốt cháy tinh thần để chiến đấu cho cuộc sống này.    

“25 tuổi như thế đã gọi là có tuổi rồi. Mình phải làm sao đây...”

Giờ nghĩ lại tôi chỉ thấy buồn cười. 25, tuổi ấy thật tươi trẻ và mơn mởn biết chừng nào. 30 cũng thế, 40 cũng vậy. Khi tuổi thọ trung bình tăng lên, tuổi đời ngày nay phải giảm đi 20% của tuổi thực để cân bằng so với độ tuổi thực của người thời trước.

Tuy nhiên, chúng ta phản ứng đặc biệt nhạy cảm khi tuổi tác bước sang một đơn vị 10 năm khác. 30 là thế, 40, 50 cũng vậy. Phải sau một thời gian kéo dài sự đau lòng, chúng ta mới miễn cưỡng chấp nhận tuổi tác của mình. Tôi cũng không ngoại lệ. Khi tuổi 30 ở ngay trước mắt, tôi đã khó chịu với tuổi tác của mình như thể đang bị mắc gai ở cổ họng, và ném vô vàn câu hỏi vào những người đi trước trên trường đời. Tôi cũng sưu tầm sách và thơ đề cập đến tuổi 30. Trong đó, có một đoạn trong bài thơ Tuổi 30 của nhà thơ Jin Eun-young mà mỗi lần nghĩ đến tôi đều nổi da gà.

“Ác đức phạm phải từ lúc này

Khắc ghi mãi đến khi chết.”

Trên trời, ngay cả khi nguyền rủa cũng không có lời nguyền nào thế này. Lời này ngụ ý rằng ác đức con người thực sự phạm phải sẽ tích tụ quá mức sau tuổi 30. Sự tự nhận thức lạnh lùng về tuổi tác, nỗi ám ảnh tuổi trẻ, áp lực phải trưởng thành, gánh nặng phải chín chắn đúng tuổi... Tất cả những điều này có lẽ đã xuất hiện từ khi chúng ta hiến dâng bản tính ngây thơ và tâm hồn trong sáng của một đứa trẻ cho thế giới nhân danh xã hội hóa.

Đôi khi, tôi muốn tận hưởng quyền không trở thành người lớn. Tôi không có ý muốn chối bỏ trách nhiệm. Tôi muốn nói về quyền sống một cách trong sáng thuần khiết, để không chút tư tâm đi xem mảnh đất anh em họ vừa mua, để tò mò tự hỏi xem lũ côn trùng đi đại tiện ở đâu, để cười hết mình như chú voi con mà không để tâm những nếp nhăn quanh mắt. Tôi chính là muốn sống với tấm lòng của một đứa trẻ, một tấm lòng mà bất cứ ai đều sở hữu, bất cứ ai cũng có thể tận hưởng nhưng lại sớm từ bỏ bởi sự ràng buộc trong khuôn khổ mang tên tuổi tác.

Tôi muốn sống như một người trưởng thành lưu giữ nét hồn nhiên trẻ thơ trong khi vẫn không đánh mất phẩm vị, có thể hô to: “Không đâu, có muộn thì cũng muộn bao nhiêu đâu!” và mạnh mẽ tiến về phía trước mỗi khi chuẩn bị bắt đầu một điều gì đó nhưng lại do dự bởi tuổi tác, có thể tản bộ trong một chiếc áo hoodie ngay cả khi đã bước sang tuổi 70, 80, trăn trở và cổ vũ cho thế giới nơi những người trẻ sau này sẽ sống thay vì chỉ trăn trở và cổ vũ lợi ích của thời đại mình. Tôi ôm giấc mộng trở thành một người trưởng thành như thế.

Theo Quyền tách khỏi đám đông

Bài liên quan
‘Quyền tách khỏi đám đông’: Khi người trẻ dũng cảm sống khác
“Quyền tách khỏi đám đông” cổ vũ một xu hướng, một lối sống khác biệt số đông và được tác giả gọi tên đầy kiêu hãnh: Quyền không làm gì.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quyền tách khỏi đám đông - Sống như một người trưởng thành lưu giữ nét hồn nhiên trẻ thơ