Cục Hải quan và nhập cảnh Mỹ (ICE) mới đây thông báo du học sinh tại Mỹ có thể sẽ phải rời khỏi nước này nếu nơi họ đang theo học chuyển sang dạy 100% trực tuyến (online) vào học kỳ mùa thu tới. Quy định được cho là nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự chống nhập cư lâu nay và buộc các trường học Mỹ phải mở cửa trở lại.
Theo CNN, quy định mới của ICE không chỉ gói gọn trong các sinh viên quốc tế mà còn mở rộng ra tất cả những người đang theo học các chương trình có cấp bằng, chứng chỉ ở Mỹ. Tuy nhiên, ICE chỉ đề cập đến hai nhóm đối tượng đang giữ visa học thuật F-1 và visa học nghề M-1. Thay đổi trên buộc các trường đại học, cao đẳng và trường dạy nghề Mỹ giờ đây phải đưa ra một quyết định khó khăn cho niên khóa 2020-2021 trong bối cảnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Động thái này có thể gây ảnh hưởng tới hơn 1 triệu sinh viên nước ngoài đang học tập ở Mỹ. Theo dữ liệu 2018-2019, Trung Quốc và Ấn Độ là 2 nước có nhiều sinh viên theo học tại Mỹ nhất, lần lượt là 369.548 và 202.014 người. Trong danh sách 10 nước và vùng lãnh thổ có nhiều sinh viên nhất tới Mỹ, có nhiều địa chỉ ở châu Á như Hàn Quốc, Ả Rập Saudi, Đài Loan, Nhật Bản. Đáng chú ý, 24.000 sinh viên Việt có thể bị ảnh hưởng khi chính quyền Trump yêu cầu sinh viên mang visa F-1 và M-1 về nước nếu theo chương trình học trực tuyến 100%.
Chính sách mới từ ICE là một sự đảo ngược những quy tắc từng được ban hành ở giai đoạn COVID-19 mới bùng phát tại Mỹ, theo đó cho phép sinh viên chỉ tham gia các lớp học trực tuyến duy trì thị thực sinh viên quốc tế của họ.
Thông thường, các lớp học trực tiếp có lợi ích nhiều đáng kể so với các lớp học trực tuyến. Nhưng nhiều chuyên gia nhận định đây không phải là thời gian lý tưởng để lôi kéo sinh viên quay lại giảng đường khi COVID-19 vẫn đang hoành hành. Mỹ hiện là quốc gia có số người nhiễm cao nhất thế giới với hơn 3 triệu ca bệnh và hơn 133.000 người chết.
Các cơ sở giáo dục có nhiệm vụ cung cấp kiến thức, kỹ năng cho học sinh, sinh viên nhưng cũng có trách nhiệm phải bảo đảm an toàn cho đội ngũ, giảng viên, nhân viên và cả học sinh của mình. Điều này đồng nghĩa rất nhiều trường đang phải đưa ra lựa chọn khó khăn và không hoàn hảo là chuyển các lớp học, bài giảng sang hình thức trực tuyến, và dĩ nhiên đặt an toàn lên hàng đầu.
Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như không nghĩ như vậy. Khi các trường cao đẳng và đại học chuyển hoàn toàn sang hình thức học trực tuyến, điều này có thể truyền đi thông điệp rằng nước Mỹ chưa hoàn toàn an toàn trước COVID-19. Đây chắc chắn không đem lại bất kỳ tín hiệu tích cực gì cho cuộc đua vào Nhà Trắng của ông Trump vào tháng 11 tới, CNN nhận định.
Trên Twitter, Tổng thống Trump hôm 6.7 đưa ra thông điệp viết hoàn toàn bằng chữ in hoa: “Trường học PHẢI MỞ cửa vào mùa thu”.
Tiếp tục nhấn mạnh vấn đề này hôm 7.7, ông Trump tuyên bố ông sẽ gây sức ép với thống đốc các bang để mở cửa trở lại các trường học vào mùa thu tới. Phát biểu ý kiến tại một cuộc họp với hơn 20 quan chức giáo dục và y tế về vấn đề mở cửa lại trường học, ông Trump khẳng định bây giờ là thời điểm thích hợp để làm việc này.
