Vừa qua, góp ý cho dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), Viện Dầu khí Việt Nam đã đề xuất làm rõ các nội dung liên quan đến thẩm quyền phê duyệt của cơ quan quản lý nhà nước về dầu khí.

Quản lý nhà nước về dầu khí và vai trò đại diện nước chủ nhà của Petrovietnam

PVN | 10/12/2021, 12:36

Vừa qua, góp ý cho dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), Viện Dầu khí Việt Nam đã đề xuất làm rõ các nội dung liên quan đến thẩm quyền phê duyệt của cơ quan quản lý nhà nước về dầu khí.

Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét, chỉnh sửa/bổ sung các nội dung về thẩm quyền phê duyệt của cơ quan quản lý nhà nước về dầu khí theo hướng: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy trình liên quan có ảnh hưởng lớn đến quyền “sở hữu nhà nước về tài nguyên dầu khí” và các trường hợp đặc biệt có ảnh hưởng đến lý do “quốc phòng, an ninh”; Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dầu khí, phê duyệt các quy trình liên quan đến việc cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và triển khai thực hiện theo hợp đồng dầu khí.

Quản lý nhà nước về dầu khí

Nội dung “Quản lý nhà nước về hoạt động dầu khí” được quy định ngay từ khi Luật Dầu khí lần đầu tiên được ban hành tại Việt Nam (Luật Dầu khí 1993). Luật Dầu khí 2008 chính thức vai trò, chức năng của cơ quan quản lý nhà nước về dầu khí, có nhiều cơ quan Chính phủ (Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ/cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) tham gia hoạch định chính sách và phê duyệt các quy tình liên quan trong hoạt động thăm dò khai thác dầu khí.

qly-1.jpg
Tài nguyên Dầu khí thuộc về sở hữu Nhà nước.

Trong khi đó, các quốc gia trên thế giới dù áp dụng mô hình quản lý nhà nước về dầu khí khác nhau song đa số quy trình phê duyệt liên quan đến hoạt động thăm dò khai thác dầu khí được thực hiện ở cấp độ của cơ quan quản lý nhà nước về dầu khí (thường là Bộ chủ quản thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dầu khí).

Để phù hợp với thông lệ dầu khí quốc tế và đơn giản hóa các thủ tục nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi, khuyến khích hơn trong điều kiện nguồn tài nguyên dầu khí ngày càng hạn chế, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét, chỉnh sửa/bổ sung các nội dung về thẩm quyền phê duyệt của cơ quan quản lý nhà nước về dầu khí trong Luật Dầu khí sửa đổi.

Cụ thể, VPI đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy trình liên quan có ảnh hưởng lớn đến quyền “sở hữu nhà nước về tài nguyên dầu khí” và các trường hợp đặc biệt có ảnh hưởng đến lý do “quốc phòng, an ninh”: phân định, điều chỉnh danh mục các lô dầu khí; phê duyệt hợp đồng dầu khí; gia hạn hợp đồng dầu khí hoặc gia hạn thời hạn tìm kiếm thăm dò, tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng dầu khí trong trường hợp đặc biệt vì lý do quốc phòng, an ninh; phê duyệt chuyển nhượng, kết thúc hợp đồng dầu khí.

Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dầu khí. Bộ Công Thương phê duyệt các quy trình liên quan đến việc cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và triển khai thực hiện theo hợp đồng dầu khí.

Đồng thời, VPI cho rằng Dự thảo Luật Dầu khí cần xem xét điều chỉnh/bổ sung về thẩm quyền phê duyệt đối với: Báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí, báo cáo phát triển mỏ (FDP), điều chỉnh FDP; tiếp nhận mỏ/cụm mỏ từ nhà thầu; quyết định phê duyệt dự án triển khai theo chuỗi đồng bộ để thuộc quyền phê duyệt của Bộ Công Thương (thay Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như trong Dự thảo) (Điều 40; Khoản 3, Điều 41; Khoản 1, Điều 44; Khoản 1, Khoản 6 Điều 47);

Bổ sung thẩm quyền của Bộ Công Thương đối với việc “Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư” (Khoản 2, Điều 65); bổ sung về việc xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trước khi Bộ Công Thương “Ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng dầu khí” theo quy định tại Khoản 3, Điều 65 do Thủ tướng Chính phủ là cơ quan phê duyệt Hợp đồng dầu khí ban đầu và là đại diện quyền “sở hữu nhà nước về tài nguyên dầu khí”.

