Cộng đồng LGBT (Đồng tính, song tính & chuyển giới) hiện vẫn bị xem là tội phạm tại gần một phần ba thế giới và thậm chí là án tử hình tại 7 quốc gia. Mặc dù vậy, Châu Âu hiện nay được xem là 'nơi đáng sống nhất' dành cho người LGBT, đặc biệt là khu vực Bắc Âu.
Đây là kết quả vừa được chứng minh thông qua khảo sát của Planet Romeo - một website hẹn hò có trụ sở đặt tại Amsterdam, hợp tác cùng với Đại học Johannes Gutenberg tại Mainz, Đức. Khảo sát này đã tập hợp các thông tin từ hơn 115.000 người đồng tính nam trên khắp thế giới. Sau đó, các kết quả này được kết hợp với các bảng xếp hạng về quan điểm, hành vi của công chúng cũng như về mức độ hài lòng về cuộc sống của người đồng tính tại từng quốc gia. Toàn bộ số liệu được tổng hợp lại để lập nên bảng đánh giá về mức độ hạnh phúc của người đồng tính trên toàn cầu.
|
Bản đồ mô phỏng bảng xếp hạng với các quốc gia được xếp hạng từ cao đến thấp chuyển từ màu xanh sang đỏ. |
Iceland đứng đầu danh sách và trở thành quốc gia mà người đồng tính sống hạnh phúc nhất. Các quốc gia xếp sau là Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Uruguay, Canada, Israel, Hà Lan, Thụy Sĩ và Luxembourg. Việt Nam xếp hạng 52 trên tổng số 127 quốc gia. Các quốc gia xếp cuối bảng gồm có Kazakhstan, Ghana, Cameroon, Iran, Nigeria, Iraq, Kyrgyzstan, Ethiopia, Sudan và Uganda.
Tại 20 quốc gia xếp đầu bảng, có 37% người tham gia khảo sát hiện đang có quan hệ nghiêm túc với người cùng giới, 3% hiện đang quan hệ với phụ nữ. Còn tại 20 quốc gia xếp cuối bảng, các con số trên lần lượt là 22% và 5%.
Những người tham gia khảo sát tại 20 quốc gia cuối bảng thường không được gia đình, bố mẹ chấp nhận xu hướng tính dục của mình. Con số cụ thể là 56%, cao hơn rất hiều so với con số 20% tại các quốc gia đầu bảng.
Mặc dù hiện đã có nhiều quốc gia chấp nhận người đồng tính hơn trước nhưng vẫn có những nơi mà người khảo sát nói rằng tình hình ngày càng tệ hơn. Các quốc gia như Uganda, Kyrgyzstan, Sudan, Nigeria và Ethiopia là các quốc gia đứng đầu nhóm này. Bên cạnh đó, các nước như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary cũng nhận được nhiều phản hồi tiêu cực.
Toàn Tăng (Theo WashingtonPost)