Nhà lãnh đạo Mỹ giải thích, mặc dù số ca mắc COVID-19 tăng cao ở một số bang, nhưng tỷ lệ tử vong đã giảm mạnh, trong khi những người trẻ nhiễm coronavirus đang hồi phục "rất tốt". Ông cũng cho rằng vấn đề đóng cửa hay mở cửa trường học đang bị một số cá nhân "chính trị hóa".
Ông chủ Nhà Trắng đồng thời chỉ trích quyết định của Đại học Harvard chuyển tất cả các khóa học sang hình thức trực tuyến trong năm học 2020-2021. Trước đó, trường này thông báo 40% số sinh viên sắp tốt nghiệp sẽ được phép trở lại trường, nhưng việc học sẽ vẫn dưới hình thức trực tuyến.
Việc ông Trump kêu gọi mở lại trường vào mùa thu được xem nằm trong động thái thúc đẩy Mỹ nối lại các hoạt động kinh tế bình thường mà Tổng thống Mỹ kêu gọi trong thời gian qua. Ở cấp độ rộng hơn, chính sách thị thực mới áp dụng cho du học sinh cho thấy chính quyền Trump đang tận dụng COVID-19 để thúc đẩy chương trình nghị sự chống nhập cư lâu nay. Trước đó, quyết định của ông Trump cấm công dân từ một số quốc gia người Hồi giáo chiếm đa số nhập cảnh vào Mỹ từng tạo nên một làn sóng phản đối trên toàn quốc nhưng cuối cùng nó vẫn đang đứng vững.
Quy định mới về thị thực sẽ buộc hàng nghìn học sinh, sinh viên nước ngoài phải trở về quê nhà nếu trường của họ không tổ chức các lớp học truyền thống hay ít nhất là kết hợp giữa học truyền thống và học trực tuyến.
Có thể chính quyền Washington nghĩ rằng học sinh không cần ở Mỹ nếu họ không đến lớp, bởi họ có thể truy cập từ xa ở bất kỳ đâu. Tuy nhiên, với nhiều sinh viên quốc tế, việc trở về nhà đồng nghĩa kết nối internet của họ sẽ bị gián đoạn và giới hạn, và ở một số nơi thậm chí còn không có internet, ví dụ như học sinh, sinh viên đến từ những quốc gia đang phát triển hoặc nhiều vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh.
Những nước như Trung Quốc chẳng hạn còn hạn chế triệt để nội dung mà người dùng internet được phép truy cập. Học sinh từ Mỹ trở về chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn trong việc hoàn thành bài tập, nghiên cứu của khóa học. Nhiều sinh viên từ nhiều quốc gia ngoài châu Mỹ sẽ có chương trình học trực tuyến vào giữa đêm. Mặt khác, nhiều học sinh, sinh viên quốc tế theo học tại Mỹ có hoàn cảnh thiếu may mắn, họ có thể là những người tị nạn, những sinh viên mà quê nhà đang xảy ra xung đột hay bị tàn phá bởi thiên tai. Không phải tất cả sinh viên quốc tế đều có nhà để có thể quay trở về.
Chưa kể những rủi ro y tế toàn cầu sẽ là rất lớn nếu hàng nghìn người buộc phải từ Mỹ, vùng dịch COVID-19 lớn nhất thế giới, lên máy bay tỏa ra mọi nơi trên thế giới. Và không rõ rằng những học sinh, sinh viên này có thể trở về quê nhà không bởi nhiều quốc gia hiện còn đang đóng cửa sân bay, đình chỉ các chuyến bay quốc tế và coi người về từ Mỹ là một mối rủi ro đặc biệt.
Ngoài ra, nguồn sinh viên tài năng và đa dạng đổ về từ khắp thế giới làm cho tất cả các trường cao đẳng, đại học của Mỹ khuyến khích sự đổi mới và sáng tạo. Nền kinh tế, y tế của Mỹ đều được hưởng lợi từ những phát minh, nghiên cứu và đóng góp của những người đến học tập tại Mỹ. Việc mất đi số lượng lớn sinh viên nước ngoài không chỉ ảnh hưởng tới các sinh viên quốc tế mà còn tác động tới cả người dân và lợi ích quốc gia Mỹ. Quyết định này cũng là đòn giáng mạnh vào tài chính của các cơ sở giáo dục, bởi nguồn thu từ các du học sinh đã đóng góp cho nền kinh tế Mỹ hàng chục tỉ USD trong nhiều năm qua.
Hoàng Vũ (theo CNN)