Theo tính toán, trong 10 năm tới, mỗi năm cần tới 13 tỉ USD để triển khai đề án Quy hoạch điện VIII. Nhu cầu đặt ra về vốn là rất lớn, song áp lực mua điện từ các nước láng giềng như Lào, Trung Quốc vẫn còn hiện hữu để giải quyết bài toán thiếu điện.

Quy hoạch điện VIII: Cần đầu tư 13 tỉ USD/năm nhưng vẫn phải mua điện từ Lào...

tuyetnhung | 28/09/2020, 16:26

Theo tính toán, trong 10 năm tới, mỗi năm cần tới 13 tỉ USD để triển khai đề án Quy hoạch điện VIII. Nhu cầu đặt ra về vốn là rất lớn, song áp lực mua điện từ các nước láng giềng như Lào, Trung Quốc vẫn còn hiện hữu để giải quyết bài toán thiếu điện.

Nhu cầu về vốn lớn, cơ hội cho tư nhân

Tính mở và linh hoạtlà những điểm mới trong cách thức tiếp cận Quy hoạch điện VIII. Những kết quả nghiên cứu cho thấy tốc độ tăng trưởng phụ tải giai đoạn 2021-2030 được dự báo vẫn ở mức cao, khoảng 8,6% giai đoạn 2021-2025 và 7,2% trong giai đoạn 2026-2030.

Dự kiến tới năm 2030, công suất đặt toàn hệ thống dự kiến đạt khoảng 138.000MW và tới năm 2045 khoảng 302.000MW, trong đó ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo phù hợp với tiềm năng từng vùng, nhiệt điện than có xu hướng giảm dần, tăng nhanh nhiệt điện khí trong cơ cấu phát triển nguồn điện. Mức phát thải khí CO2 sẽ giảm dần, đáp ứng các chỉ tiêu mà Việt Nam đã ký kết với quốc tế.

Tuy nhiên, thách thức đặt ra cũng là rất lớn. Nhu cầu điện vẫn tăng trưởng với tốc độ cao nhưng các nguồn năng lượng sơ cấp ngày càng khan hiếm, để đảm bảo cung ứng điện tới năm 2030, Việt Nam dự kiến phải nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn LNG, 35,1 triệu tấn than vào năm 2025 và tăng dần tới 8,5 triệu tấn LNG và 45 triệu tấn than vào năm 2030.

Đây là những thách thức không nhỏ trong việc đảm bảo an ninh cung cấp điện. Đáng chú ý, nhu cầu vốn đấu tư hằng năm cho chương trình phát triển nguồn và lưới điện lên tới khoảng 13 tỉ USD/năm giai đoạn 2021-2030 trong khi yêu cầu ngày càng cao về môi trường của các tổ chức quốc tế trong việc xem xét các khoản tín dụng hỗ trợ phát triển nguồn và lưới điện cũng đặt ra nhiều áp lực và thách thức cho việc thực hiện thành công Quy hoạch điện VIII.

Để giải quyết vấn đề này, nhiều cơ chế chính sách đã được đề xuất trong đó có cơ chế đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư các dự án điện, cơ chế xã hội hóa lưới điện truyền tải… để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển ngành điện.

Áp lực nhập khẩu điện

Ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết việc phát triển lưới điện truyền tải, đảm bảo vận hành ổn định hệ thống cần phải được nghiên cứu và xem xét cụ thể. Chính phủ đã có chủ trương cụ thể về triển khai nhập khẩu điện từ các nước trong khu vực. Nhiều biên bản ghi nhớ đã được ký giữa Việt Nam và các nước láng giềng để tăng khả năng nhập khẩu điện tới năm 2030. Tuy nhiên, quá trình triển khai nhập khẩu điện chưa đạt được kết quả như mong đợi, làm ảnh hưởng tới việc liên kết lưới điện.

TSNguyễn Mạnh Cường - Phó trưởng phòng Phát triển hệ thống điện (Viện Năng lượng,Bộ Công Thương) cho biết Lào Cai, Hà Giang sẽ mua điện từ Trung Quốc, nếu mua được 1.000MW sẽ cải thiện được các đường dây yếu. Trong khi đó, phía Lào đang đề nghị bán 1.000MW cho Việt Nam, nhưng trước mắt Việt Nam chỉ có thể mua được 600MW, 400 MW còn lại sẽ phải chờ nâng cấp thêm các đường cao áp.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Lê Thu Hà thành viên Phòng Phát triển hệ thống điệncũng cho rằng để giải quyết bài toán thiếu điện thời gian tới thì áp lực nhập khẩu điện từ các nước láng giếng thời gian tới là rất lớn.

Theo bà Hà, Trung Quốc hiện đang dư thừa điện nên sẵn sàng bán điện cho Việt Nam. Trong khi đó, Lào cũng đang có kế hoạch xây dựng hệ thống điện khổng lồ. "Chúng ta có thể nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc để bán sang Campuchia, Thái Lan,Myanmar. Năm 2030, Việt Nam có thể nhập khẩu 5.000 MW điện từ Lào. Sau năm 2030 sẽ xây dựng hệ thống điện kết nối, liên kết phía bắc của Việt Nam, Lào và Trung Quốc. Miền Trung, miền Nam của Việt Nam cũng sẽ liên kết với Campuchia, các nước ASEANtrong tình hình mới", bà Hà nói.

Chính vì vậy, trong đề án lần này, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biếtvấn đề liên kết lưới điện đã được Bộ Công Thương nghiên cứu kỹ lưỡng và đề xuất các giải pháp triển khai nhằm hiện thực hóa các chủ trương liên kết lưới điện của Chính phủ. Việc này không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của nước ta trong giai đoạn tới, quan trọng hơn là tạo ra sự liên kết mạnh giữa hệ thống điện Việt Nam và các nước trong khu vực, hướng tới thị trường điện cạnh tranh.

Quy hoạch điện VIII được thiết kế gồm 18 chương, phân bố theo 3 phần. Các nội dung chính tập trung vào dự báo nhu cầu điện; nguồn năng lượng sơ cấp trong đó có năng lượng tái tạo cho phát điện; chương trình phát triển nguồn điện, lưới điện; cơ chế bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; cơ chế và giải pháp thực hiện quy hoạch…

Trong đó, dự kiến tổng công suất nguồn điện sẽ tăng thêm khoảng gần 80.000MW so với năm 2020, trong đó các nguồn điện lớn như các nhà máy nhiệt điện than, khí và LNG dự kiến sẽ tăng thêm khoảng trên 30.000MW; các nhà máy điện gió onshore, offshore và điện mặt trời dự kiến tăng thêm khoảng gần 30.000MW.

So với quy hoạch điện trước đó, Quy hoạch điện VIII sẽ là quy hoạch điện của thời kỳ năng lượng tái tạo nên cách làm khác hẳn. Đối với nguồn năng lượng tái tạo thì Quy hoạch điện VIII sẽ không quá chú trọng về cơ chế giá điện cố định. Theo đúng kế hoạch, Bộ Công Thương sẽ báo cáo đề án với Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10.2020.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quy hoạch điện VIII: Cần đầu tư 13 tỉ USD/năm nhưng vẫn phải mua điện từ Lào...