Vai trò đại diện nước chủ nhà của Petrovietnam trong hoạt động dầu khí

Trong Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), Petrovietnam được quy định về quyền trong tổ chức triển khai điều tra cơ bản, tìm kiếm thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí; ký kết hợp đồng dầu khí; quản lý, giám sát hợp đồng dầu khí, các hoạt động dầu khí; phê duyệt chương trình tìm kiếm thăm dò; phê duyệt điều chỉnh kế hoạch EDP, FDP (trường hợp mức đầu tư tăng nhỏ hơn 10%)… Petrovietnam có các quyền của Nhà thầu khi tham gia vào hợp đồng dầu khí thông qua thực hiện quyền ưu tiên tham gia và ưu tiên mua lại quyền lợi tham gia trong hợp đồng dầu khí (Điều 39).

qly-2.jpg
Cần xác định rõ Petrovietnam là Công ty Dầu khí Quốc gia - đại diện cho nước chủ nhà trong các hợp đồng dầu khí.

Như vậy với vai trò là công ty dầu khí quốc gia, trong nội dung dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi, Petrovietnam có tham gia vào hoạt động quản lý, giám sát đối với hoạt động thăm dò khai thác dầu khí. Tuy nhiên, Dự thảo không trực tiếp xác nhận vai trò này của Petrovietnam. Điều 65 của Dự thảo Luật Dầu khí tiếp tục giới hạn phạm vi các cơ quan quản lý nhà nước tương tự Luật sửa đổi/bổ sung một số điều của Luật Dầu khí năm 2008.

Đối với việc thực hiện quyền ưu tiên tham gia tại Điều 39 cũng không khẳng định vai trò đại diện cho nước chủ nhà của Petrovietnam. Điều này sẽ gây khó khăn cho Petrovietnam khi vai trò quản lý, giám sát không được “Luật hóa” để đảm bảo về tính pháp lý khi thực hiện vai trò quản lý nhà nước về dầu khí. Dự thảo cũng không có quy định về quyền của Petrovietnam trong việc ban hành các quy định liên quan đến quản lý, giám sát hoạt động dầu khí. Điều này dẫn đến các quy định/yêu cầu của Petrovietnam đối với việc quản lý, giám sát hoạt động dầu khí khó đảm bảo để các nhà thầu/người điều hành tuân thủ và thực thi đầy đủ.

Do đó, VPI đề xuất tại Điều 7, Điều 39 và Điều 61 của Dự thảo Luật Dầu khí cần bổ sung quyền “đại diện cho nước chủ nhà” khi tham gia thực hiện quyền ưu tiên tham gia (back in right hoặc pre-emption right) và thực hiện vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về dầu khí trong thực hiện quản lý, giám sát theo hợp đồng dầu khí.

Tại Điều 39, VPI cho rằng cần bổ sung trình tự, thủ tục và xem xét điều chỉnh thời gian có ý kiến tham gia của Petrovietnam trong trường hợp back in right để đảm bảo thời gian thực hiện các thủ tục so với quy định đã được ban hành theo Hợp đồng dầu khí mẫu hiện nay.

Theo Nghị định số 33/2013/NĐ-CP, PVN có thời gian 90 ngày lựa chọn tham gia theo PSC kể từ ngày Nhà thầu có tuyên bố thương mại đầu tiên. Việc quyết định tham gia của PVN cần trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, trong khi đó, tại các quốc gia khác trên thế giới thời gian để các công ty dầu khí quốc gia tuyên bố tham gia thường lớn hơn mức 90 ngày trong khi cấp phê duyệt cuối cùng thường chỉ là các cơ quản quản lý nhà nước về dầu khí (Bộ chủ quản).

Theo quy định của hợp đồng dầu khí mẫu, thời gian để cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với báo cáo kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí (ODP) từ khi nhà thầu tuyên bố thương mại là khoảng 280 ngày. Để Petrovietnam tuyên bố tham gia với vai trò đại diện nước chủ nhà theo quy định của pháp luật hiện hành cần các bước thẩm định và cấp có thẩm quyền phê duyệt tương tự báo cáo ODP.

Do đó tương tự các nội dung quy định về trình tự thủ tục liên quan đến phát triển mỏ dầu khí (RAR, ODP, EDP, FDP), chuyên gia Đoàn Văn Thuần - Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Quản lý Dầu khí, VPI đề xuất trong nội dung Dự thảo Luật Dầu khí cần quy định cụ thể về trình tự, thủ tục và thời gian để Petrovietnam có ý kiến tham gia hợp đồng dầu khí với vai trò đại diện nước chủ nhà đồng thời xem xét khoảng thời gian dài hơn mức quy định 90 ngày đang được quy định theo Hợp đồng dầu khí mẫu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quản lý nhà nước về dầu khí và vai trò đại diện nước chủ nhà của Petrovietnam