Giới quan sát nhận định dù lên tiếng chỉ trích nhau mạnh mẽ, nhưng quan chức Mỹ và Trung Quốc đang lặng lẽ tìm cơ hội tái khởi động đàm phán giúp chấm dứt chiến tranh thương mại.
Ngày 6.6 vừa qua, Tổng thống Donald Trump nói rằng có rất nhiều điều thú vị đang diễn ra trong đàm phán với Trung Quốc, đồng thời tiếp tục đe dọa đánh thuế thêm 300 tỉUSD hàng Trung Quốc nếu cần thiết.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) Dịch Cương vài giờ sau phát đi tín hiệu “nước đôi” tương tự. Vị quan chức này khẳng định quốc gia châu Á còn nhiều dư địa để điều chỉnh chính sách tiền tệ đối phó chiến tranh thương mại kéo dài, tuy nhiên lại dự đoán dịp gặp gỡ giữa ông với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cuối tuần này là cuộc đối thoại hiệu quả.
Một số nhà phân tích cho rằng trong vài tuần tới sẽ xuất hiện thêm nhiều thông điệp mâu thuẫn như trên, bởi vì hai bên đều muốn vừa củng cố sức mạnh vừa tìm kiếm cơ hội tái khởi động đàm phán.
Nguồn tin chính phủ của tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đánh giá triển vọng Mỹ - Trung đạt thỏa thuận trước lúc Tổng thống Trump hội kiến Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị cấp cao G20 cuối tháng 6 khó mà xảy ra. Tiến triển khả dĩ nhất vào thời điểm hiện tại là chấp thuận “đình chiến” dành thêm thời gian thương lượng.
Theo một nguồn tin từ Mỹ thì hai chính phủ đang tính toán bước đi tiếp theo là gì và cần hành động ra sao. Lịch trình cụ thể chẳng rõ ràng nên tiến độ mở lại đàm phán có thể rất chậm.
Trong khi đó, một nguồn tin từ Trung Quốc cho biết câu trả lời sẽ dựa vào số liệu kinh tế tháng 5 của nước này. Nguồn tin còn tiết lộ Phó thủ tướng Lưu Hạc vẫn luôn điện đàm cho đối tác phía Mỹ sau khi vòng đàm phán mới nhất đổ vỡ hôm 10.5, nhưng thời gian gần đây lại chẳng hề liên lạc.
Bực tức vì Mỹ để lộ thông tin, còn nhiều nút thắt
Một nguồn thạo tin khác lưu ý đến tình hình thay đổi quá nhanh chóng kể từ tháng 2. Trung Quốc thời điểm đó rất tin tưởng khả năng chốt được 1 bản ghi nhớ (MOU) thương mại, đoàn quan chức tháp tùng Phó thủ tướng Lưu sang Washington thậm chí đã chuẩn bị sẵn lễ ký kết.
Vậy mà lúc tiếp đón Phó thủ tướng Lưu, Tổng thống Trump tuyên bố không thích MOU và đòi hỏi 1 thỏa thuận mang tính ràng buộc.
Việc Phó thủ tướng Lưu ở lại thêm 2 ngày làm nhen nhóm hy vọng đạt thỏa thuận. Tuy vậy khi đội ngũ đàm phán Trung Quốc về nước, tâm lý lạc quan mất hàng tháng trời phát triển bắt đầu nhường chỗ cho sự hoài nghi – giới lãnh đạo Bắc Kinh lo lắng nguy cơ đàm phán thất bại.
Nguồn thạo tin phân tích MOU cho Trung Quốc nhiều quyền quyết định hơn về các điều khoản, điều kiện bên trong, cũng như về mức độ thông tin có thể công khai. Thỏa thuận mang tính ràng buộc chắc chắn chịu áp lực đề nghị công khai toàn bộ từ người dân.
Quốc gia châu Á còn bức xúc Mỹ rò rỉ thông tin cho truyền thông dù đã được yêu cầu giữ bí mật nội dung đàm phán. Thông tin rò rỉ toàn là đề xuất từ phía Mỹ, đội ngũ quan chức Trung Quốc chưa hề đồng ý hay đọc qua.
Cũng theo nguồn thạo tin, trong đàm phán còn khánhiều nút thắt chưa thể tháo gỡ, bao gồm chuyện nhập khẩu thêm hàng hóa và dỡ bỏ thuế. Trung Quốc chấp nhận tăng mua hàng Mỹ để giảm thặng dư thương mại, đổi lại Mỹ phải nới lỏng hạn chế bán sản phẩm công nghệ cao cho Trung Quốc, lập tức dỡ bỏ thuế quan nhắm vào 200 tỉUSD hàng Trung Quốc.
Phía quan chức Washington muốn giữ lại mức thuế 25% với 50 tỉUSD hàng Trung Quốc cho đến khi quốc gia châu Á thực hiện đúng các cam kết, đồng thời yêu cầu làm rõ Trung Quốc sẽ tăng mua mặt hàng gì, số lượng bao nhiêu.
Quan chức Bắc Kinh e ngại nếu chấp nhận tăng nhập 100 tỉUSD hàng hóa mỗi năm theo yêu cầu mà Mỹ không nới lỏng hạn chế bán sản phẩm công nghệ cao, thì họ sẽ có rất ít lựa chọn mua hàng.
Cẩm Bình (theo SCMP)